Đây là sự kiện do Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức, với sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Thủy lợi Trung Quốc và đại sứ quán các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan; các nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên và báo chí truyền thông các quốc gia trong cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương.
Phát biểu ý kiến tại sự kiện, ông Hác Chiêu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương cho biết, 6 năm qua kể từ khi ra đời, cơ chế Mê Công-Lan Thương không ngừng hoàn thiện lĩnh vực hợp tác tài nguyên nước giữa 6 quốc gia trong khu vực, nhất là trong quy hoạch và tăng cường trao đổi công nghệ, đào tạo nhân lực, triển khai các dự án thiết thực, thúc đẩy chia sẻ thông tin và triển khai nghiên cứu chung, không ngừng mở rộng phạm vi hợp tác về tài nguyên nước, thúc đẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả, để tăng cường năng lực quản trị nguồn nước trong khu vực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân các quốc gia trong lưu vực Mê Công-Lan Thương.
Ông Hác Chiêu nhấn mạnh, trong 19 năm qua, phía Trung Quốc duy trì cung cấp các thông tin về thủy văn Mê Công-Lan Thương cho các quốc gia trong khu vực. Kể từ năm 2020, mở rộng phạm vi chia sẻ thông tin ra cả năm, đóng góp thiết thực vào việc phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai trong lưu vực sông Mê Công-Lan Thương.
Bà Hồ Xuân Nguyệt Cầm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm. |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Hồ Xuân Nguyệt Cầm, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho rằng, sông Mê Công có ý nghĩa quan trọng, là nguồn cung cấp nước sạch, thực phẩm, giao thông vận tải đường thủy và năng lượng quan trọng cho hơn 70 triệu người dân sống trong lưu vực. Tuy nhiên, dòng sông này cũng đang phải đối mặt với những thách thức ngày một nghiêm trọng, như cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường và mất đa dạng sinh học.
Trong bối cảnh đó, cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương ra đời cách đây 6 năm, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các nước ven sông. Trong đó, hợp tác nguồn nước là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, như việc khởi động nền tảng chia sẻ dữ liệu hợp tác nguồn nước, hay việc triển khai nhiều dự án thủy lợi được tài trợ bởi Quỹ đặc biệt Mê Công-Lan Thương.
Việt Nam đánh giá cao và luôn tích cực tham gia cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương; đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp các quốc gia thành viên trên cơ sở nguyên tắc hợp tác Mê Công-Lan Thương nhằm hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao các quốc gia thành viên cũng như đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.
Tại buổi tọa đàm, các nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp, thanh niên, sinh viên các quốc gia trong cơ chế hợp tác Mê Công-Lan Thương đã chia sẻ các ý kiến và đề xuất về hợp tác lĩnh vực tài nguyên nước Mê Công-Lan Thương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc xây dựng hạ tầng thủy lợi trong ứng phó thiên tai, hạn hán cũng như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước lưu vực sông Mê Công.