Thu hồi dự án “treo” để xây trường học

Mỗi năm, thành phố Hà Nội có thêm từ 50.000 đến 60.000 học sinh, tương ứng với số học sinh của khoảng 30-40 trường học.
0:00 / 0:00
0:00
Trường tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) được mở rộng thêm 500 m2 trên diện tích được thu hồi từ dự án trụ sở giao dịch và khách sạn tại khu đất số 6 phố Đào Duy Anh chậm triển khai.
Trường tiểu học Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) được mở rộng thêm 500 m2 trên diện tích được thu hồi từ dự án trụ sở giao dịch và khách sạn tại khu đất số 6 phố Đào Duy Anh chậm triển khai.

Tại khu vực nội thành, dù được quan tâm đầu tư nhưng tình trạng thiếu trường, thiếu lớp vẫn diễn ra. Thành phố đang quyết liệt thực hiện thu hồi đất các dự án chậm triển khai, hoặc các khu đất sử dụng không hiệu quả để xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Hiện nay, tám quận nội thành của Hà Nội đang thiếu khoảng 50 trường học công lập. Để giải quyết tình trạng thiếu trường công cần những giải pháp từ ngành giáo dục như chính sách khuyến khích phát triển trường tư thục, dân lập, chính sách hướng nghiệp để phân luồng cho học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 9. Song trước mắt, cần phải xây dựng thêm các trường học công lập, cũng như cải thiện quy mô số lớp, đáp ứng yêu cầu trường chuẩn quốc gia của hệ thống trường công.

Lấy đất dự án chậm tiến độ để xây trường

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trong lần kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm triển khai tại quận Hoàng Mai đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận rà soát quỹ đất ở các khu đô thị, dự án nào chậm triển khai thì nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học trong bối cảnh thiếu nghiêm trọng trường học công lập tại địa bàn quận này.

Chỉ riêng phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có tới 85 tòa chung cư, trong khi đó, các trường mầm non công lập trên địa bàn phường chỉ đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu học tập của các em nhỏ sinh sống tại phường, cho nên năm 2022, Trường mầm non Hoàng Liệt đã phải tổ chức cho các phụ huynh bốc thăm để có suất vào trường cho con vì số lượng tuyển sinh thì ít mà nhu cầu gửi con vào trường thì nhiều.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện giải pháp thu hồi đất từ dự án chậm tiến độ để xây trường học, từ đó gia tăng số lượng trường công trong khu vực nội đô. Đơn cử như khu đất số 6 Đào Duy Anh (quận Đống Đa), vốn được giao cho doanh nghiệp xây dựng Dự án trụ sở giao dịch và khách sạn, nhưng vì chủ đầu tư chậm triển khai cho nên thành phố ban hành quyết định thu hồi 1.901 m2 đất tại địa chỉ này giao cho Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đầu tư dự án xây dựng trường học.

Sau khi tiếp nhận ô đất, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Đống Đa đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công công trình xây dựng Trường mầm non Phương Liên và cải tạo, mở rộng Trường tiểu học Phương Liên theo quy định. Về việc này, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố đã theo sát dự án này gần 10 năm mới thực hiện được việc thu hồi đất, chuyển từ dự án kinh doanh sang xây dựng trường mầm non.

Trong tổng diện tích khoảng 1.900 m2 của dự án, quận Đống Đa dành 1.400 m2 để xây dựng Trường mầm non Phương Liên và 500 m2 còn lại để mở rộng Trường tiểu học Phương Liên. Hai công trình này hiện đang được thi công khẩn trương để sớm đưa vào sử dụng, tạo thêm chỗ học cho học sinh của phường.

Mặc dù diện tích các trường công lập đã được cải thiện so với những năm trước, tuy nhiên theo đại diện của Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, diện tích của một số trường học trên địa bàn quận vẫn còn nhỏ, thiếu phòng học chức năng, phòng học bộ môn..., không đáp ứng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện hành. Bên cạnh đó, một số trường do không thể đầu tư bổ sung vì vướng quy hoạch, diện tích đất không đủ, dẫn đến khó khăn trong việc công nhận lại. Hiện quận Đống Đa vẫn còn thiếu bốn trường tiểu học và sáu trường trung học cơ sở.

Căn cứ vào tình hình thực tế, bên cạnh việc ưu tiên dành quỹ đất cho xây dựng trường mới, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã kiến nghị mở rộng một số trường công lập hiện có trên cơ sở tận dụng những quỹ đất còn trống. Đối với dự án cải tạo các trường học hiện có, quận đề xuất các sở, ngành của thành phố trình cấp có thẩm quyền về phương án nâng tầng, tăng diện tích sử dụng cho các trường không có điều kiện mở rộng diện tích đất.

Trong khi việc tìm đất trong nội đô để xây trường học rất khó khăn, thì vẫn còn không ít cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, hợp tác xã... được Nhà nước giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả. Như trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có khu đất 163 phố Đại La (phường Đồng Tâm) đang được Công ty Điện máy cho thuê làm siêu thị; khu đất 418 phố Bạch Mai (phường Bạch Mai) được Công ty Kỹ thuật Điện thông cho thuê làm kho bãi; khu đất 14 phố Mạc Thị Bưởi (phường Vĩnh Tuy) được giao cho Công ty Thực phẩm Miền Bắc, nhưng hiện để lãng phí…, trong khi quận thì thiếu trường học.

Từ những kiến nghị của cử tri và chính quyền quận, năm 2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp quận và các cơ quan liên quan tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với khu đất do các công ty quản lý tại 163 phố Đại La, 14 phố Mạc Thị Bưởi. Trên cơ sở kết quả thanh tra, thành phố sẽ xem xét thu hồi các điểm đất này để dành đất xây dựng trường học, góp phần giải quyết tình trạng thiếu trường, lớp học trên địa bàn quận.

Trường có trong quy hoạch nhưng vẫn nằm… trên giấy

Việc thu hồi quỹ đất từ các chủ đầu tư dự án khu đô thị để xây dựng trường học là việc cần làm rốt ráo. Tại nhiều dự án, những quỹ đất này đã được định vị cả chục năm nay, nhưng vẫn chưa được triển khai. Như tại khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai), theo quy hoạch có 23 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông được xây dựng tại đây, nhưng đến nay vẫn chưa hình thành được một trường công lập nào.

Cử tri huyện Thanh Oai đã nhiều lần đề nghị thành phố chỉ đạo bàn giao 21 điểm xây trường công lập theo quy hoạch tại khu đô thị Thanh Hà cho huyện quản lý, đồng thời kiến nghị các cấp chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống các trường công lập để bảo đảm đủ trường, đủ lớp cho các cháu học sinh của khu đô thị Thanh Hà, cũng như học sinh xã Cự Khê.

Quận Hoàng Mai là địa bàn có nhiều quỹ đất đã quy hoạch để xây trường học, nhưng vẫn thiếu trường, thiếu lớp. Theo thống kê, đến hết năm 2023, trên địa bàn quận có 59 ô đất được quy hoạch xây trường học đã được quận giao chủ đầu tư, nhưng chưa được xây dựng. Với sự quyết liệt vào cuộc của Ủy ban nhân dân thành phố và quận Hoàng Mai, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà (HUD) đã chủ động bàn giao bốn ô đất để xây dựng bốn trường học cho thành phố. Đến nay, cả bốn dự án xây trường đều đã được triển khai đầu tư xây dựng.

Đại diện Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, sau khi rà soát, thành phố đã xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố, đến hết tháng 6/2024, có 705 dự án, tương đương 99% tổng số dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý. Trong đó sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án bị thu hồi và đây là cơ hội để gia tăng diện tích đất xây dựng trường học cho các địa phương.

Giải pháp trọng tâm cần tập trung nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ đó là xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường theo Kế hoạch số 139/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Các sở, ngành, quận, huyện cần rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp và trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, để giải bài toán quá tải trường học tồn tại nhiều năm qua, Sở sẽ tiếp tục tham mưu thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường nguồn lực đầu tư, ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học; đề xuất cơ chế đặc thù cho các địa bàn đông dân cư; rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học; điều chỉnh tuyến tuyển sinh hằng năm cho phù hợp với số lượng học sinh gia tăng ở từng địa bàn...

Bên cạnh đó, để quy hoạch thật sự khả thi, phát huy hiệu quả, trong quá trình xác lập Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp. Việc quy hoạch cần lưu ý đến hiện trạng khu đất, tránh tái diễn tình trạng dồn đất xây trường vào những vị trí khó thực hiện như các đồ án quy hoạch khu đô thị trước đây.