Thực hiện thành công chiến lược mới “Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ninh Thuận đã đạt một số thành tựu nổi bật trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí NGUYỄN ĐỨC THANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận về những thành tựu mà Đảng bộ tỉnh đã đạt được; bài học kinh nghiệm và khát vọng xây dựng Ninh Thuận phát triển xứng tầm trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh (người đứng thứ hai bên trái) và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận dự Lễ ra quân triển khai thi công Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Ga Tháp Chàm, Ninh Thuận năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh (người đứng thứ hai bên trái) và lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận dự Lễ ra quân triển khai thi công Dự án cải tạo nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Ga Tháp Chàm, Ninh Thuận năm 2023.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả, thành tựu nổi bật của tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua về thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Tỉnh ủy Ninh Thuận sớm ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực công tác. Các cấp, các ngành nghiêm túc quán triệt và tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân tạo đồng thuận, quyết tâm để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân trong ba năm (2021-2023) đạt 9,28%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, gấp 1,5 lần so với năm 2020, bằng 78,9% mục tiêu đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nâng cao tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, năng lượng tái tạo. Năng lực sản xuất một số ngành tăng khá, nhiều nhân tố mới trong sản xuất, kinh doanh được nhân rộng...

Phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 115 của Chính phủ, tỉnh thực hiện đồng bộ đầu tư hạ tầng, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển; cải cách hành chính tốt, thu hút nhiều nhà đầu tư các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá sớm hoàn thành đi vào hoạt động, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho tỉnh và tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược khác.

Các chính sách, chương trình giảm nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc... được triển khai kịp thời; giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống nhân dân cải thiện nhiều. Công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ vừa qua?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Với kết quả đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ, Ninh Thuận rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Hai là, chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, bám sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm từ tỉnh đến cơ sở; theo dõi và dự báo sát tình hình, kịp thời chuyển hướng phát triển phù hợp xu thế, sát với tiềm năng.

Ba là, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cấp.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền... cùng với huy động sức mạnh của toàn dân để thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Năm là, coi trọng hợp tác, liên kết và học tập kinh nghiệm từ các đối tác chiến lược để vận dụng vào tỉnh; kịp thời kiến nghị, đề xuất với Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tranh thủ sự hỗ trợ cơ chế, chính sách để khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển của tỉnh.

Sáu là, luôn bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng-an ninh và phát triển văn hóa, xã hội; chủ động thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình kinh tế-xã hội để củng cố niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn xã hội.

Phóng viên: Để hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Đảng bộ tỉnh sẽ ưu tiên thực hiện những giải pháp đột phá, hiệu quả trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Đảng bộ tỉnh tập trung triển khai các giải pháp chủ yếu sau:

Trước mắt, chuẩn bị nội dung Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ, nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những hạn chế, xác định nguyên nhân để rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với tầm nhìn chiến lược mới là “Ninh Thuận-Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt”, sẽ tập trung các giải pháp đột phá vào các ngành năng lượng; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, du lịch,... để thúc đẩy cho tăng trưởng; phát triển các vùng kinh tế động lực, trọng điểm phía nam trở thành Khu kinh tế ven biển của cả nước; xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị thông minh; huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu theo hướng liên thông kết nối cao, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số,...; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện; thực hiện hiệu quả công tác quân sự-quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh tinh nhuệ, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ và hệ thống chính trị; tăng cường ngăn chặn, phòng ngừa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... để toàn xã hội luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới.

Phóng viên: Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu để Ninh Thuận thực hiện khát vọng vươn lên vị thế mới, xin đồng chí chia sẻ kết quả hiện nay, khó khăn, thuận lợi và giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ đối với lĩnh vực này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh: Công tác chuyển đổi đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2020, chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp hạng 59/63, đến năm 2022 đã tăng 32 bậc, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố. Chính quyền số được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tỷ lệ văn bản hành chính xử lý trên môi trường mạng toàn tỉnh đạt hơn 92%; dịch vụ công có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 81,17%; bảo đảm an ninh, an toàn, đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hoạt động thương mại điện tử được tăng cường; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều trên một số dịch vụ thiết yếu; thực hiện số hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế; doanh nghiệp... ngày càng lan tỏa. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm 12% GRDP của tỉnh.

Mặc dù, chỉ số DTI được cải thiện nhưng còn thấp, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP còn thấp và khá xa so với mục tiêu đã đề ra. Tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; hạ tầng số còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; thương mại điện tử chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia.

Với quan điểm xuyên suốt “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số”, thời gian tới, sẽ xây dựng cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội cho thực hiện chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, phục vụ nhân dân; đẩy nhanh xây dựng nền tảng số, tạo tiền đề phát triển đô thị thông minh; kết nối hệ thống định danh và xác thực điện tử của tỉnh với hệ thống của quốc gia để triển khai nền tảng số có khả năng dùng chung; đẩy nhanh số hóa dữ liệu phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm thông suốt trong lãnh đạo, điều hành trên môi trường số; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!