Thúc đẩy các giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Việt Nam là một trong số năm quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước đang đứng trước thách thức rất lớn do những diễn biến bất thường về lượng mưa, nước biển dâng và nhất là những tác nhân từ việc khai thác bừa bãi, sử dụng quá mức dẫn tới nguồn nước đang "quá ít" và "quá bẩn".
0:00 / 0:00
0:00
Vận hành hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống (Hà Nội). (Ảnh MINH HÀ)
Vận hành hệ thống cấp nước tại Nhà máy nước mặt sông Đuống (Hà Nội). (Ảnh MINH HÀ)

Hiện nay 63% tổng lượng nước mặt Việt Nam là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ; 71,7% lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7/13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia… Dù phần lớn nguồn nước mà Việt Nam đang có đến từ nước ngoài, song việc sử dụng lại kém hiệu quả. Với mỗi mét khối nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 USD cho GDP.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới cho rằng bên cạnh những tác động khách quan do biến đổi khí hậu, Việt Nam đang gặp phải thách thức lớn do nguồn nước đang ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm bởi chính cách quản lý, sử dụng. Nếu các hành động quyết định trong việc quản lý nguồn nước không được thực hiện, mức độ gia tăng của các mối đe dọa liên quan đến nước có thể làm giảm khoảng 6% GDP của Việt Nam hằng năm vào năm 2035.

Việt Nam có Luật Tài nguyên nước năm 2012. Tuy nhiên, quá trình thực thi trong hơn 10 năm qua đã bộc lộ những tồn tại, chưa tạo lập được hành lang pháp lý đồng bộ để bảo đảm an ninh tài nguyên nước. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng cho biết, từ nhiều năm qua, nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nước sạch sinh hoạt của thành phố nằm ở "cửa sông ven biển" này phụ thuộc vào hạ lưu của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Do đó, thành phố phải "hứng chịu" toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông này dồn về.

Thực tế trên cho thấy, Luật Tài nguyên nước đang còn "lỗ hổng" lớn về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố và quy định cụ thể về trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước liên tỉnh. Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước cũng chưa chú trọng nguồn lực đầu tư cho phát triển ngành nước; thiếu cơ chế, chính sách thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân. Tiền thu dịch vụ cung cấp nước còn thấp; chưa đủ khuyến khích và điều tiết việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững nguồn nước… Do vậy, việc tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ giúp hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.

Hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, ngày 27/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này là cột mốc quan trọng, lần đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước; là định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Quy hoạch tài nguyên nước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… đặc biệt là Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quy hoạch đã đề cập các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng nước cho các mục đích nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, thủy lợi, thủy điện, cấp nước đô thị, nông thôn và các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác; vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia và các nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Đồng thời, thể hiện đầy đủ, bao trùm các giải pháp công trình, phi công trình và được xem xét tổng thể trên cơ sở tài nguyên nước theo các lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc, hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Quy hoạch là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra. Quy hoạch định hướng tổng thể cho sáu vùng phát triển kinh tế-xã hội, 13 lưu vực sông lớn, nhóm lưu vực sông ven biển và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh. Mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Từ đó hướng tới bảo vệ số lượng và chất lượng, kết hợp hài hòa giữa bảo vệ với duy trì, phát triển nguồn sinh thủy, nâng cao khả năng tích trữ nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hợp tác, chia sẻ công bằng và hợp lý tài nguyên nước xuyên biên giới; phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra với phương châm phòng ngừa là chính, giảm đến mức thấp nhất tổn thất.