Tham dự hội nghị, các cán bộ, đảng viên được nghe Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa quán triệt nội dung cơ bản, những điểm mới tại Nghị quyết số 27, nhất là 8 đặc trưng cơ bản, cùng 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nội dung nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; 5 quan điểm, nội dung, 7 chỉ tiêu chính, 25 chỉ tiêu cụ thể, 10 nhiệm vụ giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết số 29.
Hội nghị đã thảo luận, thông qua chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, thượng tôn Hiến pháp, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các cấp ủy tiếp tục quán triệt Nghị quyết số 28 đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phù hợp với đặc điểm, tình hình của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Thanh Hóa tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức, hành động quyết liệt,xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh: Lọc, hóa dầu, luyện kim (thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới…); cơ khí chế tạo (sản xuất máy nông nghiệp, ô-tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế…); hóa chất; công nghiệp năng lượng; vật liệu mới; công nghệ số; phát triển công nghiệp bền vững, nâng cao năng lực ngành xây dựng.
Tỉnh tập trung đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.