Giá trị giao dịch toàn Sở trong phiên hôm qua tăng nhẹ gần 10% lên mức 4.250 tỷ đồng. Trong đó, cả 2 nhóm nông sản và năng lượng đều có sự gia tăng và chiếm đến 90% tổng giá trị giao dịch của phiên hôm qua.
Nhóm nông sản phân hóa
Giá ngô trái chiều với toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu khác trên Sở Chicago, do tác động từ 2 báo cáo quan trọng được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành đêm qua, đó là Tồn kho Ngũ cốc Quý (Grains Stocks) và Triển vọng Gieo trồng năm 2022 (Prospective Plantings)
Mặc dù chịu áp lực từ các số liệu bán hàng thiếu tích cực trong báo cáo Bán hàng Xuất khẩu (Export Sales) tuần này, tuy nhiên việc USDA bất ngờ giảm mạnh dự báo gieo trồng ngô về mức 89,5 triệu mẫu, thấp hơn nhiều so với mức 92 triệu mẫu trong Diễn đàn Nông nghiệp hồi cuối tháng 2 và dự đoán gần nhất của thị trường. Nếu so với niên vụ trước, con số này đã giảm đến gần 4 triệu mẫu.
Tồn kho ngô tính đến hết ngày 1/3 ở mức 7,85 tỷ giạ, thấp hơn gần 30 triệu giạ so với dự đoán, cùng với triển vọng nguồn cung kém, khiến cho giá ngô tăng vọt đến 30 cents ngay khi các số liệu vừa được công bố.
Đối với đậu tương, giá đã giảm mạnh 2,75% về mức 1.618,25 cents/giạ, thấp nhất kể từ cuối tháng 2 đến nay. Việc nông dân giảm diện tích trồng ngô do lo ngại về tình trạng thiếu hụt phân bón, khiến cho diện tích gieo trồng đậu tương tăng lên mức 90,96 triệu mẫu, cao hơn toàn bộ các số liệu công bố trước đó và cũng tăng đến gần 4 triệu mẫu so niên vụ trước. Bên cạnh đó, tồn kho đậu tương đến hết ngày 1/3 cũng cao hơn so mức dự đoán trung bình, và gây áp lực lớn lên giá.
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi giá đậu tương, đà giảm mạnh hơn 6% của dầu thô cũng tác động tiêu cực nên giá dầu đậu và làm cho mặt hàng này giảm rất mạnh hơn 3% về mức 69,94 cents/pound. Đây cũng là mặt hàng dẫn đầu đà giảm trong nhóm nông sản.
Giá dầu giảm mạnh khi Mỹ và các đồng minh dự định giải phóng một lượng dầu “khổng lồ” ra thị trường
Dầu thô giảm mạnh từ phiên sáng sau khi phía Mỹ cho biết sẽ cân nhắc mở kho dự trữ chiến lược một lượng lớn tương đương 180 triệu thùng từ tháng 5/2022. Theo dự kiến, trung bình trong vòng 6 tháng, mỗi ngày Mỹ sẽ giải phóng cho thị trường một lượng tương đương 1 triệu thùng dầu.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy chưa đầy 6 tháng, Mỹ đã mở kho dự trữ chiến lược 3 lần. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang thuyết phục các đồng minh giải phóng tiếp 30-50 triệu thùng dầu trong năm nay. Trước đó vào đầu tháng 3/2022, các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA đã tuyên bố sẽ giải phóng 60 triệu thùng dầu để bù đắp lượng thiếu hụt trên thị trường.
Lượng dầu này tương đương nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong 2 ngày, tuy nhiên, vẫn khó có thể bù đắp cho sản lượng thiếu hụt từ phía Nga nếu các lệnh cấm vận áp đặt lên nước này kéo dài trong vòng vài tháng. Theo ước tính, sản lượng dầu từ Nga có thể giảm từ 2-3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2022. Việc giá rơi rất mạnh trong ngày hôm qua một phần có thể do khối lượng giao dịch đã giảm bớt kể từ đầu tháng, do thị trường liên tục chứng kiến nhiều phiên giao dịch biến động lớn.
Các thay đổi trong chính sách mới của Mỹ làm “lu mờ’ phần nào kết quả cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh OPEC+ tối hôm qua. Theo đó, nhóm quyết định tăng sản lượng thấp ở mức 432.000 thùng/ngày trong tháng 5/2022, bất chấp nhiều nước kêu gọi cần phải tăng thêm lượng dầu cung cấp cho thị trường.
Bất chấp đà giảm trong phiên thứ Năm, tính trong tháng 3, dầu thô WTI vẫn tăng 7,25% trong khi dầu Brent tăng 10,11%. Cả 2 hợp đồng tiêu chuẩn đều duy trì trên mức 100 USD/thùng, với yếu tố hỗ trợ lớn nhất tại vùng giá này là sự tiếp diễn của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.