Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Hiện nay trên thị trường hàng điện tử viễn thông xuất hiện loại máy thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh kỹ thuật số DTH. Máy thu có ký mã hiệu XSat CDTV410 và 430, có sử dụng thẻ card được sản xuất tại Trung Quốc, chảo thu parabon có đường kính 60 cm. Với bộ thiết bị này, có thể thu toàn bộ gói kênh chương trình Dream Satellite TV của Philipines phát trên vệ tinh Agila 2 và hàng trăm chương trình khác trên cùng vệ tinh Agila 2 (tọa độ 146 độ Ðông) và vệ tinh Measat 2 (tọa độ 148 độ Ðông). Gói kênh chương trình Dream Satellite TV có ba kênh chương trình phát hình ảnh khiêu dâm 24/24 giờ. Loại máy thu này đang bày bán và tổ chức lắp đặt khá nhiều ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt được bán công khai ở các chợ gần cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái... Trên địa bàn Hà Nội, đi dọc đường Hai Bà Trưng, Thái Hà, Tràng Thi, khu vực chợ trời... các loại đầu thu có tên VDCT 430, CDTV 410 đều có bán, giá từ 1,6 đến 1,8 triệu đồng với chảo thu 60 kênh, từ 2,2 đến 2,8 triệu đồng với chảo thu 90 kênh.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nói chung việc sử dụng thiết bị ăngten chảo ở các thành phố phục vụ nhu cầu xem kênh truyền hình nước ngoài. Còn ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do không thu được chương trình truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam, người dân lúc đầu mua ăngten chảo để xem truyền hình Việt Nam (cả bốn kênh hình ảnh đều rất nét), rồi từ đó mới biết và xem kênh truyền hình nước ngoài. Có thể nói, so với đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất (VTC-DT/model T10) của Công ty đầu tư và phát triển công nghệ truyền hình Việt Nam (chỉ thu được 16 kênh truyền hình, giá từ 2,3 đến 2,5 triệu đồng), thì ăngten chảo lậu của Trung Quốc giá rẻ hơn, tín hiệu tốt hình ảnh không hề "muỗi" và thu được nhiều kênh hơn.
Các giải pháp ngăn chặn
Chảo ăngten lậu thu trực tiếp các kênh truyền hình nước ngoài từ vệ tinh không được kiểm soát, do vậy những kênh phát hình ảnh khiêu dâm, bạo lực... sẽ có tác động rất xấu đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt với đối tượng là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Ðã xảy ra trường hợp đau lòng tại huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ), một số thanh niên rủ nhau xem phim khiêu dâm từ kênh truyền hình nước ngoài thu qua ăngten chảo rồi thực hiện theo phim. Một số gia đình mặc dù biết có những kênh truyền hình phát hình ảnh, nội dung xấu, rất nguy hiểm với con trẻ, song chủ quan cho rằng đã khóa mã, cất card, khi có người lớn ở nhà mới cho sử dụng là tối ưu. Họ đã không tính tới với giá 100.000 đồng/card, lũ trẻ đã có cách xem trộm các kênh truyền hình mang nội dung xấu và người lãnh chịu hậu quả trước hết chính là các ông bố, bà mẹ coi thường pháp luật. Không chỉ vậy, lâu nay các đĩa phim bạo lực, khiêu dâm phải nhập lậu từ nước ngoài, nay có thiết bị thu nhiều kênh này đã khuyến khích xu hướng in sao băng đĩa có nội dung không lành mạnh.
Việc nhập khẩu, kinh doanh và lắp đặt trái phép thiết bị thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh nói trên là vi phạm Quyết định số 79/2002/QÐ-TTg ngày 18-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý việc thu các chương trình truyền hình nước ngoài và quy chế cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thu chương trình truyền hình nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 18/2002/QÐ-BVHTT ngày 29-7-2002 của Bộ trưởng Văn hóa - Thông tin (VH-TT).
Khoản 2, điều 16 của Nghị định số 31/2001/NÐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với các hành vi lắp đặt và sử dụng thiết bị thu chương trình truyền hình nước ngoài (TVRO) mà không có giấy phép. Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức, cá nhân còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu hoặc buộc phải dỡ bỏ thiết bị thu chương trình (TVRO) đối với hành vi vi phạm.
Ðể ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán và lắp đặt trái phép các thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh, ngày 24-6-2002, Bộ VH-TT đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý việc nhập khẩu và lắp đặt trái phép loại thiết bị nêu trên. Trao đổi ý kiến với đồng chí Phan Nam Sa, quyền Chánh Thanh tra Bộ VH-TT, đồng chí cho biết: Ðây là vấn đề bức xúc không chỉ đối với Bộ VH-TT mà còn bức xúc đối với các cơ quan chức năng liên quan như Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... Cần có sự phối hợp chặt chẽ ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này.
Cũng về vấn đề trên, đồng chí Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Báo chí Bộ VH-TT cung cấp thêm thông tin: Một số nước trong khu vực quản lý rất chặt việc lắp đặt thiết bị thu các kênh truyền hình nước ngoài. Ðối tượng được phép sử dụng rất hạn chế và chỉ cấp phép trong một năm với phí từ 300 đến 400 USD. Ðối với nước ta, Quyết định 79/2002/QÐ-TTg đã quy định rất rõ đối tượng được phép sử dụng thiết bị TVRO để thu trực tiếp các kênh truyền hình của nước ngoài. Hơn thế nữa, để đáp ứng nhu cầu giải trí, ngoài các kênh của Ðài Truyền hình Việt Nam, người dân có thể thỏa mãn nhu cầu xem phim truyền hình đã dịch sang tiếng Việt hoặc có phụ đề từ Truyền hình cáp, MMDS. Trước thực trạng nêu trên, Bộ VH-TT đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan chức năng liên quan bàn và thống nhất các biện pháp nhằm xử lý kiên quyết hành vi nhập khẩu, kinh doanh, lắp đặt và sử dụng trái phép loại thiết bị này.
Ngày 8-7, Cục Báo chí (Bộ VH-TT) chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để tìm giải pháp ngăn chặn thực trạng thiết bị thu tín hiệu vệ tinh nhập lậu đang bán tràn lan ở các tỉnh phía bắc. Cuộc họp đã thống nhất đưa ra bốn giải pháp cấp bách:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các quy định trong quyết định 79 của Chính phủ và quyết định 18 của Bộ VH-TT như nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng thiết bị tín hiệu thu vệ tinh phải có giấy phép.
Thứ hai, tìm biện pháp mã hóa những kênh truyền hình khiêu dâm, bạo lực.
Thứ ba, trên cơ sở nếu các hãng thông tin trên thế giới quan tâm vấn đề bản quyền, thì các hãng đó phải có biện pháp xử lý.
Cuối cùng, giải pháp có tính chiến lược là tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng của người dân thông qua các tổ chức quần chúng, chính quyền địa phương, tổ dân phố... Theo chỉ đạo của Thứ trưởng VH-TT Ðỗ Quý Doãn, bắt đầu từ tháng 7-2004, kể cả khi các cơ quan chức năng chưa có đủ chế tài xử lý, vẫn phải có biện pháp ngăn chặn, tuyệt đối không để loại chảo thu vệ tinh nhập lậu từ Trung Quốc phát triển thêm.
Ðược biết ngày 15-7 vừa qua, Bộ trưởng VH-TT đã ra Quyết định số 2118/QÐ-BVHTT về việc tổ chức kiểm tra hoạt động kinh doanh, lắp đặt, sử dụng các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh (TVRO) trên phạm vi các tỉnh phía bắc từ Thừa Thiên-Huế trở ra. Nội dung kiểm tra bao gồm: Thống kê toàn bộ số lượng các đơn vị, cá nhân kinh doanh cũng như đơn vị, cá nhân lắp đặt, sử dụng các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh (TVRO); Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh (TVRO) đối với các tổ chức, cá nhân; Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; Ðề xuất biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, lắp đặt, sử dụng các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh (TVRO).
Theo chúng tôi, ngoài việc tăng cường kiểm soát thiết bị nhập lậu tại các cửa khẩu trọng yếu phía bắc, đặc biệt là ở ba tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, cần có chính sách đầu tư nghiên cứu để Ðài Truyền hình Việt Nam có các thiết bị thu, phát tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh bảo đảm kỹ thuật, giá cả phù hợp để người dân trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam thu được tín hiệu của đài mà không thu được các đài khác. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân biết việc sử dụng không phép các loại thiết bị thu tín hiệu truyền hình nước ngoài từ vệ tinh là hành vi vi phạm pháp luật, việc xem các chương trình truyền hình nước ngoài có nội dung không lành mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, trật tự, an toàn xã hội nói chung và việc hình thành nhân cách của lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh nói riêng. Vận động nhân dân tháo dỡ thiết bị lắp đặt trái phép (ra thời hạn, nếu không thực hiện sẽ thu, phạt). Khi chưa thu, dỡ hết, khuyến cáo họ chỉ thu các chương trình của Ðài Truyền hình Việt Nam.