Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 37 thành viên. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng là Trưởng Ban Chỉ đạo. Các đồng chí: Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và đồng chí Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh là Phó Ban Chỉ đạo; trong đó đồng chí Lê Thành Đô được giao làm Phó Ban Thường trực.
Các thành viên còn lại gồm 33 đồng chí, trong đó: 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và Bí thư 3 huyện, thành phố (Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Mường Ảng) cùng đại diện nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư thực hiện dự án là Ủy viên Ban Chỉ đạo. Sở Giao thông vận tải được giao làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện, giải quyết các vướng mắc hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách về triển khai thực hiện Dự án; nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Ban Chỉ đạo do đồng chí Trưởng ban phân công.
Trước đó, ngày 23/6/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Công văn số 538/TTg-CN đồng ý giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 (thành phố Điện Biên Phủ-Nút giao Km15+800/QL279) theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022-2030.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan có liên quan triển khai đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, giai đoạn 1 của Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến từ thành phố Điện Biên Phủ đi nút giao Km15+800 địa phận xã Búng Lao, huyện Mường Ảng với tổng chiều dài khoảng 50km; quy mô 4 làn xe phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe (2 làn xe ô-tô + 2 làn dừng khẩn cấp) phù hợp quy định về phân kỳ đường ô-tô cao tốc, trong đó trên tuyến dự kiến có 1 vị trí xây dựng hầm xuyên núi.
Theo tính toán, tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.684 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 4.800 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư 733 tỷ đồng; phần vốn huy động khác khoảng 4.151 tỷ đồng, dự kiến huy động từ nhiều nguồn thông qua hợp đồng hợp tác BCC, tín dụng...
Tỉnh Điện Biên nằm ở cực Tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Việc sớm được đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu quốc tế Tây Trang sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh, đặc biệt là tháo “nút thắt” về giao thông để Điện Biên nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh phía bắc Lào, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).