PGS, TS Vũ Hải Quân làm Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Ngày 25-8, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG) tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ 6. Đây là đảng bộ trên cơ sở quan trọng với hơn 2.200 đảng viên có trình độ cao, trực thuộc Đảng bộ TP Hồ Chí Minh.

PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025.
PGS, TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025.

PGS, TS. Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐHQG cho biết: “Phục vụ cộng đồng là một trong những mục tiêu hàng đầu của ĐHQG. Nhiệm kỳ qua, ĐHQG đã phối hợp các địa phương thực hiện 100 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm. Những nhiệm vụ này đã hỗ trợ các địa phương giải quyết các vấn đề nóng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, trữ nước sạch”.

Tại đại hội, các tham luận đã tập trung vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, công tác dân vận, vai trò của ĐHQG với các địa phương. Thí dụ như các năm qua, ĐHQG chủ động hợp tác với nhiều địa phương, trong đó ký kết chính thức với 10 địa phương: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Bạc Liêu; đồng thời xây dựng mối quan hệ hợp tác tiềm năng với Quảng Nam, Phú Yên, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp.

Với TP Hồ Chí Minh, ĐHQG luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển KHKT và phục vụ phát triển kinh tế. Mỗi năm, ĐHQG thực hiện khoảng 20% đề tài, dự án do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố quản lý và kề vai với thành phố trong nhiều dự án KHCN mũi nhọn như công nghệ vi mạch, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học. Năm 2018, ĐHQG và UBND thành phố còn ký kết thỏa thuận hợp tác các chương trình: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế; giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển công nghiệp vi mạch…

Đối với tỉnh Bình Dương, ĐHQG đã có nền tảng hợp tác từ rất sớm, được triển khai gồm: Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương; xây dựng, phát triển Trường phổ thông Năng khiếu; hỗ trợ đại học và doanh nghiệp của tỉnh; khai thác Dự án Bảo tàng Sinh thái tre và Dự án Bảo tồn Thực vật Phú An. Với vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất ở phía nam, ĐHQG còn xác định vùng trọng tâm phục vụ là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ĐHQG và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được Chính phủ giao chủ trì Chương trình khoa học cấp quốc gia “Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” (Chương trình TNB). Chương trình đặt ra mục tiêu nghiên cứu các giải pháp KHCN liên ngành, thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng. Các nhiệm vụ KHCN đã gắn với đời sống của người dân, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao năng suất, giá trị của các sản phẩm chủ lực của vùng. Tính đến nay Chương trình TNB có 63 nhiệm vụ đã và đang thực hiện với nhiều nội dung và kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào việc nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị, đa dạng hóa các sản phẩm như lúa gạo, xoài, bưởi, cam sành, tôm, cá tra, nghêu...

Không chỉ thực hiện các chương trình trọng điểm và xuyên suốt, trong giai đoạn 2016-2020, ĐHQG còn nghiên cứu các giải pháp, đáp ứng nhanh các đòi hỏi của cuộc sống. Như trong tháng 3-2016, Bến Tre và các tỉnh miền Tây Nam Bộ bị xâm hại mặn nghiêm trọng. Tỉnh ủy Bến Tre đã “đặt hàng” ĐHQG nghiên cứu các phương án hỗ trợ ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ trong vòng ba tháng, ĐHQG đã nghiên cứu và chuyển giao một số giải pháp hiệu quả cho địa phương này.

Về chống hạn mặn, các nhà khoa học của ĐHQG còn sản xuất và chuyển giao sản phẩm túi chứa nước ngọt bằng PVC có dung tích 10-50 khối cho người dân ĐBSCL. Sản phẩm này được đánh giá cao và được người dân sử dụng rộng rãi. Còn giải pháp trung hạn mà ĐHQG đề xuất và nghiên cứu là xây dựng các nhà máy lọc nước và giải pháp dài hạn là phải chuyển đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh để thích nghi với biến đổi khí hậu.

Trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ qua, toàn Ðảng bộ ÐHQG đã kết nạp được 664 đảng viên mới (trong đó có 203 cán bộ viên chức, 96 giảng viên và 365 sinh viên)… đạt chỉ tiêu Nghị quyết mà Ðại hội Ðảng bộ ÐHQG lần thứ 5, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đặt ra.

Theo PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG: Bên cạnh đó, ĐHQG còn tổ chức đoàn công tác đến các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Nông để tiến tới hợp tác với cả khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh Tây nguyên. Như vào cuối năm 2015, ĐHQG đã tích cực hỗ trợ “Xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể và triển khai phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025”. Ngoài ra, ĐHQG và tỉnh Quảng Ngãi cũng ký kết thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, ĐHQG đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các trường THPT, trường chuyên và các trường đại học . ĐHQG cũng triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho địa phương gần kề là Quảng Nam về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Rồi trong năm 2017, ĐHQG và tỉnh Ninh Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong nghiên cứu ứng dụng, tư vấn về hoạch định chính sách, xây dựng đề án phát triển du lịch, xử lý môi trường sản xuất tôm giống, chuyển giao công nghệ đóng tàu khai thác thủy sản bằng vật liệu composite, nâng cao chất lượng tỏi Phan Rang.

PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG, khẳng định: “Tất cả dự án hợp tác với các địa phương phải có đầu ra cụ thể, có đóng góp sản phẩm cụ thể cho địa phương. ĐHQG luôn xem việc hỗ trợ phục vụ cộng đồng là mục tiêu, trách nhiệm, sứ mạng của mình. Để có kết quả cao, ĐHQG cam kết cùng bố trí kinh phí đối ứng thích hợp với kinh phí của các tỉnh để thực hiện các đề tài nghiên cứu. Đến nay hoạt động phục vụ cộng đồng của ĐHQG đã có một chiến lược xuyên suốt với những mục tiêu cụ thể và những dự án rộng khắp các vùng kinh tế phía nam. Việc phục vụ cộng đồng ngày càng trở nên hiệu quả với những mô hình kinh tế kết nối chặt chẽ với các địa phương”.

Tại đại hội, 194 đại biểu chính thức (đại diện cho hơn 2.200 đảng viên của Đảng bộ ĐHQG) đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 24 đồng chí. Và tại kỳ họp lần thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ ĐHQG nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Vũ Hải Quân đã được bầu làm Bí thư Đảng ủy ĐHQG, nhiệm kỳ 2020-2025. 

PGS, TS Vũ Hải Quân làm Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh -0
PGS, TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG, Bí thư Đảng ủy ĐHQG tặng hoa cảm ơn các đồng chí lãnh đạo nhiệm kỳ 2015-2020. 

PGS, TS Vũ Hải Quân sinh năm 1974, tốt nghiệp khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQG năm 1996 với khóa luận đạt điểm tuyệt đối và được trao giải Nhất - Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Cùng năm đó, PGS, TS Vũ Hải Quân tình nguyện ở lại trường làm công tác trợ giảng và tiếp tục nghiên cứu. Trong những năm 1999-2001, PGS, TS Vũ Hải Quân tham gia dự án phát triển hệ thống đào tạo từ xa thông qua việc ứng dụng đồ họa mô phỏng các thuật toán và kỹ thuật nén video để truyền bài giảng qua mạng. Kết quả nghiên cứu là hệ thống và chương trình đào tạo từ xa đầu tiên của ĐHQG được triển khai ở Trung tâm CITD (nay là Trường Đại học Công nghệ Thông tin thuộc ĐHQG). Qua dự án này, ông cùng nhóm nghiên cứu của mình đạt giải Nhì - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Việt Nam năm 2001.

Tháng 11-2001, đồng chí nhận học bổng qua Ý làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Trento. Ở đây, đồng chí tham gia nhóm nghiên cứu về Xử lý ngôn ngữ nói của Viện ITC-Irst. Toàn bộ phương pháp và thực nghiệm của công trình này được ông mô tả trong bài báo khoa học và trình bày tại hội nghị Eurospeech 2005, một trong số ít hội nghị được xếp hạng cao trong lĩnh vực xử lý tiếng nói.

Tháng 2-2005, PGS, TS Vũ Hải Quân bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và nhận học bổng postdoc ở Đại học Tổng hợp Leuven, đại học danh tiếng của nước Bỉ và nằm trong danh sách 100 trường đại học hàng đầu thế giới. Sáu tháng sau, hệ thống dịch tiếng nói của ITC-Irst mà PGS, TS Vũ Hải Quân tham gia phát triển đạt giải cao nhất trong cuộc thi dịch máy quốc tế tổ chức ở Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), vượt qua các công ty lớn như IBM, Microsoft. Trở về nước năm 2007, PGS, TS Vũ Hải Quân lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ĐHQG như: Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế ITEC và Trưởng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo AILab, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Hai năm sau, nhóm nghiên cứu của PGS, TS Vũ Hải Quân công bố phần mềm “Tiếng nói Phương Nam” - phần mềm tổng hợp tiếng nói dựa trên phương pháp ghép nối đơn vị ngữ âm. Ngay lập tức, phần mềm này thu hút được sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là sau khi nhận giải Ba - Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2009.

Ngoài ra, PGS, TS Vũ Hải Quân còn là người sáng lập CLB Robotics-IoT thuộc phòng thí nghiệm AILab. Với dự tài trợ của Cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ, tính từ 2015 đến nay, đã có hơn 2.000 lượt bạn trẻ được đào tạo về lập trình robot, Internet vạn vật. Nhiều bạn đã đạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Tháng 10-2018, PGS, TS Vũ Hải Quân được trao danh hiệu Giáo sư Danh dự của Đại học Công nghệ Auckland (AUT) vì những đóng góp khi còn là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên trong việc triển khai chương trình liên kết với AUT đào tạo ngành Công nghệ thông tin chất lượng cao ngay từ năm 2008. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm PGS, TS Vũ Hải Quân giữ chức vụ Phó Giám đốc ĐHQG.