Nồng nhiệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và phát biểu chính sách tại trường, Phó Hiệu trưởng Đại học Victoria Nic Smith cho biết, mới đây trường đã tổ chức một cuộc giao lưu sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh và cuộc giao lưu này đã truyền cảm hứng để chúng tôi có sự kết nối học thuật mạnh mẽ với Việt Nam.
Đại học Victoria là đại học đầu tiên triển khai đào tạo song bằng với Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai giảng dạy nghiên cứu sinh, tiến sĩ kinh tế. Trường còn tham gia 3 khóa giảng dạy chương trình nâng cao năng lực cho quan chức Chính phủ Việt Nam; triển khai các khóa học tiếng Anh cho các cán bộ nhà nước và khóa học rất thành công. Đại học Victoria tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để triển khai sâu rộng các chương trình hợp tác này.
Hiệu trưởng Đại học Victoria Nic Smith phát biểu chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Phát biểu chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng được đến thăm và phát biểu tại Đại học Victoria, một trong những trường đại học lâu đời và uy tín nhất của New Zealand, cũng là nơi có nhiều sinh viên Việt Nam theo học nhất trong số các trường đại học của New Zealand (hơn 200 sinh viên Việt Nam). Thủ tướng ấn tượng vì đất nước New Zealand rất xanh, sạch, đẹp, coi trọng giáo dục, khoa học công nghệ, coi trọng yếu tố con người.
Thủ tướng nêu rõ, hai nước đều là những quốc gia có nền tảng nông nghiệp vững mạnh, vừa tích cực hội nhập quốc tế, vừa chia sẻ nhiều giá trị chung (coi trọng việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao tính cộng đồng, sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái). Người Maori có câu ngạn ngữ: “Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng”. Còn ở Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Với chuyến thăm này, Thủ tướng mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-New Zealand lên tầm cao mới, phát triển sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong tương lai. Thủ tướng chia sẻ, đã đề xuất mong phía New Zealand tạo điều kiện cấp visa lao động cho người Việt Nam; mong sao theo luật pháp của New Zealand sớm công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số nằm trong cộng đồng đa sắc tộc của nước này với bản sắc riêng.
Tại Diễn đàn hôm nay, Thủ tướng mong muốn chia sẻ 3 nội dung chính: Về tình hình thế giới, khu vực hiện nay; Tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam; Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand trong thời gian tới.
Về tình hình thế giới và khu vực, Thủ tướng nêu rõ, thế giới ngày nay đang đối mặt với những thách thức lớn và chúng ta phải có giải pháp khắc phục. Đó là những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể xử lý được mà đòi hỏi phải có sự đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương. Đồng thời, đây cũng là những vấn đề mang tính toàn dân, tác động, ảnh hưởng đến mọi người dân ở tất cả các quốc gia. Đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét nhất. Để ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu và mang tính toàn dân nêu trên, cần có cách tiếp cận toàn cầu và cách tiếp cận toàn dân với các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thế giới và khu vực đang trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc với đặc trưng là tình hình diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, rủi ro và bất ổn gia tăng: cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột tại Ukraine, Dải Gaza, Biển Đỏ diễn biến khó lường; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng nặng nề.
Quang cảnh buổi phát biểu chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: giữa chiến tranh và hòa bình; giữa cạnh tranh và hợp tác; giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; giữa phát triển và tụt hậu; giữa tự chủ và phụ thuộc.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là các công nghệ đột phá (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ 5G…) đã và đang làm thay đổi thế giới, buộc mọi chủ thể đều phải thích ứng, thay đổi. Không ở nơi đâu trên thế giới, những thay đổi sâu sắc của tình hình quốc tế lại thể hiện rõ nét như ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - là động lực phục hồi, tăng trưởng toàn cầu, là trung tâm kinh tế của thế giới, đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu; tập trung 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản; 46% tổng thương mại quốc tế và 50% tổng lượng vận chuyển hàng hải.
Sức trẻ của lực lượng lao động, mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với mạng lưới các Hiệp định FTA thế hệ mới, quy mô lớn mà Việt Nam và New Zealand cùng là thành viên (như RCEP, CPTPP). Năng lực đổi mới sáng tạo, đi đầu về thử nghiệm các công nghệ mới. Ước tính đến 2030, kết nối di động 5G tăng gấp 10 lần; số lượng kết nối internet tại khu vực sẽ đạt 1,84 tỷ người dùng. Như vậy khu vực này đặt ra cơ hội đan xen những thách thức. Chúng ta luôn luôn phải nhìn thấy những mặt trái và mặt thuận lợi, có cách hóa giải, luôn đặt sự vật và con người trong sự vận động và phát triển.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là khu vực tập trung nhiều điểm nóng, đồng thời là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước; dễ có nguy cơ xảy ra xung đột và có thể lan rộng, tác động, ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực và toàn cầu.
Tóm lại, nói một cách khái quát về thế giới ngày nay: Tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; Tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; Tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột. Thủ tướng nêu rõ, cạnh tranh chiến lược buộc các nước khác phải chọn bên, nhưng Việt Nam không chọn bên mà thực hiện đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Về tầm nhìn và khát vọng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, có thể nói: Dân tộc Việt Nam là dân tộc chịu nhiều đau thương, mất mát nhất do chiến tranh gây ra hơn bất cứ dân tộc nào khác kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II (bao gồm: chống chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, phát xít, thực dân kiểu mới, chống chủ nghĩa diệt chủng, chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc và chống bao vây, cấm vận). Năm 2024, Việt Nam kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954-7/5/2024). Vì vậy, Việt Nam hơn ai hết hiểu rõ giá trị của hòa bình và luôn mong muốn cùng cộng đồng quốc tế gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột và thúc đẩy phát triển bền vững; phải bảo vệ hòa bình, phản đối chiến tranh. Hòa bình, ổn định là tài sản chung vô giá, là điều kiện cần để cho phát triển kinh tế-xã hội, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.
Về mục tiêu tổng quát, các yếu tố nền tảng và định hướng phát triển, Thủ tướng cho biết, về mục tiêu tổng quát: Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; phấn đấu đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng chia sẻ về các yếu tố nền tảng bao gồm 3 yếu tố: xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; trong đó, nguyên tắc xuyên suốt là lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Đề cập thành tựu sau gần 40 năm đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh: Nhờ có chủ trương, đường lối, mục tiêu, định hướng đúng đắn nêu trên dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đúng như đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, chúng tôi tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; trong đó tập trung thúc đẩy mạnh mẽ một số lĩnh vực trọng tâm sau:
Làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi (như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn…).
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế.
Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Về tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025, Việt Nam và New Zealand sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
New Zealand là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực và là một trong số ít các Đối tác chiến lược của Việt Nam trên toàn cầu. Tin cậy chính trị giữa hai nước được tăng cường; Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Hai bên chia sẻ nhiều nhận thức và giá trị chung (giá trị văn hóa và khát vọng chung về hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển) trên nền tảng vững chắc của những kết nối nhân dân bền chặt (Cộng đồng hơn 15 nghìn người Việt Nam đang tích cực đóng góp vào sự thịnh vượng của New Zealand; 6 nghìn du học sinh).
Việt Nam luôn trân trọng những tình cảm, sự hỗ trợ quý báu của New Zealand dành cho Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục, ứng phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư là trụ cột và động lực chủ chốt của quan hệ hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14; là nhà nhập khẩu đứng thứ 17 của New Zealand.
Hợp tác quốc phòng, an ninh phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực (duy trì các chuyến thăm của tàu hải quân và cơ chế Đối thoại Quốc phòng song phương; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia; chống khủng bố, tội phạm công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo tiếng Anh chuyên ngành gìn giữ hòa bình).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Victoria. |
Để tiếp tục phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả hai nước, tiếp tục đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới, tôi xin chia sẻ một số định hướng lớn:
Một là, cần phát huy giá trị chiến lược của quan hệ Đối tác Việt Nam-New Zealand, để cùng đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, thúc đẩy các nước, nhất là các nước lớn, tăng cường và củng cố lòng tin, đóng góp có trách nhiệm vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh trên toàn cầu; giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình; đẩy mạnh tư duy “hợp tác cùng thắng, cùng có lợi” thay vì tư duy “thắng-thua”; tích cực hợp tác và liên kết, đóng góp vào việc hình thành một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó ASEAN có vai trò trung tâm.
Hai là, hỗ trợ nhau phát huy hơn nữa các thế mạnh của mỗi nước, phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ nhau mở rộng, đa dạng hóa quan hệ, góp phần nâng cao năng lực tự cường của mỗi quốc gia. Việt Nam mong muốn cùng New Zealand tiên phong trong các nỗ lực về bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và các thách thức toàn cầu khác. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để New Zealand tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN và với các nước thành viên ASEAN, nhất là trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027; mong New Zealand giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các quốc đảo Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế tại khu vực này.
Ba là, tạo động lực mới cho quan hệ song phương Việt Nam-New Zealand, khái quát thành 3 cặp từ khóa là “ổn định và củng cố”; “tăng cường và mở rộng” và “tăng tốc và bứt phá”.
Ổn định, củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
Tăng cường, mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp, an ninh quốc phòng, và giao lưu nhân dân.
Tăng tốc, bứt phá, tạo những chuyển biến thực chất trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác trong các ngành công nghệ mới nổi như AI, chíp bán dẫn...; hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, đào tạo nghề và hợp tác lao động.
Trong đó lưu ý: Tăng cường hợp tác nâng cao năng lực thích ứng và ứng phó với các thách thức toàn cầu; hỗ trợ Việt Nam xây dựng thị trường carbon, giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận các nguồn vốn để giúp đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác trong các cơ chế hợp tác trong Tiểu vùng Mekong.
Thúc đẩy các mô hình hợp tác 3 bên giữa Việt Nam-New Zealand với 1 hoặc 2 nước đảo Nam Thái Bình Dương, hoặc Việt Nam-New Zealand-Lào (trong năm Lào làm Chủ tịch ASEAN 2024); tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF).
Thủ tướng nhấn mạnh, với nền tảng vững chắc của lợi ích chung, sự đồng lòng và quyết tâm của chính phủ và nhân dân hai nước, với truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam tin tưởng rằng, tương lai mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và New Zealand sẽ ngày càng tươi sáng, tự lực, tự cường đi lên. Việt Nam sẽ nỗ lực để quan hệ hai nước chúng ta hướng tới một tầm cao mới, vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.