Cùng dự có đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các điểm cầu trực tuyến các địa phương.
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Tình hình hiện nay vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Đồng thời, nhiều quốc gia đã có chiến lược chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch” để đưa ra cái giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, tránh lỡ nhịp và giảm cạnh tranh, thu hút đầu tư trong phát triển kinh tế.
Ở Việt Nam, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ đời sống nhân dân gặp khó khăn… Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường. Mặc dù bối cảnh khó khăn như vậy, nhưng trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp cuộc chiến chống dịch bệnh ở nước ta đã bước đầu đạt được kết quả tích cực để thực hiện mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và duy trì sản suất nhằm bảo đảm đời sống nhân dân và an sinh xã hội. Trong phạm vi, quyền hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và bảo đảm an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt một số kết quả tích cực.
Bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đặc biệt là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa. Đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm. Thủ tướng cũng rất chia sẻ với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ đặc biệt là hàng không, du lịch...
Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Chính vì vậy, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay. Chúng ta sẽ chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện.
Trước khi vào Hội nghị, Thủ tướng đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp có mặt trong hội nghị ngày hôm nay và các doanh nghiệp trên toàn quốc mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng “chung tay, góp sức” hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch Covid 19. Các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống “thương người như thể thương thân”, tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam.
Ngay sau khi Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, được thành lập, đến nay số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây “ATM gạo”, “ATM oxy” để hỗ trợ đồng bào.
“Tôi rất cảm động và cảm nhận sâu sắc, các doanh nhân đã hỗ trợ nhân dân bằng cả tấm lòng và trái tim, đã viết nên nét đẹp văn hóa doanh nhân Việt Nam. Và tôi mong tinh thần ấy, nhiệt huyết ấy sẽ được các anh chị em doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy trong thời gian tới, để góp phần chiến thắng đại dịch Covid-19”- Thủ tướng chia sẻ.
Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân. Đồng thời, cần giữ vững và phục hồi hoạt động xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.
“Chúng ta cũng cần dự báo tình hình khi thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine và kiểm soát được dịch bệnh thì kịch bản chính sách, hoạt động kinh doanh trong thời gian tới sẽ ra sao để tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư và tránh lỡ nhịp so với các nước. Hôm nay chúng ta tập trung 8 từ ‘Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả”- Thủ tướng khẳng định.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người dân; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội; phấn đấu để đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất, chậm nhất là quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022. Trong đó, cần coi trọng biện pháp chống lây nhiễm. Do đó, phải thống nhất chặt chẽ, giám sát thực hiện nghiêm túc; ý thức của người dân phải được nâng cao.
Đây là thời điểm khó khăn tác động mọi mặt đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng. Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Quốc hội ủng hộ Chính phủ; Chính phủ cũng chủ động ban hành các Nghị định, Nghị quyết, các chính sách và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp...
Thủ tướng khẳng định, mỗi người dân khỏe mạnh, doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp, mục tiêu đã đề ra. Ưu tiên ngăn chặn dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Chỗ nào an toàn mới sản xuất.
Về chiến lược vaccine, chúng ta phải nhập khẩu nhiều vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Dù hiện nay vaccine đang khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà ngồi yên, phải tiếp cận bằng mọi kênh.
Về việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan “xắn tay” vào việc. Chúng ta đã xác định phải có vaccine để chống dịch. Tuy nhiên việc sản xuất phải thận trọng và bảo đảm đúng quy trình khoa học và chuyên môn.
Thủ tướng nhấn mạnh chiến dịch tiêm vaccine đã giao Bộ Y tế, khẳng định là tiêm miễn phí, khuyến khích và hoan nghênh các doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung. Cách tiêm vaccine cũng phải thay đổi, nhất là đối tượng tiêm và địa bàn tiêm, điều chỉnh phù hợp.
Về biện pháp tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, hài hòa cân đối vĩ mô, hợp lý, phù hợp điều kiện hoàn cảnh . Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nhất quán tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, phản ánh khó khăn, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời.
Bộ Y tế khẩn trương tiêm vaccine kịp thời; điều chỉnh quy trình phòng, chống dịch, để các doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế áp dụng để sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; bảo đảm cân đối lớn; dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hoá trong nước và quốc tế; mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán; không được đẻ ra các “giấy phép con”.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.
Bộ Công thương làm tốt công tác kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất, nguyên liệu, tiêu thụ.
Ngân hàng Nhà nước bảo đảm chính sách tiền tệ. Các địa phương đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt. Các hiệp hội doanh nghiệp phát huy, chia sẻ với doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp nâng cao chiến lược doanh nghiệp, quản trị nâng cao sức chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài...
Chính phủ và chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, tri ân mọi nghĩa cử, hành động đẹp chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI cùng đất nước vượt qua khó khăn. Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, trung tâm để phục vụ.