Cơ quan Cảnh sát điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm các bị can đi khỏi nơi cư trú và tiến hành Lệnh khám xét nơi làm việc của bị can tại trụ sở công ty. Các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh khám xét đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Hai bị can Nguyễn Tiến Dũng và Nguyễn Hoàng Cẩn có liên quan đến vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra tại tiểu khu 279, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) giai đoạn từ năm 2011 đến 2013 mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố vào ngày 26/10/2017. Vụ án bị kéo dài do quan điểm chưa thống nhất giữa các cơ quan tố tụng và đến nay mới được tiếp tục phục hồi điều tra.
Trước đó, vào ngày 15/10/2011, Công ty THHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (doanh nghiệp Nhà nước, trực thuộc UBND tỉnh Bình Thuận) ký hợp đồng kinh tế số 59-HĐKT với Công ty Phước Sang hợp tác sản xuất kinh doanh đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp với diện tích 118 ha (trong đó khoanh nuôi bảo vệ rừng là 44 ha, trồng rừng là 74 ha) tại địa bàn thuộc xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam. Rừng tại khu vực này là rừng sản xuất, tự nhiên do một số chủ rừng quản lý, trong đó có Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận. Sau đó, đại diện lãnh đạo công ty là ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Hoàng Cẩn, Phó Tổng Giám đốc đã chỉ đạo giao cho Công ty Phước Sang 74 ha vào năm 2011 và 22,6 ha (trong diện tích 44 ha rừng khoanh nuôi) vào năm 2013 để san ủi trồng cao su.
Công ty Phước Sang đã giao lại cho ông Nguyễn Tấn Tài san ủi số diện tích rừng này. Trong quá trình san ủi, cơ quan chức năng đã phát hiện có 4,6 ha (trong khu vực 74 ha) là rừng tự nhiên bị khai thác, thiệt hại hơn 1.678 m3 gỗ ước giá trị bằng tiền hơn 3,9 tỷ đồng. Với 22,6 ha rừng (trong khu vực 44 ha), thiệt hại hơn 941 m3 gỗ, ước hơn 2,2 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Tài còn san ủi vượt 0,98 ha so với diện tích bàn giao là 22,6 ha, thiệt hại 40,81 m3 gỗ quy bằng tiền gần 96 triệu đồng.
Quá trình điều tra, trưng cầu giám định từ Giám định viên lâm nghiệp và xác định tổng diện tích rừng bị san ủi ở cả hai khu vực là 64,21 ha, thiệt hại gần 6,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định trách nhiệm chính vụ việc thuộc về lãnh đạo của công ty là ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Nguyễn Hoàng Cẩn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định vụ án còn có liên quan đến một số cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Hàm Thuận Nam thuộc Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (đơn vị chủ rừng) và Công ty Phước Sang, doanh nghiệp san ủi rừng.