Buổi sáng
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, kết quả như sau: có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.37% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 443 đại biểu tán thành (bằng 88.96% tổng số đại biểu Quốc hội); có 7 đại biểu không tán thành (bằng 1.41% tổng số đại biểu Quốc hội); có 5 đại biểu không biểu quyết (bằng 1.00% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận.
Đa số các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung: tên gọi của dự án Luật; giải thích từ ngữ; việc thành lập và hoạt động của liên đoàn hợp tác xã; phân loại hợp tác xã; chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác; tiêu chí, nguồn vốn thực hiện chính sách; Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã; số lượng thành viên hợp tác xã; người lao động trong tổ chức kinh tế hợp tác; lợi nhuận và thu nhập; kiểm toán hợp tác xã; quyền và nghĩa vụ của Đại hội thành viên; trích lập quỹ chung không chia;
Tổ chức đại diện của các tổ chức kinh tế hợp tác; nhiệm vụ của tổ chức đại diện; thành viên sáng lập hợp tác xã; quyền của thành viên; tài sản góp vốn; hoạt động tín dụng nội bộ; chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; huy động vốn và các khoản trợ cấp, hỗ trợ; xử lý tài sản và vốn khi tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân giải thể, phá sản; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, kết quả như sau: có 466 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.57% tổng số đại biểu Quốc hội), trong đó có 465 đại biểu tán thành (bằng 93.37% tổng số đại biểu Quốc hội); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0.20% tổng số đại biểu Quốc hội).
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 21 đại biểu phát biểu, 2 đại biểu tranh luận.
Đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn; đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung sau: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng; trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng; trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế giải quyết tranh chấp; vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế phối hợp; vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương…
Kết thúc phiên thảo luận, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Thứ Sáu, ngày 11/11: Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).