Cụm Cảng Tân Cảng - Cái Mép hiện nằm gần ngã ba sông Thị Vải-Cái Mép, cách trạm hoa tiêu Vũng Tàu 18 hải lý, luồng chạy tàu có độ sâu âm 15,5m, độ sâu khu vực bến cảng âm 16,8m, hiện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đang quản lý và khai thác 3 cảng, gồm: cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (TCTT) và cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCT) với diện tích bãi 108ha và gần 1.500m cầu bến có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu mẹ sức chở 14.000TEU cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các hãng tàu lớn trên thế giới, có sản lượng thông qua chiếm gần 60% tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Với vị trí địa lý thuận lợi, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Tân Cảng Sài Gòn và các công ty thành viên trong hệ thống, cụm cảng Tân Cảng - Cái Mép là cửa ngõ quốc gia và điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hoá giao thương trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đặc biệt là các thị trường xuất nhập khẩu chủ đạo của Việt Nam ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á, góp phần quan trọng vào việc kết nối và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế của cả nước.
Các container đang được xếp dỡ lên tàu One Aquila. |
Năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng trong hệ thống đạt 9,75 triệu TEU, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng gần 1% (chiếm 56,8% cả nước, 89,5% thị phần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh). Xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Riêng cụm Cảng Tân Cảng - Cái Mép ghi nhận sự tăng trưởng 10% với sản lượng thông qua đạt hơn 2,7 triệu Teu, chiếm 53,2% thị phần sản lượng thông qua cụm Cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.
Riêng cảng TCIT, trong suốt hành trình 15 năm hình thành và phát triển, đã trở thành cảng container nước sâu có sản lượng thông qua lớn nhất Việt Nam, cảng container có sản lượng thông qua lớn thứ 2 sau cảng Tân Cảng - Cát Lái và giữ vị trí số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với gần 50% thị phần kể từ khi hoạt động đến nay. TCIT đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành cảng biển Việt Nam và vươn ra thế giới, đến nay TCIT đã đón hơn 5.000 lượt tàu mẹ thuộc hơn 60 tuyến dịch vụ quốc tế của gần 30 hãng tàu trên toàn thế giới, với tổng sản lượng thông qua gần 18 triệu TEU.
Hiện cảng TCIT tiếp tục giữ vững vị thế số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và liên tục thiết lập các kỷ lục như: Năng suất xếp dỡ 238,08 container/ giờ/ tàu, kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ 15.615 TEU. Cảng TCIT còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường, giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch và tăng cường chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững.
Năm 2020, cảng TCIT đã vinh dự đạt giải thưởng “Cảng xanh” của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN), trở thành Cảng thứ 2 của Việt Nam sau cảng Tân Cảng Cát Lái nhận được danh hiệu này, góp phần nâng tầm vị thế cảng biển Việt Nam trên bản đồ thế giới khi vấn đề “xanh hóa” đã và đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các chính quyền cảng thế giới.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, trong đó có Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xác định vận tải biển là một nhiệm vụ hết sức nặng nề mà Trung ương đã giao cho ngành Giao thông vận tải, trong đó có Tổng công ty, do đó Thủ tướng mong muốn đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi lễ. |
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, vì vậy Tổng công ty phải tham gia phát triển các cảng biển để kết nối các cảng thuỷ nội địa với các cảng quốc tế lớn của nước ta; phải hỗ trợ các địa phương nơi có cảng biển của đơn vị phát triển logistics tốt hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam, nhất là nông sản.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng công ty phải góp phần hiện đại hoá các cảng biển và cảng thuỷ nội địa; phải xanh hoá, chuyển đổi số cảng dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để xây dựng các bến cảng thông minh, góp phần kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu với hơn 60 thị trường lớn trên thế giới theo các Hiệp định FTA, khối lượng vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu rất lớn, do đó đơn vị phải góp phần bảo đảm hàng hoá thông suốt, làm lợi cho người dân Việt Nam; xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cao, không những cho đơn vị mà cho các đơn vị khác; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, các đơn vị thành viên; tích cực tham gia chống tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng lưu ý Tổng công ty khai thác tối đa điều kiện thiên nhiên trên cơ sở bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà chúc Tết cán bộ, nhân viên Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). |
Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 được dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phải đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh hơn năm ngoài, giảm chi phí logistics, tạo sức cạnh tranh hơn nữa cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng mạnh mẽ, bền vững. Thủ tướng cũng mong Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển Cảng Cái Mép - Thị Vải mạnh mẽ, bền vững, hiệu quả.
Tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT. Container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila với sức chở 14.052 TEU, khai thác kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ thăm tàu cứu hộ SAR 413; tặng quà chúc mừng năm mới cho cán bộ, công nhân viên, người lao động đang sản xuất tại Cảng.