Tuy nhiên, trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, gần đây là sự ra đời của ChatGPT, không ít người lo lắng vai trò của người thầy sẽ dần mất đi. Vì vậy, ngành giáo dục cần sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để phát huy những tính năng, lợi thế cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của ChatGPT trong giáo dục.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, dạy học không đơn thuần là chỉ dạy kiến thức mà còn tìm ra năng lực cá thể của từng người học. Vì vậy, không phần mềm, ứng dụng nào có thể thay thế được người thầy. Nhìn ở góc độ tiến bộ của khoa học-công nghệ thì đây là xu thế tất yếu, chúng ta không nên quan ngại. Vấn đề là sử dụng như thế nào cho hiệu quả và hợp lý.
Cùng quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) Trần Thành Nam khẳng định: ChatGPT không thể thay thế được người thầy, đầu tiên là trong việc dạy người. Để dạy người cần phải sử dụng nhân cách của nhà giáo, những phẩm chất con người, trong khi đó, trí tuệ nhân tạo chưa đạt được điều này. Tuy nhiên, ChatGPT có thể giải phóng cho giáo viên trong các công việc phải lặp đi lặp lại như thủ tục, văn bản, đồng thời, tạo ra những cơ hội mà giáo viên và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp. Nếu dùng ChatGPT hợp lý có thể tạo ra những tài liệu cá nhân hóa theo từng sở thích, nhu cầu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), với sự xuất hiện của ChatGPT, lần đầu người dùng đại chúng tiếp cận được với trí tuệ nhân tạo. Đây là một bước tiến trong hành trình dài, tạo ra một trí tuệ nhân tạo hữu ích cho con người. Công nghệ hỗ trợ giúp chúng ta hiểu học sinh, sinh viên hơn, từ đó mang lại nhiều dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục. Vấn đề đặt ra là cần phải trang bị cho người dùng, nhất là học sinh, sinh viên cách thức sử dụng trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm.
Từ góc độ người làm giáo dục, đại diện Khoa Sư phạm, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sự ra đời của trí tuệ nhân tạo làm thay đổi cách dạy, cách học và cách kiểm tra, đánh giá, góp phần kích thích khả năng tự học, tự đánh giá, giám sát công việc. Giáo viên có thể sử dụng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để khai thác tài nguyên giáo dục, hỗ trợ trong việc lập kế hoạch giảng dạy, đề xuất các phương pháp giảng dạy mới, dịch tài liệu giáo dục…
Ở góc độ giáo dục phổ thông, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, Nguyễn Bảo Quốc chia sẻ: Các công cụ nói chung, trong đó có ChatGPT giúp giáo viên có thêm nhiều cơ hội tiếp cận, hỗ trợ học sinh trong học tập. Các trường học ở TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án tin học và ngoại ngữ, trong đó có nội dung nâng cao năng lực số.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) Lê Đức Thuận thì cho biết: Với những ích lợi ChatGPT mang lại thì việc tiếp cận phần mềm giúp cán bộ quản lý, giáo viên làm việc thêm tự tin hơn. Đồng thời, khai thác hiệu quả những tiện ích của công nghệ thông tin nói chung và ứng dụng ChatGPT nói riêng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã sớm tổ chức tập huấn, giáo viên, trang bị nội dung rất hữu ích trong việc khai thác ChatGPT để thực hiện công tác quản lý, công tác dạy và học.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, sự ra đời của những công nghệ mới đều giúp cho công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt trong ngành giáo dục, các thành tựu công nghệ thông tin đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục. Trong thời kỳ diễn ra đại dịch Covid-19, đã có sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu. Nhiều người lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Thế nhưng, tất cả những công nghệ ra đời đều đã hỗ trợ tốt cho nhiều ngành nghề, đặc biệt là tạo "cú huých" để ngành giáo dục có những bước tiến lớn. Những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản, toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu và tri thức ngày càng hướng tới người học nhiều hơn là người dạy. Người thầy sẽ phải thay đổi để đón đầu, phát huy những lợi thế của công nghệ. Về phía người học, cần điều chỉnh để tận dụng những lợi thế và giảm đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực, mặt trái do công nghệ mang lại.