Chương trình du lịch mang tên "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" được Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xây dựng từ cách đây hai năm đưa du khách đến với những địa điểm hoạt động của mạng lưới biệt động trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Chúng tôi đã được gặp chứng nhân lịch sử như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Yên Thảo nay đã tròn 90 tuổi, sinh sống tại phường 8, quận Phú Nhuận. Điều bà tâm đắc khi nói về hành trình đặc biệt này, đó là sự ấm lòng của thế hệ đi trước khi có một sản phẩm du lịch giúp cho thế hệ sau cảm nhận rõ hơn về thời kỳ lịch sử đặc biệt hào hùng của dân tộc thông qua việc giới thiệu tính độc đáo trong tổ chức, sinh hoạt của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Qua đó, du khách trong và ngoài nước không chỉ hiểu hơn về sự gan dạ và đầy mưu trí của các chiến sĩ năm nào hoạt động giữa lòng địch, mà còn thêm hiểu về tình yêu nước, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.
Điểm đầu tiên của hành trình mà hướng dẫn viên Huỳnh Anh Sơn đưa chúng tôi tới là quán "Cà-phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn" tại 113A Đặng Dung, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Sơn giới thiệu, trước đây căn nhà này là trạm giao liên và chủ nhân của ngôi nhà này là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai. Dưới vỏ bọc của một chủ thầu khoán tại Dinh Độc Lập, ông Lai đã dùng căn nhà này và nhiều địa điểm khác trong thành phố để vừa kinh doanh che mắt địch, vừa làm cơ sở cách mạng. Thoạt nhìn bức tường của quán cà-phê trông hết sức bình thường, nhưng cũng chính bức tường ấy được thiết kế đặc biệt, tạo nên căn hầm nổi cất giấu vũ khí, tài liệu quan trọng của các chiến sĩ biệt động. Cũng chính người con trai của ông Trần Văn Lai, là ông Trần Vũ Bình đã dành nhiều công sức, tâm huyết để theo đuổi quá trình phục dựng nhiều điểm căn cứ Biệt động Sài Gòn.
"Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" qua các con đường lịch sử với các điểm di tích nổi tiếng, chúng tôi di chuyển đến ngôi nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, nay đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây lưu giữ một công trình ngầm được thiết kế để chứa vũ khí. Phải mất khoảng gần ba năm trong giai đoạn từ 1965 đến 1968, hai vợ chồng ông Trần Văn Lai bí mật đào, gia cố chống sập để tạo nên ba căn hầm lớn chứa khoảng hai tấn vũ khí chuẩn bị phục vụ cho việc tiến công vào các cứ điểm quan trọng của đối phương. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều kỷ vật của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn xưa như chiếc xe Citroen cổ đặc biệt gắn với nhiều câu chuyện thú vị của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai…
Căn nhà mặt phố ở địa chỉ 145 Trần Quang Khải, quận 1, hiện không chỉ là nơi lưu giữ rất nhiều hình ảnh, hiện vật từ nhiều "trận đánh" của lực lượng biệt động Sài Gòn, mà đã là một bảo tàng công nghệ cất giữ, tái hiện các sự kiện mang giá trị lịch sử thể hiện bằng công nghệ trình chiếu 3D - Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Một điều thú vị ngay khi bước vào cửa tầng 1 là được trải nghiệm đi chiếc thang máy cổ có từ thời Pháp thuộc "có một không hai" để lên tham quan không gian trên tầng của ngôi nhà này. Để che mắt địch, nơi đây từng là cơ sở sản xuất rèm cửa, ghế nệm, sofa...
Điểm cuối của hành trình, chúng tôi di chuyển đến Dinh Độc Lập và cùng nhau thành kính thắp nén nhang trước Bia tưởng niệm những chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Nhiều người trong đoàn chia sẻ cảm xúc nghẹn ngào khi đã hiểu được giá trị xương máu của độc lập hôm nay từ những câu chuyện sống và chiến đấu của những chiến sĩ biệt động can trường ngày nào. Giám đốc Truyền thông Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist Đoàn Thanh Trà chia sẻ, Chương trình du lịch "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn" là sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo và ngày càng thu hút nhiều du khách Việt Nam và nước ngoài tham quan, trải nghiệm… Điều bất ngờ, trong số những người người tham gia tổ chức tour có những người là con cháu của các chiến sĩ năm xưa. Cuộc sống được tiếp nối thật ý nghĩa theo cách ấy!