Đầu tư cho tài chính chuyển đổi
Tài chính chuyển đổi là một chủ đề quan trọng để Việt Nam và các quốc gia châu Á chuyển đổi thành công sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Các tập đoàn đa quốc gia đang tiếp tục chú trọng tìm kiếm nguồn tài chính chuyển đổi từ nhiều đơn vị khác nhau: tiêu biểu nhất là từ các công ty năng lượng tái tạo, các công ty cung cấp giải pháp hiệu quả năng lượng, các công trình xanh hoặc cơ sở sản xuất xanh.
Net Zero hay “Phát thải ròng bằng 0” là một mục tiêu bảo vệ môi trường nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể. Đây là một mục tiêu tham vọng nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và những hậu quả nghiêm trọng của nó đối với môi trường và sức khỏe con người.
Theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Hiện nay, nhiều nền kinh tế châu Á cũng đã bắt đầu cung cấp hướng dẫn về phân loại xanh và hỗ trợ về mặt chính sách. Từ 2016 đến 2021, số lượng trái phiếu liên quan đến tài chính bền vững tăng đáng kể, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, khi phát hành trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững tăng mạnh với sự hỗ trợ của chính phủ, ngân hàng và cơ quan chức năng.
Ngoài ra, yếu tố ổn định của thị trường trái phiếu vẫn duy trì bất chấp việc môi trường kinh tế vĩ mô đang diễn ra những yếu tố không thuận lợi. Tại hội thảo “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tới 2030: Góc nhìn từ xếp hạng tín nhiệm”, ông Jeffrey Lee, Quản lý khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Moody’s Ratings giải thích: “Chúng ta có thể thấy đồng đô-la Mỹ đang mạnh lên và lãi suất đang tăng, gây ra thách thức cho thị trường trái phiếu toàn cầu. Tuy nhiên, lợi suất của thị trường trái phiếu theo hướng tài chính bền vững trên thị trường thứ cấp vẫn rất ổn định, và chúng tôi dự đoán rằng điều này sẽ tiếp tục trong năm nay và năm 2025”.
Từ những dự đoán này, ông Jeffrey cũng kỳ vọng tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh tiếp tục duy trì ở mức cao.
Ông Jeffrey Lee, Giám đốc phụ trách Khu vực châu Á Thái Bình Dương, Moody’s Ratings. |
Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh so với trái phiếu thông thường vẫn gặp phải một số trở ngại liên quan đến chi phí phát hành như: phí tư vấn, phí tham vấn và phí đánh giá độc lập. Những chi phí này có thể trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường tài chính bền vững. Mặc dù thị trường trái phiếu xanh hiện nay đạt được mức chiết khấu lãi suất trung bình khoảng 4 đến 5 điểm cơ bản, nhưng điều này vẫn chưa đủ để bù đắp các chi phí hành chính và gánh nặng hoạt động khi tuân thủ theo các điều kiện xanh.
Để khắc phục vấn đề này, một số chương trình tài trợ xanh đã được triển khai tại Nhật Bản, Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính bền vững. Ngoài ra, nhiều quốc gia còn có các khoản trợ cấp khác như hỗ trợ đào tạo năng lực phát triển ESG (bộ quy tắc và tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu quả của các hoạt động bền vững và xã hội trong doanh nghiệp).
Xu hướng phát triển nguồn lực ESG đặc biệt quan trọng ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh lĩnh vực này mới chỉ bắt đầu được quan tâm từ năm 2019-2020 và thiếu nguồn nhân lực để triển khai các sáng kiến bền vững. Do đó, một số quốc gia như Singapore đã cung cấp các khoản trợ cấp cho các tập đoàn để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ESG trong nước.
Yếu tố quyết định cuối cùng đến việc phát triển tài chính bền vững ở châu Á là yêu cầu bắt buộc về công bố thông tin ESG. Theo ông Jeffrey Lee, khi nói về ESG hoặc khi nhà đầu tư muốn mua trái phiếu xanh, chúng ta thiếu dữ liệu để đánh giá trái phiếu xanh.
“Chúng tôi làm việc trực tiếp với các tổ chức phát hành và nhận được nhiều thông tin quản trị định tính nội bộ. Song, việc thiếu công bố dữ liệu ESG gây ra nhiều khó khăn trong việc đánh giá và so sánh định lượng. Do đó, những nơi như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản đã đưa việc công bố ESG vào yêu cầu bắt buộc trong quy định niêm yết trên sàn giao dịch. Đây là một số yếu tố cơ sở hạ tầng cần được xây dựng để phát triển thị trường tài chính bền vững trong một quốc gia”, ông Jeffrey đặc biệt nhấn mạnh.
Theo phân tích của Moody’s Ratings, ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ năm 2019 đến quý 4 năm 2020, tỷ lệ phát hành trái phiếu ESG so với tổng khối lượng phát hành chưa đến 5%. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã tăng gấp 3 lần, lên tới khoảng 14% kể từ khi châu Á thực sự bắt đầu chú ý phát triển thị trường này và có sự hỗ trợ chính sách về tài chính chuyển đổi. Các chuyên gia dự đoán rằng con số này sẽ tiếp tục tăng, thậm chí có thể đạt mức 50% như các thị trường châu Âu.
Theo Moody's Ratings, trái phiếu bền vững sẽ giữ ổn định vào năm 2024 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải. Nguồn: Moody's |
Giải pháp chiến lược thúc đẩy tài chính bền vững
Với sự gia tăng đáng kể trong việc phát hành trái phiếu xanh, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại với những rủi ro tiềm ẩn từ “greenwashing” (rửa xanh) và rủi ro danh tiếng. Hiện tượng “greenwashing” xuất phát từ việc doanh nghiệp, chính phủ hoặc tổ chức tài chính tự đưa ra những tuyên bố hoặc cam kết về môi trường mà không bảo đảm sự trung thực và minh bạch, thường chỉ nhằm mục đích tăng doanh số bán hàng hoặc cải thiện hình ảnh công ty mà không có sự thay đổi thực sự trong các hoạt động kinh doanh.
Vì lý do này, sự phát triển không kiểm soát của trái phiếu xanh có thể dẫn đến việc tăng cường các dự án không minh bạch hoặc không đáng tin cậy, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững và uy tín của thị trường trái phiếu xanh nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nhằm xem xét sự phù hợp của trái phiếu dán nhãn xanh với các nguyên tắc xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của ICMA (Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế) hoặc LMA (Hiệp hội Thị trường Tín dụng), Moody’s Ratings đã đưa ra năm mức xếp hạng SGS từ 1 đến 5 (trong đó SGS 1 là xuất sắc và SGS 5 là yếu), nhằm đánh giá các tác động dự kiến của các dự án và đi vào chi tiết một nghiên cứu điển hình thực tế.
Tại Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên nhận được đánh giá độc lập về hiệu quả vận hành trái phiếu xanh. Theo đó ngân hàng này đã nhận được điểm mức 2 - điểm chất lượng bền vững rất tốt. Về mặt đóng góp cho tính bền vững, BIDV nhận được mức điểm đóng góp đáng kể nhờ việc quản lý rủi ro ESG và theo sát khung ESG. Điều này có nghĩa là các khoản đầu tư của họ phù hợp với chiến lược bền vững tổng thể, cũng như quản lý rủi ro ESG ở cấp độ doanh nghiệp và cấu trúc quản trị đủ mạnh để giảm thiểu bất kỳ rủi ro ESG vốn có nào.
Ở phạm vi toàn cầu, kết quả đánh giá của Moody’s Ratings cho thấy khu vực châu Âu và châu Á chiếm thị phần lớn nhất trong cả việc phát hành trái phiếu bền vững và danh mục xếp hạng xanh. Trong khi đó, ở khu vực châu Mỹ, các tổ chức siêu quốc gia khác có quy mô nhỏ hơn nhiều so với châu Á và châu Âu. Điểm đáng chú ý là châu Á, sau 5 năm, đã từ khu vực có xuất phát điểm thấp tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường tài chính bền vững toàn cầu.
Biểu đồ kết quả đánh giá việc phát hành trái phiếu bền vững và danh mục xếp hạng xanh theo khu vực trên thế giới. Nguồn: Moody's |
Nhiều nơi trên thế giới khi xem xét cơ sở hạ tầng và sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh đều hy vọng thấy sự tiến bộ đáng kể hơn trong việc định nghĩa các loại phân loại, bất kể đó là phân loại xanh hay phân loại chuyển đổi. Sự tiến bộ này có thể giúp làm rõ hơn cho các tổ chức phát hành trái phiếu xanh và nhà đầu tư, khuyến khích họ tham gia tích cực hơn vào thị trường này.
Tại Việt Nam, trái phiếu xanh hiện đang là một lĩnh vực mới và đang ở trong giai đoạn đầu của việc phát triển nên có thể có một số chi phí bổ sung liên quan đến việc phát hành những trái phiếu này. Do đó, theo ông Jeffrey Lee, Chính phủ Việt Nam cần phát triển những chương trình trợ cấp tương tự như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp tham gia có thể giảm bớt gánh nặng tài chính khi tiếp cận thị trường trái phiếu xanh. Đồng thời, Việt Nam cũng cần chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp và nhà phát hành để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh nói chung.