Đây cũng là chủ đề tại diễn đàn trực tuyến do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp các cục: Trồng trọt, Chăn nuôi, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức ngày 16/9.
Ở nước ta trong những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh, đặc biệt là nghề chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao được xác định là một trong những sản phẩm chăn nuôi lợi thế, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì vậym đã tạo điều kiện cho việc phát triển ngô sinh khối ở các địa phương phía bắc trong thời gian qua.
Hiệu quả kinh tế cao
Khoảng 8,2 triệu con trâu, bò thịt và 332.000 bò sữa (tính đến hết quý 1 năm 2021) có nhu cầu thức ăn xanh, trong đó có ngô.
Nắm bắt được nhu cầu thức ăn xanh cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng ngô lấy thân (ngô sinh khối) làm thức ăn cho gia súc.
Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với người dân để tiêu thụ sản phẩm đã và đang phát huy được hiệu quả từ việc trồng ngô sinh khối hiện nay.
Trong đó, ở các vùng trồng ngô và bán cho các đơn vị thu mua làm thức ăn xanh cho gia súc như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Vĩnh Phúc... thì ngô thường được trồng với mật độ thấp hơn (khoảng 6 đến 7 vạn cây/ha) và năng suất sinh khối thường đạt từ 45 đến 50 tấn/ha tùy vùng và thời vụ.
Với giá bán 1 kg cây ngô thời điểm thu hoạch sinh khối từ 850 đến 1.000 đồng/kg thì hiệu quả của mô hình sản xuất này đạt khá cao. Theo tính toán, với giá bán 850 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn, nông dân thu về khoảng 34 đến 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 24 đến 30 triệu đồng/ha/vụ.
Với 1 ha chuyên canh được trồng ngô sinh khối có thể canh tác 3 vụ/năm, giúp nông dân thu lãi khoảng 80 đến 90 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với cây trồng khác. Hiện nhiều địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy rõ lợi ích, hiệu quả của việc chuyển trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn có khoảng 122 nghìn con và đàn bò sữa là 15.500 con. Với tổng đàn như trên, nhu cầu về thức ăn thô xanh rất lớn. Vì vậy, một số địa phương có diện tích đất vùng bãi có thể trồng ngô 3 vụ/năm đã chuyển đổi 1.300 ha trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô sinh khối.
Qua đánh giá, năng suất thu được từ trồng ngô sinh khối trung bình khoảng 38,7 tấn cây tươi/ha với giá bán khoảng 800đ/kg tươi, người sản xuất thu gần 31 triệu đồng/ha.
Trong khi đó, sản xuất ngô lấy hạt theo truyền thống, thời gian sinh trưởng khoảng 110 đến 115 ngày tùy giống. Năng suất trung bình khoảng 4,8 tấn hạt khô/ha với giá bán khoảng 6,5 triệu đồng/tấn, người dân thu được khoảng 31,2 triệu đồng/ha. Như vậy so với sản xuất ngô lấy hạt thì sản xuất ngô sinh khối thời gian rút ngắn khoảng 30 ngày.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 2 đến 3 nghìn ha ngô sinh khối. Trong đó, các địa phương như thị trấn Cao Phong, xã Tây Phong, Dũng Phong huyện Cao Phong do có diện tích đất trồng cam đã hết chu kỳ thu hoạch nên chuyển sang trồng ngô sinh khối để cải tạo đất. Hay một số địa phương khác chuyển đổi từ diện tích đất trồng mía, hoa màu kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối.
Qua đánh giá, năng suất thu được trung bình của ngô sinh khối trên địa bàn khoảng 50 tấn cây tươi/ha, giá bán dao động từ 700 đến 1.000 đồng/kg tươi, lợi nhuận thu về 35 đến 45 triệu đồng/ha/vụ.
Bảo đảm đầu ra ổn định
Có thể nói, việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối không chỉ góp phần tận dụng quỹ đất rất lớn trong vụ đông mà còn giải quyết nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc. Vì vậy, việc phát triển các vùng trồng ngô sinh khối là khá cần thiết, đặc biệt là trên chân đất lúa kém hiệu quả và trên chân đất lúa vụ đông giúp tăng thu nhập cho nhân dân và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Mặc dù cây ngô sinh khối được đánh giá là dễ trồng, thời vụ sản xuất ngắn, hiện nay nhưng sản xuất ngô sinh khối ở phía bắc ở nhiều nơi còn mang tính nhỏ lẻ, khó áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, người dân chưa chủ động và chú trọng tìm kiếm và phát triển thị trường tiêu thụ ngô sinh khối; một số địa phương chưa thu hút được doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi thu mua ngô sinh khối nên việc phát triển ngô sinh khối còn nhiều hạn chế; sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông trên đất 2 lúa còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, hệ thống tưới tiêu…
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cho biết, phát triển ngô sinh khối trong thời gian qua đã và đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương quan tâm triển khai. Mặt khác, việc phát triển chăn nuôi cũng đang tạo điều kiện cho việc phát triển ngô sinh khối ở nhiều địa phương.
Trong năm 2020, các địa phương đã trồng khoảng hơn 11 nghìn ha ngô sinh khối. Đặc biệt, các chuỗi liên kết trong sản xuất ngô sinh khối năm 2020 được kết nối và tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì ngô sinh khối vẫn đang cần được quan tâm phát triển hơn nữa nhằm phát triển ngành chăn nuôi.
Theo ngành chăn nuôi thống kê, hằng năm cần tới 75 triệu tấn thức ăn thô, xanh. Dư địa cho trồng ngô sinh khối còn nhiều, khi diện tích sản xuất lúa mùa toàn vùng là hơn 1 triệu ha nhưng kế hoạch gieo trồng cây vụ đông 2021 khoảng 410 nghìn ha. Đây là dự địa lớn nếu tính toán kỹ, canh tác tốt hoàn toàn có thể tận dụng để phát triển ngô sinh khối”.
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết, vụ đông 2021, các địa phương phía bắc gieo trồng khoảng 110 nghìn ha ngô lấy hạt và ngô sinh khối. Để tạo điều kiện phát triển diện tích ngô sinh khối thì cần tạo được chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Hơn nữa, ngô sinh khối chủ yếu phục vụ chăn nuôi gia súc nên cần được bảo đảm đầu ra ổn định.