Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội

Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, thảo luận về tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh DUY LINH)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh DUY LINH)

Tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và nhiều đại biểu cho rằng, ngành y tế Việt Nam đã và đang bị “chao đảo”, cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công, thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu, việc mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện công đang bị “đứt gãy”, đình đốn, vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ, ảnh hưởng rất lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong số 16 chỉ tiêu cụ thể của ngành y tế được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, có 7/16 chỉ tiêu ước thực hiện không đạt kế hoạch.

Năm 2023, nguy cơ thiếu thuốc còn trầm trọng hơn khi khoảng 14 nghìn loại thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung. Về nguyên nhân, phần lớn ý kiến nhấn mạnh là do hành lang pháp lý về mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế chưa hoàn thiện, gây nhiều cách hiểu khác nhau khi triển khai thực hiện; khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại Luật Dược năm 2016. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm của một bộ phận công chức, viên chức y tế đã tạo ra tâm lý e ngại, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, không dám mua sắm của các địa phương, đơn vị.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần có ngay giải pháp tháo gỡ để ngành y tế khôi phục năng lực và điều kiện hoạt động. Những giải pháp này cần đồng bộ từ các quy định về đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế cho đến việc tăng thu nhập, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ y tế công cũng như giải quyết thấu đáo các bất cập, vướng mắc trong bảo hiểm y tế. Nếu hệ thống y tế không được củng cố ngay cả về con người và cơ sở vật chất thì chẳng những không đáp ứng được vai trò, nhiệm vụ chăm lo sức khỏe nhân dân mà còn không thể chống chịu được khi nhiều loại dịch bệnh bùng phát.

Về giải pháp trước mắt, Chính phủ cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời có ngay nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập cho cán bộ, công nhân, viên chức theo nguyên tắc tăng lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động và chăm lo cho gia đình.

Các đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) và nhiều ý kiến đề nghị, để đáp ứng các nhu cầu cấp bách của cuộc sống cũng như việc triển khai thực hiện thành công các nhóm giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, cần thực hiện tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và những người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước bắt đầu từ ngày 1/1/2023 thay vì ngày 1/7/2023 như Chính phủ trình Quốc hội.

Duy trì ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) và một số ý kiến cho biết, các vụ việc liên quan thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, những sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng tuy đã được phát hiện, ngăn chặn nhưng đã để lại những hậu quả đối với nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp lo lắng, bất an về vấn đề an toàn tiền gửi, lãi suất vốn vay cho sản xuất, tiêu dùng, giá bất động sản. Nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời phục hồi niềm tin của thị trường thì hệ lụy từ những yếu kém này có thể sẽ còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới, khu vực còn rất bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu do chiến tranh xung đột, do chính sách bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế.

Vì thế, các giải pháp cần hướng đến kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt hơn, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý và chú trọng hơn đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế; việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện hành như lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các biện pháp điều hành thị trường ngoại hối phải nhất quán để kiểm soát lạm phát, hạn chế rủi ro tài chính.

Đối với thị trường tài chính, tiền tệ, cần tập trung tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường vốn và hệ thống các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước; khuyến khích các tổ chức tín dụng có giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội ảnh 1

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang phát biểu ý kiến thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Đăng Anh

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với quản lý, điều hành hoạt động của các tổ chức tín dụng, quản lý thị trường chứng khoán và bất động sản; đánh giá, xác định về mức độ ảnh hưởng các sai phạm trong thời gian qua đã tác động thế nào đến nền kinh tế, thị trường vốn để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự minh bạch, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.

Bảo đảm cung ứng đủ mặt hàng xăng, dầu

Quan tâm vấn đề bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và an ninh năng lượng, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) cho rằng, thời gian qua, tình trạng khan hiếm xăng dầu, biến động về cung ứng mặt hàng xăng dầu đang đặt ra yêu cầu cấp bách về quản lý. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính rà soát quy trình quản lý, điều hành xăng dầu, từ khâu sản xuất, nhập khẩu, phân phối, điều hành giá, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng, tiết giảm chi phí trung gian, có chính sách thuế phù hợp, đánh giá lại việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, tăng cường triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực cho việc dự trữ xăng dầu, xây dựng các kho trữ xăng dầu quốc gia, bảo đảm trữ lượng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian dài, để tăng cường khả năng đối phó với các diễn biến lớn từ nguồn cung và giá thế giới. Về lâu dài, cần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất trong nước.

Có ý kiến phân tích: Xăng, dầu có tác động tới hầu hết các ngành kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân, cho nên giá xăng, dầu ổn định, thì các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế. Vì vậy, cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng, dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan; đồng thời, khẩn trương triển khai việc rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng, dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng, lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm mặt hàng xăng, dầu, sắp tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần "ứng cứu". Mặt khác, Bộ tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để tăng sản lượng sản xuất, nhập khẩu bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống; phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có thể tồn tại, phát huy vai trò trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên

Tình trạng thiếu giáo viên đối với các tỉnh miền xuôi đã khó, miền núi còn khó khăn hơn nhiều. Hằng năm, số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều, trong khi chính sách đặc thù thu hút, giữ chân giáo viên đã lạc hậu, chậm được điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Đề nghị Chính phủ điều chỉnh thời gian tăng lương sớm hơn dự kiến, đồng thời xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt hơn, ưu đãi hơn đối với đội ngũ giáo viên công tác ở miền núi, biên giới để giữ chân họ và thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp về công tác.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu)

Vấn đề cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang bộc lộ nhiều bất cập. Công chức cấp xã chưa liên thông với công chức cấp huyện. Khi công chức huyện luân chuyển điều động về xã được xem là biên chế thuộc công chức cấp xã, cho nên không được hưởng các chế độ của công chức cấp huyện, không được thi chuyển ngạch, nâng ngạch công chức dù đã đủ điều kiện; đồng thời, khi về lại huyện thì phải được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chuyển. Từ thực tế đó, nhiều cán bộ, công chức cấp xã không yên tâm công tác, xin nghỉ việc, nhất là ở các khu vực miền núi.

Đại biểu Lê Văn Dũng (Quảng Nam)