Sự kiện này đánh dấu thất bại của làn sóng "Mùa xuân A-rập", cũng như tham vọng suốt thập niên vừa qua của Oa-sinh-tơn muốn mang "nền dân chủ" đến khu vực Trung Ðông.
Trong đoàn người biểu tình đòi lật đổ lãnh đạo Hồi giáo, vị tổng thống dân sự được bầu đầu tiên ở Ai Cập, có cả những tấm áp-phích lên án Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và chính quyền Oa-sinh-tơn vì đã ủng hộ lực lượng Anh em Hồi giáo cầm quyền. Khi ông Mo-xi nhậm chức tổng thống cuối tháng 6-2012, kỳ vọng lãnh đạo mới của Ai Cập đáp ứng tham vọng của mình, Nhà trắng đã có ngay động thái "ve vãn" khi tuyên bố vị tổng thống Hồi giáo đắc cử đánh dấu "buổi bình minh" của kỷ nguyên dân chủ hơn tại "đất nước kim tự tháp". Trước đó, để bày tỏ ủng hộ "cuộc cách mạng ngày 25-1-2011" lật đổ cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ khi đó là bà Hi-la-ri Clin-tơn đã ghé thăm quảng trường Ta-hơ-ria - "cái nôi của cuộc cách mạng", không lâu sau khi chế độ tồn tại hơn 30 năm của ông Mu-ba-rắc sụp đổ. Bà Hi-la-ri tiếp tục trở lại Cai-rô chỉ vài ngày sau khi ông Mo-xi đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên ở Ai Cập... Những động thái của Oa-sinh-tơn đã khiến đông đảo người dân Ai Cập phẫn nộ, bởi họ cho rằng, việc Mỹ ủng hộ lãnh đạo Hồi giáo đồng nghĩa việc bỏ mặc "lời hứa cải cách" trôi đi, khiến thành quả "cuộc cách mạng" của họ bị đánh cắp.
Ðáng tiếc, thành tích một năm cầm quyền của ông Mo-xi chẳng những không đáp ứng mong đợi của Oa-sinh-tơn, mà còn khiến Nhà trắng đứng ngồi không yên vì chính phủ do lực lượng Hồi giáo lãnh đạo không mấy mặn mà với các dự án của Mỹ, dù Oa-sinh-tơn vẫn duy trì khoản viện trợ quân sự và kinh tế tới 1,3 tỷ USD mỗi năm. Ðích đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mo-xi không phải Mỹ. Ai Cập mở rộng quan hệ đối ngoại, "gần gũi" hơn với I-ran, kẻ thù "không đội trời chung" của Mỹ, nhưng lại trì hoãn cải thiện quan hệ với I-xra-en, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực. Sự thất vọng lên đỉnh điểm khiến Tổng thống Ô-ba-ma tuyên bố trên truyền hình hồi tháng 9-2012 rằng, Oa-sinh-tơn không coi Cai-rô là đồng minh, cũng chẳng phải kẻ thù.
Ở trong nước, ông Ô-ba-ma hứng chịu những chỉ trích nặng nề từ các nghị sĩ. Viết trên tạp chí Chính sách đối ngoại, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa T.Cru-dơ nêu rõ, một trong những thất bại ngoại giao đáng chú ý nhất của Mỹ gần đây là Chính phủ Ô-ba-ma đã hành động với tư cách đối tác của một chính phủ Hồi giáo hà khắc, trở thành kẻ thù của phe đối lập thế tục ủng hộ dân chủ ở Ai Cập. Bằng chứng là ông Ô-ba-ma nhiều lần không đưa ra phản ứng mạnh mẽ với các động thái và chính sách gây tranh cãi, chỉ nhằm củng cố quyền lực của ông Mo-xi. Thái độ chần chừ, thậm chí nhân nhượng với đối tác nhận viện trợ đã khiến ông Ô-ba-ma chịu không ít búa rìu chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ.
Hệ lụy nặng nề của vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Niu Oóc đưa tới sự thay đổi sâu sắc trong chính sách đối ngoại của chính phủ tiền nhiệm ông Ô-ba-ma. Oa-sinh-tơn khi đó đã rút lại sự ủng hộ các chế độ độc tài tại các nước A-rập, với tham vọng thúc đẩy dân chủ nhằm làm giảm sự bất mãn của người dân A-rập và ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Và đó cũng là cái cớ để Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh tại I-rắc, làm tăng hận thù Mỹ trong cộng đồng Hồi giáo. Tránh "vết xe đổ" của người tiền nhiệm, Tổng thống Ô-ba-ma nhậm chức nhiệm kỳ đầu năm 2009 với cam kết chấm dứt chiến tranh I-rắc và cải thiện quan hệ giữa Mỹ với người Hồi giáo, thể hiện trong bài phát biểu đầy ấn tượng tại Ai Cập không lâu sau khi nhậm chức. Khi "Mùa xuân A-rập" bùng nổ năm 2011, chính quyền Ô-ba-ma bắt đầu công khai hậu thuẫn tiến trình dân chủ ở khu vực, qua việc ủng hộ "cách mạng hoa nhài" ở Tuy-ni-di, hối thúc cựu lãnh đạo Ai Cập Mu-ba-rắc từ bỏ quyền lực, hay hỗ trợ quân sự cho phe đối lập ở Li-bi... Song, những gì "Mùa xuân A-rập" đem lại đến nay chỉ là sự hỗn loạn bao trùm khu vực.
SỰ sụp đổ chính quyền Mo-xi, nhân vật Mỹ buộc lòng ủng hộ dù biết không thể trông đợi sự "toàn tâm toàn ý", đã đẩy Tổng thống Ô-ba-ma vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Một mặt, không thể công khai ủng hộ cuộc lật đổ mà Oa-sinh-tơn vẫn từ chối gọi là "đảo chính", mặt khác ông Ô-ba-ma cũng không thể tỏ rõ vui mừng vì sự ra đi của "đối tác khó chịu" và chờ đợi một chính phủ mới ở Ai Cập thân Mỹ hơn ra đời. Vì thế, ông Ô-ba-ma chỉ đưa ra những tuyên bố cầm chừng, tránh công khai ủng hộ phe nào đó có thể "đổ thêm dầu vào lửa", tạo cớ để dư luận cáo buộc Oa-sinh-tơn can thiệp cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Ðông. Chính sự dè dặt này đã phản ánh sự lúng túng, hay đúng hơn là thất bại của ông Ô-ba-ma trong tham vọng tạo ảnh hưởng và thúc đẩy dân chủ tại Ai Cập và cộng đồng A-rập. Có ý kiến chuyên gia nhận định, trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay ở Ai Cập, uy tín và ảnh hưởng của Mỹ như "lá cờ rũ", hình ảnh mô tả sinh động nhất sự thất bại trong chính sách Hồi giáo của Mỹ ở Trung Ðông.