Thiết kế chính sách phát triển doanh nghiệp lớn

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cần được khuyến khích phát triển để chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào năng suất. Từ đó hình thành được lực lượng doanh nghiệp lớn có sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN)

Bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp tư nhân lớn vừa được phác thảo qua Báo cáo 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500), do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Ðầu tư công bố. Tiêu chí đánh giá dựa vào số lượng lao động, tổng tài sản và doanh thu của doanh nghiệp.

Lợi thế dựa vào quy mô

Ðiểm tích cực là trong số 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất, có 262 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 52%). Ðây là ngành kinh tế rất quan trọng và là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp VPE500 cũng được đánh giá là hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước trên khía cạnh quy mô, kết quả kinh doanh bình quân, tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu và liên kết doanh nghiệp.

Trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước; doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lên đến 58% trong khi tỷ lệ tương ứng của các doanh nghiệp tư nhân nói chung là 7,73%.

Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF cho rằng, nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội, nhóm doanh nghiệp này chỉ chiếm 0,89% về số lượng nhưng lại có vai trò dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường, là thước đo đánh giá "sức khỏe" của khu vực tư nhân cả nước.

Thiết kế chính sách phát triển doanh nghiệp lớn ảnh 1

Ðáng chú ý, đây là một trong những báo cáo đầu tiên đưa ra dữ liệu phân tích, đánh giá về mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp lớn đến khu vực tư nhân Việt Nam để từ đó có bức tranh toàn cảnh về điểm mạnh, điểm yếu, làm cơ sở cho định hướng chính sách phát triển doanh nghiệp cũng như khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, doanh nghiệp thuộc nhóm VPE500 có mối liên kết khá tốt với các doanh nghiệp trong nước nói chung.

Doanh nghiệp lớn có tác động lan tỏa tới nền kinh tế qua nhiều kênh khác nhau, như có nhiều khả năng đổi mới sáng tạo, từ đó lan tỏa tri thức trong chuỗi cung ứng; có đủ nguồn lực để đào tạo nhân lực, tạo tác động tích cực đến doanh nghiệp khác khi lao động di chuyển giữa các doanh nghiệp… Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nhưng các doanh nghiệp thuộc VPE500 vẫn đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng của nền kinh tế trong tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam vẫn chưa thể trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều thương hiệu đạt tầm cỡ thế giới. Ðiều này thể hiện ở tốc độ tăng năng suất lao động của doanh nghiệp lớn không tăng nhanh như quy mô. Tốc độ tăng năng suất lao động của nhóm doanh nghiệp VPE500 chỉ đạt khoảng 5,3%/năm, không quá khác biệt so với mức tăng 4,6% của khu vực doanh nghiệp tư nhân nói chung và thấp hơn so với tốc độ tăng năng suất của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Băn khoăn chính sách chung-riêng

Kinh nghiệm thế giới cho thấy các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp này luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành công nghiệp. Trong nhiều trường hợp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp lớn còn định hình thị trường, cấu trúc ngành và hệ sinh thái sản xuất, dịch vụ và giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận chuỗi cung ứng.

Thiết kế chính sách phát triển doanh nghiệp lớn ảnh 2

Tại Việt Nam, vấn đề hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, gây dựng sếu đầu đàn cho nền kinh tế cũng đã được đặt ra. Tuy nhiên, theo ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo ngành và doanh nghiệp NCIF cho biết, hiện nay có hai quan điểm về phát triển doanh nghiệp.

Một là, hỗ trợ cho số đông là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Hai là, tập trung hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp lớn trở thành những con sếu đầu đàn, nâng cao thương hiệu của Việt Nam trên thị trường toàn cầu và chính các doanh nghiệp này sẽ tác động lan tỏa, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển.

Nhóm nghiên cứu Báo cáo VPE500 ủng hộ quan điểm thứ hai, tức là cần xây dựng chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn có khả năng chấp nhận rủi ro, có khả năng quản lý, dẫn dắt thị trường và đầu tư cho nghiên cứu công nghệ để trở thành người dẫn đầu, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển. Phân tích về quan điểm này, nhóm nghiên cứu cho rằng, doanh nghiệp lớn được hỗ trợ có thể hình thành hệ sinh thái, hình thành mối liên kết với doanh nghiệp nhỏ và đó cũng chính là cách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thiết kế chính sách phát triển doanh nghiệp lớn ảnh 3

Vấn đề là ở chỗ, nếu có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp lớn thì có bảo đảm tính công bằng, bình đẳng trong môi trường đầu tư, kinh doanh và làm giảm đi cơ hội phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp yếu thế hay không. Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra, môi trường kinh doanh Việt Nam và các quy định của pháp luật không phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa lại rất hạn chế trong khả năng tiếp cận nguồn lực. Bản thân các doanh nghiệp quy mô lớn đã có lợi thế hơn về tiếp cận đất đai, vay vốn, cơ hội kinh doanh…, nay có thêm chính sách hỗ trợ sẽ có thể càng chèn ép doanh nghiệp nhỏ.

Ðiều này càng đáng quan ngại hơn trong bối cảnh luôn có khoảng cách rất lớn từ chính sách đến hiệu quả triển khai chính sách trong thực tiễn. Và đây cũng chính là nội dung cần được tính toán kỹ để có giải pháp phù hợp trong thực hiện chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn.