Thực phẩm tăng giá
Ngày 2/8, nhiều người dân các phường Phúc Tân và Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) phản ánh, họ gặp khó khăn trong việc mua bán thực phẩm tươi sống các chợ ở khu vực chung quanh, như chợ Thanh Hà (phường Ðồng Xuân) đang ngừng kinh doanh, khu vực bán hải sản chợ Long Biên (phường Phúc Xá) bị phong tỏa, chợ Vọng Hà (phường Chương Dương) có ca lây nhiễm Covid-19... Chủ tịch UBND phường Phúc Tân Trần Xuân Hà cho biết, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phường đã giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn, chỉ cho phép 40 cửa hàng kinh doanh thực phẩm thiết yếu có đăng ký được hoạt động.
Người dân nhiều khu vực khác trên địa bàn Hà Nội cũng trong hoàn cảnh tương tự. Liên tiếp những ngày qua, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị trên địa bàn Hà Nội phải tạm đóng cửa do có các ca lây nhiễm Covid-19. Ðó là chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía nam (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), khu vực kinh doanh hải sản chợ Long Biên (quận Ba Ðình), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), chợ Ðồng Xa (quận Cầu Giấy), siêu thị Co.op Mart Hà Ðông (quận Hà Ðông). Trong ngày 2/8, tám siêu thị VinMart, tám siêu thị VinMart+... cũng phải tạm ngừng kinh doanh do nhà cung cấp thịt bò cho siêu thị là Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga có nhiều ca nhiễm Covid-19. Ðáng nói, đây đều là các chợ đầu mối, siêu thị có quy mô lớn.
Nhiều tiểu thương gặp khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, lo ngại lây lan dịch Covid-19, cho nên cũng chủ động nghỉ bán hàng. Nguồn cung ít đã khiến giá nhiều loại thực phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng, nhất là tại các khu vực có chợ, siêu thị bị đóng cửa. Khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, so với thời điểm trước khi ngày thực hiện giãn cách xã hội (ngày 24/7), các loại thịt lợn, thịt bò có giá ổn định, nhưng các loại hải sản như tôm, mực tăng từ 30 đến 50 nghìn đồng/kg; bí xanh tăng từ 13 nghìn đồng lên 25 nghìn đồng/kg; trứng tăng từ 35 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/10 quả... Chị Trần Thu Hà, chủ cửa hàng Chợ Zaha (quận Long Biên) cho biết: "Giá nhiều mặt hàng có tăng do chi phí vận chuyển tăng và các đầu mối cung ứng từ các tỉnh giảm. Nhà xe tính thêm chi phí xét nghiệm cho tài xế, cộng vào giá cước vận chuyển hàng. Hiện các loại rau xanh, thịt lợn, thịt bò do cửa hàng nhập thẳng từ các mối cung cấp tại ngoại thành Hà Nội nên giá được ổn định. Tuy nhiên, các mặt hàng như mì ăn liền, dầu ăn khan hàng vì nhà cung cấp không vận chuyển vào được".
Sẵn sàng các giải pháp cung ứng hàng hóa
Tuy nhiên, tại các siêu thị, hàng hóa dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Giá bán các mặt hàng trong siêu thị vẫn ổn định. Tại các siêu thị Big C, VinMart, BRG,... giá rau củ vẫn giữ ổn định, như trứng gà từ 25 đến 30 nghìn đồng/10 quả, bí xanh 14.300 đồng/kg, cải thảo 14.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg; đậu đũa 25.900 đồng/kg... Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, số đơn mua hàng online tại các siêu thị đã tăng gấp hai đến năm lần so với những ngày trước đó.
Theo nhận định của Sở Công thương Hà Nội, hiện thành phố vẫn bảo đảm cung ứng hàng hóa. Sở đã có văn bản hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm triển khai các giải pháp phong tỏa, xử lý khi gặp tình huống phải tạm đóng cửa do có ca lây nhiễm Covid-19, nhanh chóng bảo đảm an toàn để có thể hoạt động sớm trở lại. Chính quyền các địa phương tổ chức phân luồng, bố trí để người dân có nơi mua thực phẩm thiết yếu. Như tại khu vực chợ Phùng Khoang, sau khi phải đóng cửa vào tối 31/7 do có ca F0 đến bán hàng tại đây, UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) đã thông báo cho tất cả người dân trên địa bàn của phường đi mua thực phẩm thiết yếu tại chợ Trung Văn thuộc tổ dân phố 18 và chợ tại Trung tâm thương mại Trung Văn thuộc tổ dân phố 21.
Ðại diện Công ty CP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp Vincommerce sở hữu chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ cho biết, 16 siêu thị, cửa hàng trong hệ thống đã tích cực phối hợp cơ quan y tế địa phương để truy vết các F, cách ly y tế theo quy định, tiến hành phun khử khuẩn và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trong thời gian các siêu thị, cửa hàng này tạm dừng hoạt động, gần 1.000 siêu thị và cửa hàng VinMart, VinMart+ còn lại trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng công suất phục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cho biết, các siêu thị đang siết chặt giải pháp phòng, chống Covid-19, cập nhật các hướng dẫn mới của cơ quan chức năng để có thể hoạt động bình thường. Ðối với hoạt động giao nhận hàng hóa, các nhân viên và người giao hàng phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K, đeo khẩu trang, găng tay, xịt khuẩn, giữ khoảng cách hai mét. Hiện các đơn vị đều tăng cường mạng lưới nhà cung cấp, cho nên trong tình huống nhân viên nhà cung cấp bị lây nhiễm Covid-19 thì các siêu thị sẽ dừng nhận hàng từ các nhà cung cấp này, bổ sung và tăng lượng đặt hàng từ các nhà cung cấp khác.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Thành phố đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Ðồng thời, Sở đã công khai danh sách tổng hợp 8.196 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu và danh sách các chợ trên địa bàn thành phố để người dân có thể đến mua thực phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu hằng ngày.