Thúc đẩy trật tự luật pháp, đối thoại và hợp tác ở Biển Đông

Sau hai ngày thảo luận theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”, ngày 19/11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã bế mạc. Với 8 phiên thảo luận khoa học và thực chất, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp tăng cường đối thoại, hợp tác, duy trì luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Tại hội thảo, giới chuyên gia nhận định rằng, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều diễn biến bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch và cạnh tranh nước lớn, tình hình tại Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với sự gia tăng các hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự và tập hợp lực lượng. Nhiều đại biểu nhấn mạnh về vai trò của ASEAN tăng cường lòng tin, khẳng định vai trò trung tâm, quản lý khủng hoảng và thúc đẩy hợp tác khu vực.
 
Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhiều học giả khẳng định vai trò Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông năm 2016 trong việc thu hẹp tranh chấp tại Biển Đông; ủng hộ sử dụng UNCLOS là cơ sở pháp lý toàn diện và duy nhất để xác định các yêu sách về biển và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia.

Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đối với vận tải hàng hải quốc tế và tại Biển Đông, các học giả nêu nhiều yếu tố gây đứt gãy chuỗi cung ứng, như chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động và quy định khắt khe về nhập cảnh, dịch tễ. Các đại biểu đề xuất giải pháp để bảo đảm khả năng phục hồi tuyến đường biển, như tăng độ phủ vắc-xin, hài hòa các quy định phòng, chống dịch, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường đối thoại chiến lược để giảm căng thẳng, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải và sự thông suốt trên biển.  

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển, coi đó là ưu tiên, chìa khóa giải quyết các vấn đề chung ở Biển Đông, như thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo vệ đa dạng sinh học biển. Giới chuyên gia đề xuất trong tương lai các quốc gia có thể chia sẻ dữ liệu, tăng cường nỗ lực chung, xây dựng các khuôn khổ hợp tác khu vực phù hợp...