Nâng cao chất lượng du lịch Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến hết năm 2014, Thanh Hóa đã hoàn chỉnh 11 quy hoạch chung, 17 quy hoạch chi tiết về các khu, điểm du lịch, có sự gắn kết giữa ngành, vùng lãnh thổ. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm đối tác và các nguồn vốn đầu tư kết cấu vật chất hạ tầng -kỹ thuật du lịch. Theo đó, có 66 dự án đăng ký đầu tư kinh doanh khu, điểm du lịch với tổng số vốn 23.280 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện được hơn 1.000 tỷ đồng. Riêng dự án xây dựng sân gôn và khu nghỉ dưỡng cao cấp của Công ty FLC có tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa một số hạng mục công trình vào khai thác trong năm nay. Thanh Hóa đã bố trí nguồn vốn tập trung cho các công trình văn hóa, di tích, danh thắng trọng điểm như Thành nhà Hồ, di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền Bà Triệu, suối cá Cẩm Lương..., đặc biệt là khai thác thế mạnh du lịch biển.
Niên vụ vừa qua khách du lịch ghi nhận chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước, sự thay đổi về hành vi, thái độ ứng xử, phong cách phục vụ, kinh doanh ở đô thị biển Sầm Sơn.
Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 02 của Đảng bộ thị xã, chất lượng du lịch ở Sầm Sơn cải thiện rõ rệt. Cán bộ, nhân dân tham gia hoạt động du lịch ý thức rõ, sâu hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình trong gây dựng thương hiệu du lịch biển xứ Thanh. Trên chiều dài 102 km bờ biển của tỉnh Thanh Hóa còn định hình khu du lịch Hải Hòa (Tĩnh Gia), mới có thêm khu du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), dần hình thành khu du lịch nam Sầm Sơn, Tiên Trang (Quảng Xương), góp phần đánh thức tiềm năng vùng bãi ngang, hướng ra biển làm giàu. Năm năm trở lại đây, hơn 200 di tích được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia và xã hội hóa. Tỉnh chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, kinh doanh du lịch cho các tập thể, cá nhân tham gia hoạt động du lịch nên trong số 16 nghìn lao động ngành du lịch thì 72% lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Toàn tỉnh hiện có 672 cơ sở lưu trú, 14 nghìn phòng, trong đó 85 khách sạn một đến bốn sao. Du lịch phát triển mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng cao. Nếu như năm 2001 Thanh Hóa đón 482.387 lượt khách, đạt doanh thu 101,5 tỷ đồng, thì hết năm 2014 Thanh Hóa phục vụ 4,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu 2.500 tỷ đồng, đóng góp 4,3% GDP của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Năm 2014 Thanh Hóa đạt tốc độ tăng trưởng 11,4%, gấp đôi bình quân cả nước; hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra, trong đó có chín chỉ tiêu vượt kế hoạch. Phát triển du lịch là một trong những chương trình công tác trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới và Thanh Hóa phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng hai chữ số, GDP bình quân đầu người đạt 3.600 USD vào năm 2020.
Liên kết để phát triển bền vững Tuy đã đạt được những kết quả nổi bật, nhưng việc thu hút các nguồn lực để thực hiện và phát huy hiệu quả các dự án, quy hoạch trên chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Tính liên kết giữa các khu, điểm du lịch còn hạn chế và hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ rõ nét. Thắt chặt liên kết cùng phát triển là hướng đi kiên định, bền vững để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước khẳng định Thanh Hóa là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước. Nằm ở cửa ngõ ra phương bắc, xuống phương nam, tiếp giáp với Ninh Bình, Nghệ An, du lịch Thanh Hóa đã sẵn có sự tương tác, kết nối. Năm nay, Thanh Hóa đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2015 với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", khẳng định định hướng chính trị và phương châm hành động của đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Dự kiến có 12 sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, 12 sự kiện do tỉnh Thanh Hóa tổ chức, 20 sự kiện hưởng ứng tại 15 tỉnh, thành phố có di sản thế giới diễn ra trong thời gian tới. Cao điểm là lễ khai mạc cùng các hoạt động, sự kiện trong tuần khai mạc Năm du lịch quốc gia diễn ra vào thượng tuần tháng tư tại Thanh Hóa, gắn với kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn. Một vùng di sản xứ Thanh sẽ được đặt trong bức tranh tổng thể sản phẩm du lịch đa dạng ở Việt Nam, điểm đến an toàn, thân thiện. Không gian văn hóa xứ Thanh, di sản thế giới Thành nhà Hồ được đặt trong mối quan hệ tương tác, gắn kết với các di sản thiên nhiên thế giới: Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; với các di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long; với di sản thế giới hỗn hợp là Quần thể danh thắng Tràng An bằng nhiều hoạt động vinh danh, quảng bá giá trị di sản. Thổi hồn vào di sản là các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, giao lưu, kết nối vùng, trong đó có di sản phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu nhân loại Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh...
Quan điểm của Thanh Hóa là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa sản phẩm du lịch đi đôi với cải thiện chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có. Tỉnh tập trung khai thác hiệu quả thị trường trong nước, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế - công vụ; chú trọng đầu tư khai thác giá trị văn hóa các dân tộc vùng thượng du Thanh Hóa; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong nước, nước ngoài đầu tư phát triển du lịch. Thanh Hóa tăng cường liên kết nội tỉnh với các địa phương trong cả nước nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, gắn bảo tồn với phát huy giá trị di sản, văn hóa các dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Phạm Duy Phương, trước mắt tỉnh ưu tiên mọi nguồn lực tổ chức thành công sự kiện Năm du lịch quốc gia 2015, tiến tới ban hành cơ chế đặc thù đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật lớn, chính sách bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng cổ, các giá trị văn hóa phi vật thể, phát triển thêm sản phẩm du lịch mới; tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương, các ngành, lĩnh vực, liên kết với các tỉnh, thành phố nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, cùng thành công trong phát triển ngành công nghiệp không ống khói.
Thanh Hóa có tới 1.535 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó có 145 di tích quốc gia. Nổi bật là Thành nhà Hồ, công trình kiến trúc đá kỳ vĩ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Gắn liền với quần thể di tích, danh thắng là 160 lễ hội truyền thống, 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, cùng kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú.