Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ, đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào, các cán bộ, chiến sĩ đã thiệt mạng, hy sinh trong các đợt thiên tai, mưa lũ vừa qua.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tháng 10 là tháng bão lũ liên tục xảy ra, "lũ chồng lũ, bão chồng bão gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản nhân dân. Theo thống kê, đến nay có 230 người thiệt mạng, trong đó có nhiều cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ quân đội và công an, nhất là hai tướng hy sinh ở Thừa Thiên Huế. Nhiều đồng bào đang mất tích ở ngoài biển, bị vùi lấp do sạt lở núi mà chưa tìm thấy. Đây là một năm thiên tai nặng nề đối với đất nước. Tuy nhiên, chúng ta thấy được nỗ lực và đánh giá cao Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), các lực lượng quân đội, công an đã tích cực tham gia các đợt cứu hộ, cứu nạn ở mọi vùng miền Tổ quốc. Chính phủ chia sẻ mất mát, khó khăn của đồng bào ở miền trung; các cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã hy sinh. Chúng ta có nhiều biện pháp để cứu hộ, cứu nạn quyết liệt. Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để sơ tán dân, bảo đảm an toàn tính mạng. Có hơn 1,3 triệu dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Chúng ta đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương ở Đà Nẵng, Quảng Nam rồi di chuyển lên hiện trường cứu nạn. Trong bão lũ, càng khó khăn, chúng ta càng thấy tình thương yêu đùm bọc, cả nước đã hướng về miền trung, đoàn kết chung sức chung lòng của cả dân tộc, trong khó khăn chúng ta thấy ý chí quyết tâm vượt khó của đồng bào chiến sĩ cả nước.
Chính phủ đã chỉ đạo liên tục các địa phương, phát động phong trào lá rách ít đùm lá rách nhiều. Chính phủ có trách nhiệm cân đối nguồn lực để hỗ trợ. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải có trách nhiệm tổ chức lực lượng chức năng hỗ trợ vật chất cần thiết; bảo đảm dựng lại nhà, sức khoẻ cho học sinh, khôi phục hệ thống giao thông, điện nước. Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo vấn đề bảo đảm khôi phục sản xuất. Đây là yêu cầu "nước sôi, lửa bỏng" trong lúc này vì các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đang chìm trong nước lũ. Những ngành quan trọng tham gia báo cáo chung và báo cáo chuyên đề, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh, bảo đảm sách vở cho học sinh đi học trở lại.
Thủ tướng kết luận rằng, bão lũ ở miền trung suốt thời gian qua là lịch sử. Chính phủ đã huy động nhiều lực lượng quân đội, công an tham gia cứu hộ cứu nạn. Chính phủ biểu dương các cấp, các ngành, địa phương nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, di dời dân đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Càng khó khăn, chúng ta càng thấy rõ tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào cả nước, nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; thấy được sự chung sức, đồng lòng của dân tộc. Chúng ta cũng thấy được càng khó khăn, càng phải ý chí quyết tâm vượt khó để đưa đất nước tiến lên, triển khai các nhiệm vụ bình thường của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, lực lượng quân đội, công an, các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế tiếp tục cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm cho được những người bị mất tích đang bị đất đá chôn vùi, tiếp tục tìm kiếm trên biển các ngư dân bị mất liên lạc. Tiếp tục chính sách khắc phục hậu quả để trả lại cuộc sống bình thường của nhân dân. Bảo đảm cho con em có đủ sách vở, được đến trường, sau lũ bão không được để dịch bệnh xảy ra như dịch tả, cúm mùa..., đề phòng dịch Covid-19 có thể quay trở lại.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT sớm tổng hợp các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với các địa phương bị thiệt hại để sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo đảm cung ứng giống rau, lúa; hỗ trợ lương thực không để dân bị đói, chuẩn bị vật tư, vật liệu; không để giá cả leo thang ở vùng lũ, nhất là đối với các vật liệu xây dựng như tôn, tấm lợp...; hỗ trợ những nhà sụp đổ, hư hỏng nặng.
Đề xuất mức hỗ trợ. Bộ Tài chính sớm thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ các địa phương kịp thời. Ngành Ngân hàng hoãn, giảm, xóa những khoản vay cho vùng thiệt hại. Bộ Công thương bảo đảm phục hồi điện, bảo đảm ổn định giá cả. Cả nước cần phải hỗ trợ để sản xuất của người dân trở lại bình thường. Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái, chúng ta phải gia tăng sản xuất, gấp đôi, gấp ba. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm, đẩy mạnh sản xuất ở những vùng thiên tai...
Báo cáo Chính phủ về tình hình ứng phó bão, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, với tinh thần "4 tại chỗ", sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, các bộ, ngành liên quan đã ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; đã sơ tán dân đến nơi an toàn. Điều đó còn nhờ tinh thần chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, thiệt hại về người rất lớn, nhất là do mưa lũ, sạt lở đất, do những sự cố của người dân trên biển, như bão đến quá nhanh, tàu chết máy.... Thiệt hại về kinh tế do bão gây ra cũng rất lớn. Các lực lượng vẫn đang tập trung khắc phục hậu quả.
Hiện nay, chúng ta đang tập trung tìm kiếm cứu nạn những người dân đang bị mất tích do sạt lở đất; hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, tốc mái, hỗ trợ lương thực thực phẩm, thuốc men...; khắc phục các cơ sở hạ tầng sau cơn bão, nhất là khôi phục hệ thống điện, giao thông, trường học. Tập trung ứng phó bão lũ sắp tới như cơn bão số 10. Rà soát tất cả các khu vực nguy hiểm để sơ tán dân, mặc dù đây là việc khó. Nguy cơ sạt lở đất là rất nguy hiểm, là kẻ thù giấu mặt. Tập trung phục hồi sản xuất, trong đó có hỗ trợ các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT để phục hồi sản xuất,
* Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nền kinh tế có những điểm sáng, tích cực:
Kinh tế tiếp tục đà phục hồi trở lại sau dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 3,6% so tháng trước và tăng 5,4% so với củng kỳ năm trước, cao hơn các tháng gần đây. Động lực tăng trưởng chính vẫn là ngành chế biến, chế tạo đã tăng trở lại, đạt 8,3% so với cùng kỳ 2019, một số ngành tiếp tục tận dụng tốt cơ hội, đạt tốc độ tăng trưởng cao so cùng kỳ 2019 như: sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 25,4%; sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 16,9%; sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 22,6%; sản xuất kim loại tăng 15,2%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,69%.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 có mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tăng 0,09% so tháng trước, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình nhằm tiệm cận giá thị trường. Tính chung 10 tháng, CPI bình quân tăng 3,71% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm dần từ đầu năm, khả năng đạt mục tiêu do Quốc hội đề ra và tạo dư địa cho chính sách điều hành trong những tháng còn lại của năm 2020.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng phục hồi đà tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, từ đó nhiều tổ chức tín dụng đã hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Tính đến ngày 26-10-2020, tín dụng tăng 6,5% so cuối năm 2019. Như vậy chỉ trong tháng 10, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm hơn một điểm phần trăm, tăng nhanh hơn nhiều so các tháng trước, điều này cho thấy cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã dần cải thiện cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Tính đến hết ngày 26-10-2020, chỉ số VN-Index đạt 950,8 điểm, tăng 5% so cuối tháng trước, trở lại mức điểm của thị trường trước khi dịch Covid-19 xảy ra, phản ánh niềm tin của thị trường vào sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III năm 2020.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 tăng 9,9% so cùng kỳ năm 2019, nhập khẩu tăng 10,1%. Tính chung 10 tháng qua, xuất siêu ước đạt mức kỷ lục 18,72 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng đã đạt mức tăng 0,4% so cùng kỳ năm trước (9 tháng giảm 0,8%), trong đó nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chỉ giảm nhẹ 0,02% (9 tháng giảm 1,1%). Điều này cho thấy hoạt động sản xuất đang được phục hồi.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được đẩy mạnh, số vốn giải ngân 10 tháng hơn 321,5 nghìn tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (cùng kỳ năm 2019 chỉ đạt 54,69%). Như vậy, giải ngân vốn đầu tư công từ NSNN 10 tháng qua tăng cả về số vốn và tỷ lệ so cùng kỳ năm 2019, tuy tỷ lệ giải ngân cao hơn 13,61% nhưng số vốn giải ngân bằng 150,3% so cùng kỳ năm 2019 (cao hơn 107,6 nghìn tỷ đồng). Đây là số liệu rất tích cực, là thành quả của sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương.
Thu NSNN 10 tháng ước tăng 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN bằng 72,1% dự toán, tăng 9,7%. Chi NSNN đã đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác phòng, chống bão lũ thời gian qua là đồng bộ, quyết liệt. Cả hệ thống chính trị và nhân dân đã chung sức đồng lòng chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại do bão lũ, sạt lở ở miền trung. Nhưng do bão lũ lịch sử, xảy ra liên tục, “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, nên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Hiện nay, còn nhiều đồng bào chúng ta trên biển khơi hay ở núi cao chưa được tìm thấy. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các lực lượng, nhất là quân đội, dồn sức tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
Về kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế nước ra đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%.
Dẫn lại nhận định của các tổ chức và truyền thông quốc tế đánh giá lạc quan triển vọng kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, điều này để chúng ta có thêm niềm động viên, tuy nhiên, không được chủ quan khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Còn nhiều rủi ro thách thức từ bên ngoài như dịch bệnh, căng thẳng thương mại và công nghệ, bất ổn tài chính toàn cầu, còn trong nước là thiên tai, lũ lụt. Ngành công nghiệp và xây dựng của nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là một số đối tác lớn. Lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. Về vấn đề tín dụng tăng trưởng còn thấp, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực này, đồng thời kiềm chế nợ xấu. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa.
Trước hết, các bộ, ngành, địa phương tập trung, dồn “cả tâm, cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, “màn trời, chiếu đất”.
Không được chủ quan lơ là, để dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh. Cần tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân về nước.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên. Tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng. Thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm.
Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm vốn ODA, tuy nhiên, cần bảo đảm chất lượng, không hình thức, lãng phí. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì triển khai các chỉ đạo đã kết luận tại cuộc họp, dứt khoát gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy phụ trách công việc này.
Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần làm gương, cả về sản xuất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công. Tất cả các địa phương trên cả nước, các ngành thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Do đó, cần chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng các khu công nghiệp. Chú ý kích cầu thị trường nội địa.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chiến lược số mà Thủ tướng đã ban hành. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì thúc đẩy hơn nữa tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ hiện nay, đồng thời cũng có thể nghiên cứu, sớm đề xuất gói hỗ trợ bổ sung đợt 2 phù hợp.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát tiếp thu ý kiến, có điều chỉnh phù hợp bộ sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, rõ ràng; có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế cho hoạt động khám chữa bệnh từ xa đã được phát triển rộng khắp tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước.
Bộ Y tế phối hợp đặc biệt với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để thực hiện áp dụng mạnh mẽ CNTT, ứng dụng điện thoại thông minh trong thanh toán bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của nước ta thời gian tới.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát bổ sung quy định về quản lý, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả các công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tinh thần càng khó khăn, càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền trung. Vì vậy, các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc hai tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021.