Đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Những năm qua, công tác cải cách TTHC đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt. Từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định thành lập TTHCC cấp tỉnh; đồng thời, chín TTHCC cấp huyện được thành lập, đi vào hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, đáp ứng kỳ vọng về sự đổi mới, đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh.
Chính thức hoạt động vào đầu tháng 4-2017, vượt qua những khó khăn ban đầu, TTHCC huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) thật sự là cầu nối giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời, tạo bước đột phá trong cải cách TTHC, đẩy mạnh thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Giám đốc TTHCC huyện Phú Lộc Trần Quốc Sinh cho biết, trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận hơn 350 bộ hồ sơ, chủ yếu trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, thành lập hộ kinh doanh và hộ tịch.
Đối với hồ sơ có quy định giải quyết trong ngày, nếu được tiếp nhận buổi sáng thì hẹn trả vào đầu giờ chiều; các hồ sơ tiếp nhận trước 15 giờ thì hẹn trả kết quả vào lúc 16 giờ 30 phút cùng ngày. Riêng hồ sơ tiếp nhận sau 15 giờ thì hẹn trả kết quả vào buổi sáng ngày hôm sau. Theo đồng chí Sinh, trung tâm niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, rõ ràng bộ thủ tục hồ sơ, mức thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết TTHC, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đơn cử TTHCC thành phố Huế, đơn vị được tỉnh chọn làm điểm đưa vào khai trương, chính thức vận hành từ đầu tháng 4-2017. Với phương châm “công khai - minh bạch - chính xác - đúng pháp luật”, trung tâm là đầu mối và chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện tiếp nhận, hướng dẫn và trả kết quả các TTHC với hơn 40 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết.
Giám đốc TTHCC thành phố Hoàng Văn Quang cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, trung tâm tăng cường ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) vào quá trình xử lý công việc. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận hàng trăm hồ sơ, TTHC cần giải quyết, đã hạn chế phần nào việc đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên theo hướng chuyên nghiệp, thân thiện. Từ ngày thành lập đến nay, trung tâm đã tiếp nhận, chuyển hồ sơ; đôn đốc, nhắc nhở các phòng, ban liên quan giải quyết hơn 22.700 hồ sơ các loại thuộc 21 lĩnh vực; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn chiếm hơn 80%.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật, việc thành lập TTHCC thành phố bước đầu hoạt động khá tốt. Qua đó, nâng cao chất lượng hoạt động giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cấp chính quyền, từ thành phố đến phường và các cơ quan chuyên môn. Lãnh đạo thành phố thường xuyên rà soát bổ sung các loại công việc bắt buộc thực hiện, quy trình TTHC, hồ sơ hành chính tại TTHCC thành phố, UBND các phường.
Hiện đại hóa nền hành chính công
Đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng, để xây dựng chính quyền điện tử cần phải triển khai điện tử hóa bốn thành phần quan trọng là: cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. CCHC và ứng dụng CNTT là hai mặt của một vấn đề nhưng đều hướng tới mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và độ tin cậy của thông tin quản lý điều hành.
Những năm qua, việc đầu tư hạ tầng thiết bị và ứng dụng CNTT cho xây dựng chính quyền điện tử (còn gọi là cơ quan điện tử và đào tạo cán bộ công chức viên chức - công chức điện tử) được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm. Đến thời điểm này, hạ tầng “cơ quan điện tử” cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ công tác xây dựng chính quyền điện tử. “Công chức điện tử” là điều kiện bắt buộc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước. Đối với “công dân điện tử”, đây là một vấn đề lớn, đã được lãnh đạo tỉnh nhìn nhận ngay khi có chủ trương xây dựng chính quyền điện tử. Trong đó, mô hình TTHCC được coi là bước đột phá về cải cách hành chính và hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh; thể hiện quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh, hướng tới sự thuận lợi và nâng cao mức độ hài lòng cho người dân.
Toàn tỉnh hiện có 700 dịch vụ công trực tuyến với hơn 3.500 tài khoản người dùng đăng ký và hơn 3.000 thủ tục đăng ký trực tuyến. Một số cơ quan triển khai toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế... Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả.
Đồng chí Trần Thị Hoài Trâm, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc TTHCC tỉnh cho biết: Trung tâm hoạt động theo nguyên tắc bảo đảm số hóa, tạo lập hồ sơ điện tử và lưu vết toàn bộ hồ sơ được tiếp nhận, hướng tới việc những hồ sơ này không phải nộp lại khi công dân, tổ chức tham gia giải quyết TTHC ở các lần tiếp theo. Các TTHC đưa vào trung tâm đều được quy trình hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; toàn bộ hồ sơ, TTHC được số hóa và giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả và được số hóa trên môi trường mạng. Với mục tiêu “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động” và phương châm “Thân thiện - đơn giản - đúng hẹn”, TTHCC tỉnh chú trọng đón tiếp và hướng dẫn chu đáo người dân, tổ chức và doanh nghiệp đến làm thủ tục với thái độ phục vụ lịch sự, thân thiện.
Đánh giá đề án này, đồng chí Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Sự ra đời của TTHCC tỉnh cùng với hệ thống TTHCC cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã là giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là bước đột phá, tạo điều kiện tốt nhất về giải quyết các TTHC cho tổ chức, cá nhân; đồng thời, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, hướng tới một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ người dân tốt hơn.
Thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, bên cạnh tập trung quyết liệt, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; ban hành cơ chế, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giao dịch hành chính, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, phối hợp khắc phục những bất cập. Đây là cơ sở để xây dựng một nền hành chính công tiên tiến, chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, góp phần tăng tính cạnh tranh trong môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài.