Thúc đẩy châu Phi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Quyền Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc (LHQ) về châu Phi (UNECA) Antonio Pedro (A.Pê-đrô) mới đây đưa ra khuyến nghị các nước châu Phi nên tập trung vào việc gia tăng giá trị, triển khai hiệu quả chính sách về tỷ lệ nội địa hóa để giúp châu lục này tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) cũng kêu gọi đẩy nhanh thực hiện Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).
0:00 / 0:00
0:00
Cảng Banjul đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại của Gambia với các nước láng giềng. (Ảnh: WB)
Cảng Banjul đóng vai trò quan trọng trong trao đổi thương mại của Gambia với các nước láng giềng. (Ảnh: WB)

Người đứng đầu UNECA cho rằng, châu Phi sẽ là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, dự báo ở mức 3,9% vào năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, theo ông Pedro, mức tăng trưởng này dù cao hơn nhiều khu vực khác song vẫn chưa đủ để bù đắp những tổn thất trong ba năm qua do chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ lần thứ 42 của Hội đồng điều hành Liên minh châu Phi (AU) ở Ethiopia, ông Pedro kêu gọi các nước châu Phi triển khai hiệu quả AfCFTA để giúp khu vực này nâng cao năng lực chống đỡ và thích ứng với các biến động. Ông Pedro nêu rõ: “Các nước thành viên của thỏa thuận nên đẩy nhanh việc điều chỉnh các quy định pháp lý có thể ảnh hưởng đến việc thực thi AfCFTA tại mỗi nước, bao gồm cập nhật biểu thuế, quy trình hải quan, chứng nhận xuất xứ và các vấn đề tương tự”.

Thị trường do AfCFTA tạo ra giúp làm tăng quy mô nền kinh tế khu vực, từ đó có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, tăng cường thương mại nội khối, đưa các nước châu Phi tiếp cận gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực tự cung, tự cấp đối với các sản phẩm thiết yếu, chẳng hạn như thuốc, lương thực, phân bón.

UNECA hỗ trợ châu Phi sáng kiến về pin và xe điện, cho phép châu Phi tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu dự kiến đạt 8.800 tỷ USD trong ba năm tới và 46 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Việc thành lập Trung tâm chuyên biệt về pin và Đặc khu kinh tế xuyên biên giới nhằm góp phần giảm rủi ro đầu tư trong chuỗi giá trị. Giúp giảm rủi ro đầu tư ở châu Phi thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng mềm và cứng là ưu tiên của UNECA.

AfCFTA được các quốc gia châu Phi ký kết vào tháng 7/2019 sau 17 năm đàm phán, và bắt đầu được thực thi từ ngày 1/7/2020, được coi là lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số, quy tụ 54 trong số 55 quốc gia châu Phi, với Eritrea là nước duy nhất không tham gia.

Tuy nhiên, việc thực hiện hiệp định đã vấp phải một số rào cản, bao gồm những bất đồng về các mức cắt giảm thuế quan và tình trạng đóng cửa biên giới do đại dịch Covid-19. Đánh giá tầm quan trọng của việc thực thi AfCFTA đối với nền kinh tế châu lục, Hội nghị cấp cao AU diễn ra tại Ethiopia mới đây hướng tới mục tiêu đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận châu lục này. Các nhà lãnh đạo châu Phi đã nhất trí thúc đẩy triển khai đồng bộ AfCFTA.

Châu Phi đang phải đối mặt những thách thức bởi tình trạng hệ thống tài chính toàn cầu không công bằng và kém hiệu quả khi bỏ mặc các nước đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng sâu sắc cũng như nguồn lực ít ỏi để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt trở nên trầm trọng hơn do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine và biến đổi khí hậu đang đặt các cộng đồng và cuộc sống người dân châu Phi vào tình thế nguy hiểm, khiến hàng triệu người phải di cư.

Trước tình trạng này, phát biểu trước Hội nghị cấp cao AU, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, các ngân hàng phát triển đa phương cần chuyển đổi mô hình kinh doanh và áp dụng cách tiếp cận mới để giúp thu hút thêm dòng vốn tư nhân vào châu Phi. Ủy viên AU về nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế xanh và môi trường bền vững, bà Josepha Sacko (G.Xắc-cô) cũng kêu gọi chính phủ các nước châu Phi huy động các nguồn lực bền vững để tài trợ cho nông nghiệp ở nước mình nhằm đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng của người dân.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của LHQ, các nước châu Phi đang nỗ lực nhằm chung tay thúc đẩy sự phát triển của châu lục thông qua tăng cường thương mại nội khối và đầu tư vào châu Phi. Đây là cơ hội để châu Phi có thể tự chủ hơn về nguồn cung, tiến tới trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.