Thủ tướng Abe cần gì từ Moscow?

NDO -

NDĐT- Nếu chỉ vì lý do đây là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau 10 năm gián đoạn (năm 2003, Thủ tướng Junichiro Koizumi là nguyên thủ cuối cùng thăm Nga) thì chưa chắc chuyến công du Moscow (từ ngày 28 đến 30-4-2013) của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến vậy.

Thủ tướng Abe cần gì từ Moscow?

Nhưng nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng cao độ trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, những va chạm giữa Nhật Bản và Trung Quốc chung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vẫn tiếp tục xảy ra, và dư âm của chuyến thăm Moscow (ngày 22 đến 23- 3-2013) của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa lắng dịu v.v. thì rõ ràng sự quan tâm của cộng đồng đến chuyến đi này là hoàn toàn có cơ sở. Rất nhiều người muốn biết mục tiêu đích thực của ông Abe trong chuyến công du này.

Những mục tiêu dễ nói

Căn cứ vào những tuyên bố trước chuyến đi của Thủ tướng Abe, đại loại như: “Tôi sẽ củng cố quan hệ Nhật – Nga để chuyến đi đánh dấu việc tái khởi động quá trình đàm phán hiệp ước hòa bình”; “Tôi muốn xây dựng mối quan hệ cá nhân tin cậy với Tổng thống Putin” nhằm “tạo xung lực mới và định hướng lâu dài cho sự phát triển của quan hệ Nhật – Nga” vì “quan hệ với Nga là một trong những tiềm năng tốt nhất” của Nhật để phát triển v.v. thì mục đích của phái đoàn (gồm 120 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản) Thủ tướng Abe chủ yếu là thúc đẩy hợp tác kinh tế và phần nào đấy là đặt vấn đề đàm phán về Hiệp định hòa bình.

Trước hết, mục đích kinh tế của chuyến đi là quá rõ ràng. Không phải đợi đến lúc đánh mất vị trí số hai thế giới vào tay Trung Quốc người Nhật mới lo sợ. Bởi từ đầu thập kỷ 90 (Thế kỷ 20) đến nay, sự trì trệ kéo dài (bị coi là hệ quả tất yếu của mô hình “bong bóng”) của nền kinh tế khiến đời sống của người Nhật gặp muôn vàn khó khăn. Chính vì vậy mà nhu cầu phục hưng cũng chính là một nguyên nhân quan trọng giúp ông Abe thắng cử cuối năm 2012. Thực trạng kinh tế hiện tại của Nhật cho thấy, để thực hiện được chương trình Abenomic (chương trình tái thiết nền kinh tế của ông Abe) Nhật Bản rất cần sự hỗ trợ từ thị trường Nga. Chỉ đơn cử việc Nhật Bản phải nhập tới 39% khí đốt từ Nga hàng năm, và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai (sau Trung Quốc) với tổng kim ngạch thương mại 32 tỷ USD (năm 2012) cũng đủ nói lên sự cần thiết phải có một xung lực mới nhằm thúc đẩy hợp tác Nhật – Nga.

Mặt khác, đúng là Nhật Bản đang rất cần nguồn nguyên, nhiên liệu dồi dào của Nga và nước này thì lại rất cần công nghệ cao của Nhật Bản, nhưng trong suốt hơn 20 năm qua, do cả hai phía vẫn coi nhau như một thị trường xuất – nhập khẩu đơn thuần (đây chính là điểm yếu cố hữu trong quan hệ kinh tế - thương mại Nga – Nhật) nên vẫn chưa xây dựng được một cơ chế hợp tác hiệu quả. Chưa tính tới các đối tác khác, chỉ riêng sự tụt hậu của Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Nga cũng đã là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quyết tâm của Thủ tướng Abe trong chuyến công du này. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình đã giành được những hợp đồng năng lượng quan trọng với Nga tại Moscow hồi cuối tháng 3 thực sự là một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu kinh tế của ông Abe trong chuyến công du này.

Mục tiêu cải thiện quan hệ chính trị với Nga chắc chắn cũng là một ưu tiên trong chuyến công du Nga lần này của ông Abe. Hai chuyến thăm quần đảo Kurils (nơi có sự tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga) của thủ tướng Nga D. Mevedev hồi năm ngoái buộc chính phủ của ông Abe phải tìm cách hâm nóng lại vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga. Cũng cần phải nhấn mạnh, 67 năm qua, tranh chấp quần đảo Kurils luôn khiến cho quyết tâm cải thiện quan hệ của các nhà lãnh đạo hai nước rơi vào bế tắc, bởi đây là vấn đề lịch sử không chỉ giữa Nhật và Nga mà còn liên quan tới nhiều di sản của Thế chiến II. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2013, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay trên biển Hoa Đông khiến chính phủ của ông Abe phải tìm kiếm hướng đi mới trong quan hệ với Nga, chí ít là nhằm giúp Nhật Bản giảm bớt gánh nặng vấn đề lãnh thổ.

Có vẻ như bài học tháng 10-1956 (Thủ tướng Hatoyama đòi Liên Xô phải chuyển giao toàn bộ Kurils mới ký hiệp ước hòa bình) đã giúp Thủ tướng Abe có bước đột phá trong chuyến công du lần này khi tuyên bố có thể gác tranh chấp sang một bên để đàm phán Hiệp định hòa bình. Đương nhiên, cả Nhật Bản và Nga hiện nay rất cần một môi trường ổn định tại Đông Bắc Á, nhưng nếu trong nội dung của Hiệp định hòa bình (giả sử đạt được), vấn đề Kurils được gác lại bằng cách không nhắc tới thì khả năng Hiệp định hòa bình đạt được chỉ có tính hình thức là rất cao.

Những mục tiêu khó nói

Trước tình hình quan hệ Nhật – Trung đang xuống rất thấp, rất nhiều ý kiến cho rằng mục đích chính của ông Abe trong chuyến công du này là tìm cách kéo Nga về phía Nhật Bản. Đúng là ngoài những thuận lợi thì sự lớn mạnh của Trung Quốc còn đem đến cho không chỉ Nhật Bản mà cả Nga không ít phiền toái. Chỉ tính riêng sự mất cân đối trong quan hệ thương mại hay vấn đề di cư của người Trung Quốc dọc biên giới vùng Viễn Đông cũng khiến nước Nga rơi vào tình trạng chẳng khác Nhật Bản là bao. Tuy nhiên, đây có vẻ là mục tiêu khó đạt đối với ông Abe (nếu thực sự là ưu tiên của chuyến đi).

Hiện nay, Nga và Trung Quốc đang có sự gắn kết nhất định do không chỉ bởi mối quan hệ tương hỗ láng giềng mà còn trong mối tương tác chống lại sức ép từ phía Mỹ. Hơn thế, từ những nhiệm kỳ trước, đường lối của Tổng thống Putin cũng đã cho thấy tính thực dụng rất cao và trong bối cảnh hiện nay tại Đông Bắc Á chắc lại càng có điều kiện phát huy. Như vậy, trong “vấn đề Trung Quốc” chắc ông Abe chỉ có thể giới hạn cho chuyến đi này nhiệm vụ: Chứng tỏ cho người Nga thấy, Nhật Bản cũng là một người bạn của nước Nga.

Cũng từ bài học lịch sử của năm 1956, không loại trừ nhân chuyến viếng thăm Nga này, ông Abe còn muốn gửi một thông điệp tới người bạn đồng minh Mỹ. Năm 1956, ngoài lý do kể trên dẫn đến việc Nhật không ký được hiệp ước hòa bình với Liên Xô còn do sự cản trở của Mỹ. Đương nhiên, việc Nhật Bản cải thiện quan hệ với Liên Xô trong bối cảnh Chiến tranh lạnh là điều không thể chấp nhận được với Mỹ. Sự lo ngại hiện tượng “vượt rào” của người Nhật buộc Mỹ phải có những nhượng bộ trong quan hệ với Nhật Bản, điển hình là chính sách thương mại ưu đãi như mở của thị trường Mỹ cho người Nhật.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân giúp Nhật Bản cất cánh trở thành cường quốc kinh tế số 2 thế giới vào đầu thập kỷ 70 (Thế kỷ 20). Ngày 29-4-2013, trong cuộc tọa đàm tại Washington với người đồng cấp Itsunori Onodera, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel một mặt tái khẳng định hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật có tác dụng cả tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, mặt khác ông cũng cảnh báo tranh chấp phải được giải quyết bằng hòa bình. Dường như chính sách nước đôi này vẫn khiến người Nhật không thể yên tâm. Vì thế, việc cải thiện quan hệ với Nga có thể là liều thuốc làm thay đổi quan hệ Nhật – Mỹ theo chiều hướng mong đợi của Thủ tướng Abe.

Tóm lại, việc ông Abe đạt được những mục tiêu công khai hay thầm kín đều không hề đơn giản. Nhưng bất luận thế nào, trong tình trạng hiện nay của nước Nhật, chỉ cần cải thiện được quan hệ với Nga dù ở mức độ không như mong đợi đối với Thủ tướng Abe cũng đã là thành công.