Thu nay, Tân Trào...

Lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cứ ngân vang trong tôi suốt chặng đường từ thị xã Tuyên Quang về Sơn Dương, nơi có Khu di tích ATK Tân Trào. Mảnh đất lịch sử này đã hai lần vinh dự được Ðảng và Bác Hồ chọn làm Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Mấy hôm trước mưa nhiều, hôm nay trời hửng nắng. Sắp sang thu. Nắng sáng. Bầu trời chiến khu như cao và xanh hơn.

25 năm trước, cũng vào mùa thu Tháng Tám, nhóm chúng tôi có hơn chục anh em khi biết kết quả đỗ vào đại học, vui quá, đã rủ nhau đi xe đạp từ thị xã Tuyên Quang về Tân Trào. Quãng đường dài 50 km ngày ấy dường như xa hơn bây giờ rất nhiều, vì đường rất khó đi, nhưng ai cũng hào hứng... Thắp nén hương thơm trước anh linh Bác Hồ tại lán Nà Lừa, chúng tôi đứng lặng ngắm nhìn căn lán nhỏ. Mái lá, vách nứa đơn sơ, khiêm nhường là vậy, nhưng tại đây đã ra đời nhiều quyết định quan trọng cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc; thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Ðảng; chỉ đạo Quốc dân Ðại hội Tân Trào bầu ra Ủy ban khởi nghĩa...

Cảnh sắc Tân Trào hôm nay đã đổi thay nhiều, nhưng hơi thở của núi rừng, sông suối chiến khu cách mạng như vẫn ấm nồng những ngày năm xưa kháng chiến. Trên mảnh đất này, truyền thống cách mạng đang được tiếp nối, phát huy bằng nội lực và ý chí vươn lên, với những chương trình, mục tiêu cụ thể. Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Văn Sơn cho biết, thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" Ðảng bộ huyện đã đề ra chương trình hành động với những mục tiêu cụ thể, sát thực, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là những gia đình có công với cách mạng.

Trong những năm qua, Ðảng bộ và nhân dân trong huyện đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Tại Ðại hội Ðảng bộ huyện nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông-lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ sang cơ cấu kinh tế: công nghiệp, nông-lâm nghiệp, dịch vụ, du lịch. Trong đó, tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp và tập trung phát triển dịch vụ, du lịch, phấn đấu đến năm 2010 giá trị công nghiệp đạt 45%. Ðể thực hiện mục tiêu đó, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng; xây dựng và thường xuyên rà soát kế hoạch phát triển Ðảng, để kịp thời thành lập mới các chi bộ, giảm dần chi bộ ghép. Những chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề, phân tích, làm rõ nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là do chi ủy, chi bộ không thống nhất ý kiến trong việc chọn nguồn, chưa tích cực cử cán bộ đi xác minh lý lịch đối với những anh chị em là đối tượng kết nạp Ðảng quê ở các tỉnh xa. Khi những hạn chế này được khắc phục, công tác phát triển Ðảng đã có chuyển biến tích cực. Trong năm 2008 đã có 550 quần chúng ưu tú được học các lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng, 309 đồng chí được kết nạp Ðảng. Nhờ đó đến nay, 424 thôn, bản, tổ nhân dân và 108 trường học, trạm y tế trên địa bàn không có đơn vị nào đảng viên phải sinh hoạt chi bộ ghép. Sơn Dương là đảng bộ huyện đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đạt được kết quả này.

Về phát triển kinh tế-xã hội, từ năm 2007, huyện tập trung quy hoạch, xây dựng ba cụm công nghiệp là Sơn Nam, Hào Phú và An Hòa, và ngay trong năm đó đã có 3/5 dự án đăng ký đi vào hoạt động. Công tác thu hút, mời gọi đầu tư được coi trọng, đến nay trên địa bàn huyện đã có 93 doanh nghiệp hoạt động, nâng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 đạt 343 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20%; đồng thời thu hút hàng trăm lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Tháng 7-2009, khi đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu và có giá trị cao như bột ba-rít, fenspat. Trong nông nghiệp, cùng với việc bảo đảm an ninh lương thực, huyện tập trung phát triển ba cây thế mạnh là cây chè, cây mía và cây nguyên liệu giấy. Vùng nguyên liệu mía được quy hoạch hơn 4.000 ha ở 28 xã, thị trấn, với năng suất bình quân 50 tấn/ha, cơ bản bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho Công ty đường Sơn Dương, góp phần giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Cây nguyên liệu giấy được xác định là cây chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Sáu tháng qua, toàn huyện đã trồng được 2.562 ha rừng nguyên liệu, vượt 19,2% kế hoạch; bảo đảm duy trì độ che phủ 49% và sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy giấy công suất 200 nghìn tấn/năm, thuộc khu công nghiệp Long Bình An của tỉnh. Phương thức trồng rừng được đổi mới, chủ yếu theo hình thức liên kết, liên doanh để gắn trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân với các chương trình trồng rừng, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập của người dân. Với những nỗ lực đó, Sơn Dương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,5% năm 2007 xuống còn 14% vào tháng 6-2009.

Ðể đẩy nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Sơn Dương đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện việc quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; quy hoạch phát triển vùng cây nguyên liệu mía, chè, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác chế biến, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông, lâm sản, thực phẩm. Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử, huyện đã phối hợp các ngành quy hoạch tổng thể du lịch trên địa bàn; gắn việc quy hoạch khu di tích lịch sử Tân Trào - ATK với các điểm du lịch văn hóa, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng về tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử.਍

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, với gần 90% số dân sống ở nông thôn, 70% lao động nông nghiệp. Qua hơn 10 năm thực hiện "dồn điền đổi thửa", từ chỗ mỗi hộ có quy mô từ tám đến mười thửa, đến nay bình quân chỉ còn 3,58 thửa, đã tạo điều kiện cho cơ giới hóa nông nghiệp từng bước phát triển.

Một số nơi trong tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt giá trị kinh tế cao, như xã Vũ Tây (Kiến Xương), Nguyên Xá (Vũ Thư), An Khê (Quỳnh Phụ), Phú Châu (Ðông Hưng)... Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng phát triển, có đường ô-tô đến trụ sở UBND, đường liên thôn trong xã đã được cứng hóa. Hệ thống kênh mương tưới tiêu nước ở các HTX nông nghiệp có chiều dài từ 9,5 đến 10 km, tỷ lệ mương nội đồng được kiên cố hóa từ 20 đến 25%. 100% số xã, thị trấn có điện lưới, số hộ nông dân sử dụng điện đạt 99,5%.

Từ khi thực hiện Nghị định 64/CP của Chính phủ về giao ruộng cho các hộ gia đình, thì chủ công trong việc làm đất là loại máy cày nhỏ, một phần là loại máy cỡ trung. Ðối với các xã có ngành nghề phát triển và những xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh thì sử dụng máy cỡ trung là chủ yếu. Toàn tỉnh đã có 6.700 máy cày tay và máy cỡ trung, trong đó 95% máy cày có công suất từ 8 đến 12 mã lực; đưa tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất trồng lúa năm 2008 đạt 93,70%; đất gieo trồng được làm bằng máy bằng 89,74%. Việc sử dụng loại máy kéo cầm tay phù hợp cơ chế khoán hộ, hiệu quả kinh tế khá, chỉ sau bốn đến năm vụ là thu hồi đủ vốn. Nhưng cũng còn nhược điểm là chất lượng làm đất chưa đạt yêu cầu, chất lượng máy chưa cao, năng suất làm đất thấp hơn nhiều so với máy cày loại trung và máy cày lớn, mà người sử dụng máy lại rất vất vả.

Sau làm đất là khâu gieo cấy, bao gồm chuẩn bị xử lý ngâm, ủ giống, gieo, chăm sóc, nhổ mạ, đưa ra ruộng cấy, những công đoạn này chủ yếu làm thủ công. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với Tổng Công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Công ty giống cây trồng Thái Bình phối hợp với nhà cung cấp máy của Trung Quốc tổ chức trình diễn, giới thiệu máy cấy. Nhưng do trình độ sử dụng máy của nông dân còn hạn chế nên chưa tiếp thu được loại máy này. Hiện tại công cụ sạ hạt theo hàng (gieo thẳng) có nhiều ưu điểm đã được Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đưa vào thực nghiệm ở vụ xuân năm 2008, được nông dân chấp nhận và nhân rộng ở vụ xuân năm 2009. Loại máy này có hiệu quả kinh tế cao, giá công cụ thấp, dễ sử dụng, tiết kiệm được chi phí sản xuất, giải quyết được khâu thiếu lao động lúc mùa vụ. Vụ xuân năm 2009 nông dân trong tỉnh đã mua được 536 công cụ sạ hàng, 15 máy sạ hàng, gieo sạ được 3.826 ha. Tuy nhiên, loại công cụ này chỉ thích hợp với những chân ruộng chủ động được tưới tiêu nước. Ðồng thời, nó cũng bộc lộ nhược điểm là gieo sạ lúa thường dễ bị đổ cây hơn so với cấy.

Khâu tưới tiêu nước cho cây trồng trên đồng ruộng Thái Bình hiện nay chủ yếu bằng máy bơm và nước tự chảy. Toàn tỉnh có 1.176 trạm bơm điện công suất lớn với 1.721 máy và 2.326 máy chạy dầu, bơm thuyền di động để hỗ trợ cho tưới tiêu. Ðã cải tạo được 921 trạm chuyển từ bơm ly tâm sang bơm trục đứng, loại này gọn nhẹ và tiết kiệm năng lượng. Diện tích được tưới tiêu chủ động là 80 nghìn ha, đạt trên 90% diện tích canh tác.

Khâu thu hoạch mang tính chất thời vụ khẩn trương, chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào khâu này, nhưng còn mang nặng tính thủ công. Do lao động nông nghiệp thu hút vào sản xuất nghề thủ công, công nghiệp lớn nên đã tạo sức ép cho mùa vụ, vì thế khâu gặt mới được nông dân quan tâm tới thu hoạch. Khâu ra hạt (tuốt lúa) bằng máy động cơ đã thay thế máy tuốt lúa đạp chân và trục lúa từ năm 1992. Máy động cơ được dùng khá phổ biến, cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc cho người nông dân. Nông dân đã đầu tư 3.967 máy bảo đảm khâu ra hạt đạt 100%, mỗi ha lúa cần 0,63 CV. Hiện nay máy gặt đập liên hợp được đưa vào sử dụng, có ưu điểm là thực hiện được cả hai công đoạn là gặt và ra hạt cùng lúc, rút ngắn thời gian thu hoạch, giảm rơi vãi lúa, giá công thu hoạch một sào lúa tiết kiệm được từ 20 đến 25.000 đồng. Toàn tỉnh hiện đã có 20 máy gặt đập liên hợp. Vụ mùa 2008 số lượng máy này đã gặt được 300 ha lúa, vụ xuân 2009 có 54 máy gặt, diện tích gặt được là 840 ha. Máy gặt đập liên hợp xuất hiện có tính năng vượt trội nên xu hướng đầu tư máy tuốt lúa sẽ giảm khi nông dân đầu tư vào máy gặt đập liên hợp, giảm được chi phí, giảm thất thoát lúa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những kết quả đạt được trên đây cho thấy, những năm qua việc cơ giới hóa nông nghiệp đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, thực phẩm ở Thái Bình. Nhiều khâu được trang bị cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần như 100% như khâu làm đất, tưới nước, ra hạt, xay xát, làm bún bánh... tỷ lệ này cao hơn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Do được cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên chi phí cho sản xuất giảm, như khâu gặt giảm được từ 540 nghìn đồng đến 675 nghìn đồng/ha. Khâu gieo sạ lúa giảm được 1.080 nghìn đồng đến 1.350 nghìn đồng/ha; khâu làm đất giảm được 400 nghìn đồng đến 450 nghìn đồng/ha. Khâu tưới nước giảm được 540 nghìn đồng đến 675 nghìn đồng/ha, v.v. Thời vụ được bảo đảm, góp phần tăng hệ số quay vòng của đất, mở rộng vụ hè thu và đặc biệt là vụ đông. Tiêu biểu như xã Ðiệp Nông (Hưng Hà) có tới 95% diện tích canh tác của xã đã trồng cây đậu tương gốc rạ.

 Quan điểm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp của tỉnh là đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trước mắt tập trung cơ giới hóa ngành trồng trọt, nhất là các khâu nặng nhọc, thời vụ khẩn trương; cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch kết hợp với ra hạt và thủy lợi, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Không đầu tư dàn trải. Ưu tiên dùng các loại máy công suất vừa và lớn, đa năng, trước mắt tập trung cho những địa phương đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao sức cạnh tranh của các loại sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện cơ chế thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Ðồng chí Bùi Tiến Dũng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, nêu vấn đề: Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, toàn tỉnh cần 3.500 máy gặt đập và tương đương là 3.500 người điều khiển. Máy làm đất loại công suất lớn cần 2.000 máy, tương đương là 2.000 công nhân điều khiển, thì hướng đào tạo sử dụng vận hành như thế nào, phụ tùng lấy ở đâu, bảo hành, sửa chữa ra sao? Sự phối hợp đồng bộ cơ sở hạ tầng như thế nào để đưa máy ra đồng ruộng, bởi hiện tại đường bờ nhỏ, máy không ra được đồng... Các nhà khoa học đã nghiên cứu và cho biết, một máy gặt đập liên hoàn có sải dài 1,2 m, một vụ gặt tối đa 30 ha, như vậy mỗi xã khi thực hiện đề án cũng chỉ nên có từ năm đến sáu máy. Do giá máy cao (mỗi máy thời điểm hiện tại hơn 200 triệu đồng) do vậy người có vốn có thể góp vốn, HTX làm dịch vụ, tổ chức sản xuất và quản lý. Ðội ngũ công nhân vận hành được đào tạo một tuần với máy gặt. Với máy cấy lúa công nhân cũng phải được đào tạo. Ðể cơ khí hóa được thuận lợi thì phải quay vòng sản xuất, dồn đổi đất đai, vì hiện tại nhiều nơi mỗi hộ còn sáu đến bảy mảnh. Tỉnh có chính sách hỗ trợ các đối tượng khi người ta bỏ vốn mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Mùa thu đã về. Lúa trên đồng ruộng Thái Bình đã trải một mầu xanh bát ngát. Ðó đây nông dân đang làm cỏ, chăm bón lúa, hứa hẹn một vụ mùa bội thu nữa sau vụ xuân 2009 đạt cao nhất từ trước đến nay: 70,5 tạ/ha. Như vậy, trong cả nước, lúa Thái Bình chỉ đứng sau An Giang về năng suất.

HẢI CHUNG