Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Samsung; Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)

Chiều 20-4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kô Ðông Chin, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Hàn Quốc nói chung, Samsung nói riêng, mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chúc mừng thành công của tập đoàn nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Samsung Electronics Việt Nam đầu tiên tại Bắc Ninh, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam ủng hộ tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam mang tính chiến lược, không chỉ trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử mà mở rộng năng lực phát triển công nghệ, tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ thế hệ mới phù hợp xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Tổng Giám đốc Samsung bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam ủng hộ việc đầu tư, kinh doanh của tập đoàn tại Việt Nam 10 năm qua. Ông mong muốn và sẽ nỗ lực đưa Việt Nam trở thành trung tâm của thế giới về sản xuất thiết bị mạng, kết nối in-tơ-nét vạn vật. Samsung cũng mong muốn đóng góp vào quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ cho Việt Nam, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển các doanh nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong Samsung có tầm nhìn lớn hơn, quyết tâm cao hơn để đầu tư phát triển; tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam; triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) Samsung theo đúng tiến độ và cam kết với Chính phủ Việt Nam.

* Chiều cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đồng chí Trần Vũ, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện đang phát triển hết sức tốt đẹp. Trong đó, Quảng Tây là địa phương giáp biên giới Việt Nam, có đóng góp tích cực nhất trong tiến trình này; đồng thời tin tưởng lãnh đạo tỉnh Quảng Tây luôn quan tâm, thúc đẩy mối quan hệ này. Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục nâng cấp các cơ chế hợp tác hiện có; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khâu thông quan hàng hóa ở cửa khẩu biên giới; lựa chọn hàng hóa tiêu biểu để thúc đẩy giao thương. Thủ tướng cũng hoan nghênh các doanh nghiệp có thực lực ở Quảng Tây vào Việt Nam làm ăn. Do đó, việc kết nối giao thông Quảng Tây với các địa phương Việt Nam có ý nghĩa quyết định. Hai bên cần nâng cấp, xây mới một số cầu để tạo thuận lợi thông thương; đẩy mạnh giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục; hợp tác trong vấn đề lao động; đẩy mạnh giao lưu nhân dân; hợp tác phòng, chống tội phạm; duy trì đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Ðồng chí Trần Vũ cảm ơn những nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc đóng góp vào sự phát triển quan hệ hai nước nói chung và Quảng Tây - Việt Nam nói riêng; nhấn mạnh, quan hệ kinh tế, thương mại hai bên hiện đang phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và chuyến thăm lần này của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Tây nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận chung giữa hai Ðảng, hai Nhà nước. Quảng Tây sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện tốt trọng trách này, đẩy mạnh kết nối các ý tưởng hợp tác hai bên, nhất là thúc đẩy kim ngạch thương mại, hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu biên giới; thúc đẩy cơ chế "hai nước một điểm dừng", thuận lợi hóa trong thanh toán. Ðồng chí đề xuất hai bên có thể chọn một số hàng hóa tiêu biểu để thực hiện thí điểm cơ chế này, như dưa hấu của Việt Nam và táo của Trung Quốc, qua đó sẽ thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu thương mại. Quảng Tây cũng mong thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt với các tỉnh biên giới Việt Nam, nâng cấp các cặp cửa khẩu biên giới... Ngoài ra, hai bên có thể tăng cường hợp tác về giáo dục, văn hóa, y tế. Tỉnh nỗ lực xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với Việt Nam; đẩy mạnh chống buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới...

* Ngày 20-4, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) Trần Vũ đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Ðảng, Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các địa phương biên giới hai nước; đề nghị hai bên tăng cường giao lưu hữu nghị; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất, cùng có lợi trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, giao thông vận tải, nông nghiệp, du lịch; đề nghị Quảng Tây tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như hàng nông sản được nhập khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc; tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam vận chuyển bằng đường sắt qua Quảng Tây và địa phương khác của Trung Quốc để sang các nước Á - Âu; khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Quảng Tây tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông ở khu vực biên giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị hai bên tăng cường hợp tác quản lý biên giới, thực hiện tốt ba văn kiện về quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; triển khai hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định hợp tác đã ký, trong đó có Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Ðồng chí Trần Vũ khẳng định, Quảng Tây luôn coi trọng củng cố truyền thống hữu nghị và tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi với các bộ, ngành và địa phương Việt Nam; mong muốn cùng các địa phương liên quan của Việt Nam thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; Quảng Tây sẽ cụ thể hóa những thỏa thuận với các tỉnh biên giới Việt Nam về tăng cường giao lưu hữu nghị, thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu; tăng cường trao đổi về các dự án kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất, góp phần củng cố quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam.