Sau lễ đón, hai Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội hai nước tiến hành hội đàm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, chuyến thăm lần này là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 28 năm nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan nói chung và với Quốc hội Phần Lan nói riêng; mở ra những triển vọng hợp tác mới trong quan hệ song phương cũng như hợp tác liên khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, quan hệ hợp tác giữa hai nước vừa qua phát triển tích cực, đặc biệt về chính trị - ngoại giao, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, đề nghị hai bên sớm nối lại các hoạt động trao đổi đoàn, bao gồm đoàn cấp cao và cấp Bộ, ngành, địa phương, đồng thời khôi phục các cơ chế hợp tác song phương.
Về hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với Quốc hội Phần Lan, để trở thành một kênh hợp tác quan trọng giữa hai nước, trong đó chú trọng hợp tác giữa các nhóm nữ nghị sĩ, nghị sĩ trẻ, các Ủy ban chuyên môn để trao đổi bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp, thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động nghị viện và hoạt động lập pháp, tăng cường vai trò giám sát tối cao, thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các thỏa thuận hai nước đã ký kết.
Trong đó, Ủy ban Đối ngoại Việt Nam và Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Phần Lan có thể xem xét thành lập một cơ chế hợp chung để trao đổi về các vấn đề liên quan đến quá trình thực hiện EVFTA, EVIPA và các thỏa thuận hợp tác song phương; đồng thời phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn mà hai bên là thành viên như IPU, ASEP.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ngoài hợp tác nghị viện, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác, nhất là những lĩnh vực mà Phần Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như Phần Lan là đất nước hàng đầu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Việt Nam mong muốn học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác về lĩnh vực này.
Về kinh tế thương mại, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chuyến thăm và làm việc các nước châu Âu lần này đã gặp và lắng nghe hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu châu Âu bày tỏ nguyện vọng được tạo điều kiện hơn nữa cho đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Trên tinh thần đó Chủ tịch đề nghị Phần Lan sớm phê chuẩn hiệp định quan trọng này đồng thời cùng thúc đẩy thực thi EVFTA hiệu quả mạnh mẽ hơn, khắc phục tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.
Dịp này, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những thành quả Phần Lan đạt được trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua, mong muốn Phần Lan hỗ trợ Việt Nam trong việc tiếp cận với nguồn cung vaccine, chia sẻ/nhượng lại vaccine “dư dôi”, xem xét cung cấp các thiết bị y tế, thuốc điều trị Covid-19...
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan bày tỏ thông hiểu với khó khăn của Việt Nam hiện nay và cho biết Phần Lan mặc dù không viện trợ song phương nhưng đã đóng góp cho cơ chế COVAX 3,65 triệu liều vaccine để hỗ trợ các nước.
Nhất trí với những chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bà Anu Vehviläinen khẳng định, Phần Lan có thể chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực có thế mạnh như đổi mới sáng tạo, khoa học kỹ thuật, đầu tư và lĩnh vực xã hội… nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi mô hình kinh tế; đồng thời đề nghị hai bên hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu…
Khẳng định ý nghĩa quan trọng của EVIPA, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cho biết, hiện nay, Hiệp định này đang trong quá trình phê chuẩn.
Hai bên cho rằng, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước được duy trì tốt đẹp thông qua trao đổi một số đoàn cấp lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội. Trong hợp tác đa phương, hai bên duy trì tiếp xúc, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện khu vực và quốc tế như IPU, ASEP.
Hai bên khẳng định cùng nỗ lực để thúc đây hợp tác nghị viện hiệu quả, thực chất, góp phần củng cố quan hê song phương phát triển mạnh mẽ.
Quốc hội hai bên cũng cần phối hợp có tiếng nói và đóng góp quan trọng trong quan hệ giữa EU và ASEAN cũng như tại các cơ chế mà hai nước là thành viên, và trong những vấn đề mà hai bên có quan điểm chung như vai trò của chủ nghĩa đa phương để thúc đẩy hòa bình, quyền con người và phát triển bền vững.
Hai bên cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới và cạnh tranh nước lớn như hiện nay, hơn bao giờ hết, việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Phần Lan thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Trả lời báo chí ngay sau hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehviläinen nêu rõ: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa chuyến thăm đối với quan hệ hợp tác nghị viện hai nước và hai nước, Chủ tịch Quốc hội Phần Lan cho rằng, Phần Lan và Việt Nam đã có quan hệ tốt đẹp trong nhiều thập kỷ và luôn duy trì hợp tác cấp cao và tiếp tục triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tiếp đó, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehviläinen, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Nokia ký kết Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu nâng cấp và phát triển hạ tầng số của VNPT.
Theo báo cáo, cuối năm 2020, đầu năm 2021, VNPT và Nokia đã phối hợp triển khai thành công việc hợp tác thử nghiệm thương mại 5G trên nhiều tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục xem xét khả năng hợp tác trong các lĩnh vực như nâng cấp công nghệ mạng lõi đáp ứng nhu cầu chuyển dịch hạ tầng công nghệ theo định hướng 5G và điện toán đám mây (Cloud); nâng cấp hệ thống mạng truyền dẫn đường trục để bảo đảm sẵn sàng cho các nhu cầu kết nối trong nước và quốc tế đang gia tăng nhanh chóng.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tiếp lãnh đạo Tập đoàn Nokia. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và hoan nghênh Tập đoàn Nokia đầu tư và hợp tác với VNPT; nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyên đổi số, Nokia có thể tham gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong kinh tế số và cả Chính phủ trong chuyển đổi số, đầu tư 5G… Việt Nam là thị trường tiềm năng và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh từ Việt Nam có thể vươn ra khu vực ASEAN.
Dịp này, lãnh đạo Tập đoàn Nokia khẳng định tiếp tục hợp tác với VNPT, làm ăn lâu dài tại Việt Nam và mong được tạo điều kiện thuận lợi.