Ngày 21-2, toàn văn CPTPP được công bố, sau khi 11 nước tham gia đàm phán, gồm Bru-nây, Chi-lê, Xin-ga-po, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Ma-lai-xi-a, Việt Nam, Mê-hi-cô, Ca-na-đa và Nhật Bản đạt nhất trí về những nội dung sửa đổi trong hiệp định. Thỏa thuận gồm 11 nền kinh tế thành viên, chiếm 13% GDP toàn cầu, với khoảng 500 triệu dân sẽ có hiệu lực sau khi ít nhất sáu quốc gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.
Theo đó, các cam kết tự do hóa trong những lĩnh vực chủ chốt, như dệt may, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch, cạnh tranh, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, lao động và giải quyết tranh chấp vẫn được giữ nguyên trong thỏa thuận mới. Tuy nhiên, hơn 20 điều khoản từ các chương về tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, dịch vụ, mua sắm công, quyền sở hữu trí tuệ, môi trường và minh bạch được xác nhận nằm trong danh sách các điều khoản “bị đóng băng”. Các điều khoản này, gồm cả một số quy tắc tồn tại trước đó trong TPP, theo yêu cầu của Mỹ, nay được đình chỉ, nhưng có thể sẽ được khôi phục trong tương lai.
Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Đ.Trăm đã quyết định rút Mỹ khỏi TPP như một phần trong chính sách “nước Mỹ trước hết”. Tuy nhiên, trước sự quyết tâm cao của 11 nước thành viên CPTPP, Tổng thống Đ.Trăm vẫn để ngỏ khả năng quay lại hiệp định, khi tuyên bố sẽ tham gia đàm phán nếu có được một thỏa thuận tốt hơn cho Mỹ. Cơ quan đại diện thương mại Mỹ cho biết, Tổng thống Đ.Trăm bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán thương mại với bất kỳ đối tác nào, nếu có lợi, trong đó có Nhật Bản và bốn nước thành viên CPTPP chưa có thỏa thuận tự do thương mại với Oa-sinh-tơn, gồm Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân và Bru-nây. Việc xoa dịu quan hệ với các nước thành viên CPTPP giúp Mỹ không đánh mất các cơ hội tại khu vực Thái Bình Dương.
Trong khi đó, nhiều nền kinh tế, như Thái-lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin đều thể hiện mong muốn tham gia CPTPP. Anh cũng xem xét khả năng tham gia CPTPP sau khi rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Việc nhiều nền kinh tế trên thế giới xem xét tham gia CPTPP chứng tỏ hiệp định hoạt động dựa trên nguyên tắc mở và linh hoạt này có sức hút và tầm ảnh hưởng nhất định.
Nhiều chuyên gia nhận định những lợi ích CPTPP có thể mang đến còn “chưa tính toán được hết”. Theo Giáo sư S.U-ra-ta của Đại học Waseda ở Tô-ki-ô (Nhật Bản), tới năm 2030 CPTPP có thể giúp tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia thành viên tăng thêm khoảng 1% . Đáng chú ý, theo Chính phủ Ca-na-đa, lợi ích kinh tế nước này có thể đạt được từ CPTPP lớn hơn nhiều so với TPP. Thực tế cho thấy, không có Mỹ trong thỏa thuận, doanh nghiệp Ca-na-đa có thể đạt nhiều lợi thế hơn tại các thị trường CPTPP trong khi tiếp tục hưởng đặc quyền tại thị trường Mỹ, thông qua Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Khi CPTPP đi vào thực tiễn với những điều khoản tiến bộ sẽ giúp các quốc gia thành viên có thêm năng lực đàm phán các hiệp định thương mại tự do khác, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP, gồm 10 thành viên ASEAN và sáu đối tác), hay NAFTA (gồm Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô).
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan đang nổi lên trên thế giới, CPTPP được thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại tự do, tăng cường liên kết không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới.