Thêm địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT - Ngày 22-5, tại tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hậu Giang tiếp tục xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Tại các địa phương này, các ngành chức đăng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm tránh lây lan ra diện rộng.

Tỉnh Vĩnh Long họp khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, sáng 22-5. (Ảnh: BÁ DŨNG)
Tỉnh Vĩnh Long họp khẩn về phòng chống dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn, sáng 22-5. (Ảnh: BÁ DŨNG)

* Sáng 22-5, tại Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long, đồng chí Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Vĩnh Long là tỉnh thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, sau tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long, ngày 20-5, trên địa bàn phường 8, TP Vĩnh Long xuất hiện ở dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ ông Phạm Nhựt Cường (khóm 1, phường 8, TP Vĩnh Long) với tổng đàn heo bị nhiễm bệnh và tiêu hủy 22 con. Riêng trong tối qua (21-5) cũng đã phát hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi tại khóm 6, phường 5, TP Vĩnh Long kết quả dương tính, với tổng số heo nhiễm bệnh và tiêu hủy hơn 100 con. Như vậy, đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã xuất hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch phòng chống dịch tả lợn châu Phi tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn heo nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính dịch bệnh; thành lập các chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch; tiến hành tiêu đôc khử trùng môi trường chung quanh và vận động người dân thực hiện năm không trong công tác phòng chống dịch.

Đến chiều 22-5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Vĩnh Long đã hoàn tất công tác tiêu hủy hơn 100 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn của hai hộ dân ở phường 5, TP Vĩnh Long. Đồng thời, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh tích cực triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, tránh tình trạng lây lan sang các địa phương lân cận.

* Ngày 22-5, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn vừa tiêu hủy một đàn lợn hơn 50 con mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên.

Ông Đinh Thanh Hồng, ngụ khóm Hưng Thạnh, phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết, cách đây khoảng một tuần bỗng dung 23 con lợn đang nuôi nhốt trong chuồng bỗng lăn ra chết. Ông Hồng đã tiến hành chôn cất số lợn chết tại đất vườn nhà. Kế đến, hai con lợn nái cũng có biểu hiện bỏ ăn nên ông kêu thương lái bán. Đến ngày 19-5, 27 con lợn còn lại đều bỏ ăn nên ông Hồng báo cho cán bộ thú y.

Thêm địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Lực lượng thú y tiến hành tiêu hủy số lợn bị dịch bệnh ở An Giang. (Ảnh: BÙI QUỐC DŨNG)

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang đã tiến hành lấy mẫu bệnh gửi đến Chi cục Thú y vùng VII. Ngày 21-5, kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn lợn của hộ ông Hồng đã mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Số lợn bệnh đã được lực lượng chức năng tiêu hủy theo quy định.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang, nguyên nhân đàn lợn mắc bệnh có thể do hộ nuôi sử dụng nguồn thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt. Nguồn thức ăn thừa này được lấy từ các quán ăn ở phường Mỹ Thới và Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên.

Sáng cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh An Giang đã công bố dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn; đồng thời, lập chốt chặn hai đầu khu vực xuất hiện ổ dịch, khoanh vùng ổ dịch trong phạm vi 3 km để thực hiện các giải pháp theo dõi, giám sát, vệ sinh tiêu độc sát trùng toàn bộ vùng có nguy cơ…

* Ngày 22-5, lực lượng chức năng thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang tiến hành tiêu hủy (chôn lấp) hơn 1.200 con lợn bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại trang trại lợn của ông Phạm Thanh Tâm ở ấp Láng Sen A, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy. Như vậy, từ tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có sáu xã (thuộc huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Châu Thành và thị xã Ngã Bảy) phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi.

Thêm địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ảnh 2

Kiểm soát ra, vào vùng dịch. (Ảnh: PHÙNG DŨNG)

Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên động vật các thị xã đã chỉ đạo tập trung thực hiện tốt công tác vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột tại trại, khu vực chung quanh, huy động lực lượng để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết. Tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; đồng thời thiết lập các chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài.

Tăng cường hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở theo dõi đàn gia súc, gia cầm, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh...

* Phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở Tuyên Quang

Thêm địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ảnh 3

Trang trại lợn gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang huyện Chiêm Hóa (Ảnh: Hải Chung)

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Tuyên Quang chiều ngày 22-5, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa.

Trước đó, ngày 21-5, tại gia đình bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang huyện Chiêm Hóa có lợn ốm, chết với số lượng lớn (65 con, trong đó có 12 con lợn đã chết, 53 con ốm nặng).

Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, xác minh và lấy sáu mẫu bệnh phẩm gửi Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương để xét nghiệm. Kết quả cho thấy các mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Sở NN và PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn đang nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Thái, với tổng số 166 con; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ thôn Vĩnh Bảo và các thôn giáp danh; Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh, chủ động tự giác, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện nghiêm "5 không" trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, thịt lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tỉnh Tuyên Quang đã lập các chốt chặn, nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển ra, vào thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa ( trước đó tỉnh đã tổ chức phun thuốc phòng dịch các phương tiện vào tỉnh tại các điểm giao thông vào tỉnh); chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn kiểm tra, theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, nếu phát hiện có lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, tiến hành kiểm tra xác định nguyên nhân gây bệnh…

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 550 nghìn con lợn, vì vậy, người chăn nuôi, các đơn vị liên quan cần nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan ra diện rộng.