Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh

Tháng 3-1929, tại nhà 5D Hàm Long, Hà Nội, Chi bộ Ðảng Cộng sản đầu tiên của Việt Nam được thành lập, là dấu ấn quan trọng của phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 3-2-1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Từ đây, thực hiện nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ðảng bộ Hà Nội, nhiều phong trào cách mạng chống khủng bố của quân thù, hưởng ứng phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh được triển khai khắp nội, ngoại thành. Sau Ðại hội lần thứ nhất của Ðảng (3-1935) và Ðại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (7-1935), với việc Thành ủy Hà Nội chính thức được thành lập (3-1937), phong trào cách mạng ở Hà Nội phát triển mạnh  mẽ, với nhiều hình thức phong phú, như đấu tranh công khai, báo chí, nghị trường, bãi công của công nhân, mít-tinh chào mừng Ngày Quốc tế Lao động 1-5... Hà Nội trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, tự do và dân chủ.

Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra (1-9-1939). Dưới ách thống trị của thực dân Pháp và sau đó là Pháp - Nhật (10-1940), Hà Nội lâm vào tình trạng "khủng hoảng thiếu", cuộc sống của các tầng lớp nhân dân ngột ngạt, sa sút. Trước tình hình đó, dưới ánh sáng các nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, 7, 8, dựa vào các chi bộ ở các nhà máy xe lửa Gia Lâm, nhà máy Stai, Avia, Ga Hà Nội, ngành in, ngành thủy tinh, ngành giặt, ngành mộc..., Ðảng bộ Hà Nội đã có những  phương thức hoạt động mới như xây dựng một vùng "an toàn" ở hai bên bờ sông Hồng, đặt cơ quan chỉ đạo tại nhiều vùng quanh nội thành để lãnh đạo chống khủng bố, khôi phục và phát triển cơ sở đảng và quần chúng, nhanh chóng xây dựng lực lượng cách mạng, chuẩn bị tích cực mọi mặt đón thời cơ khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội, phong trào bãi công của công nhân nội thành, phong trào đấu tranh của nông dân ngoại thành đã thu được nhiều thắng lợi. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thực hiện Chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương, phong trào cách mạng ở Hà Nội chuyển biến mạnh. Phong trào đấu tranh của công nhân sôi nổi và mang tính chất của cuộc tập dượt, biểu dương lực lượng chính trị. Cùng với phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân ngoại thành, Hà Nội ra đời những lực lượng tuyên truyền vũ trang đầu tiên. Từ tháng 4-1945 trở đi, các đoàn thể công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc ở Hà Nội đều thành lập các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu và tuyên truyền xung phong với nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong thành phố. Ðó là những hoạt động diễn thuyết của Ðoàn thanh niên xung phong Hoàng Diệu, phong trào trừ gian của Ðội danh dự trừ gian, phong trào phá kho thóc Nhật...

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát-xít Nhật. Ngày 14-8, sau khi gần một triệu lính Nhật của đạo quân Quan Ðông xin hạ vũ khí, Nhật hoàng chính thức tuyên bố đầu hàng Ðồng minh. Trước thời cơ đó, tuy chưa nhận được chủ trương của Trung ương vì Hội nghị toàn quốc của Ðảng và Quốc dân đại hội đang họp ở Tân Trào, theo chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc xúc tiến khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách, Thành ủy Hà Nội đã triệu tập Hội nghị cán bộ quân sự bất thường tại chùa Hà để bàn công tác quân sự chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội. Ngày 16-8, Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã được quán triệt trong hội nghị cán bộ Hà Nội mở rộng. Không khí khởi nghĩa ở Hà Nội lan rộng và dâng cao. Chiều 17-8, tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố - nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, có cuộc mít-tinh do Tổng hội viên chức tổ chức nhằm hô hào nhân dân ủng hộ chính quyền bù nhìn. Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội, với kế hoạch "tương kế tựu kế", đã nhanh chóng phá vỡ cuộc mít-tinh này, chiếm diễn đàn để tuyên truyền cách mạng. Ðây là những giây phút đầu tiên của cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Sáng 19-8-1945, từ các cửa ô Cầu Giấy, Chợ Dừa, Cầu Dền, Ðống Mác, Yên Phụ, các vùng ngoại thành Bưởi, Nghĩa Ðô, Hà Ðông, Thanh Trì, Thường Tín, Ðan Phượng, Hoài Ðức, từ bên kia sông Hồng, đồng bào nườm nượp hướng về Nhà hát Lớn, sau mít-tinh là biểu tình vũ trang đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở cảnh sát trung ương, trại Bảo an binh, kho bạc, Sở mật thám... Ngày 2-9, Hà Nội vinh dự được chọn làm địa điểm để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân cả nước và là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mùa thu rực nắng, từ Ba Ðình lịch sử, tiếng nói Bác Hồ và lời thề độc lập của toàn dân Việt Nam  vang dội non sông và truyền đi khắp năm châu.

2. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội đứng trước tình hình vô cùng phức tạp. Các đế quốc xâm lược đều muốn tìm cách nắm lấy Hà Nội - một vị trí chiến lược hàng đầu cực kỳ quan trọng - nhằm xóa bỏ thành quả Cách mạng Tháng Tám. Hà Nội trở thành trung tâm đầu não cách mạng của cả nước, gắn chặt với vận mệnh sống còn của dân tộc.

Ðược sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Ðảng và Bác Hồ, tuy phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, phức tạp, Ðảng bộ Hà Nội đã nhanh chóng củng cố và phát huy sức mạnh của chính quyền nhân dân, các tổ chức cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo thực hiện các cuộc vận động lớn như diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; tổ chức Tuần lễ văn hóa cứu quốc ủng hộ đồng bào Nam Bộ, tổ chức Ngày kháng chiến Nam Bộ. Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội đã hoàn thành nhiệm vụ to lớn, nặng nề, vừa đấu tranh bảo vệ chính quyền trung ương, củng cố chính quyền địa phương, vừa tranh thủ tăng cường lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế.

Trong vòng một năm trước khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, Hà Nội có vinh dự là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng. Nhân dân Hà Nội cùng cả nước tham dự cuộc Tổng tuyển cử, bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa ta và Pháp tại Hà Nội ngày 6-3-1946, đặt cơ sở chính thức cho việc đàm phán hai bên. Hà Nội là nơi ra đời bản Chỉ thị "hòa để tiến" ngày 9-3-1946 của Trung ương Ðảng ta.

Khi tình hình ngày càng căng thẳng do thực dân Pháp công khai phá hoại Tạm ước 14-9, ngang nhiên cướp bóc, bắn giết nhân dân, Ðảng bộ Hà Nội sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất là thực dân Pháp gây chiến tranh. Ðược Trung ương Ðảng và Bác Hồ chỉ đạo trực tiếp, nhân dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần "vì danh dự Tổ quốc và quyền lợi của dân tộc, chúng ta quyết không chịu lùi bước". Ðúng 20 giờ ngày 19-12-1946, công nhân nhà máy điện phá máy. Ðèn điện trong thành phố vụt tắt. Ðó là mệnh lệnh chiến đấu. Cả thành phố nổ súng. Các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh, Ðào Xuyên nã đại bác vào các trại lính Pháp trong thành. Cả Hà Nội anh dũng vùng lên chiến đấu, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ðón nhận Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả Hà Nội bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Những tấm gương chiến đấu anh dũng của Chính trị viên Ðại đội Lê Gia Ðỉnh,  Trung đội trưởng Trần Thành, các tự vệ công nhân Bưu điện Bờ Hồ... có ở khắp Hà Nội. Sáng 14-1-1947, tại rạp Tố Như (phố Hàng Bạc, nay là rạp Chuông Vàng), các chiến sĩ quyết tử, đeo khăn quàng đỏ, tượng trưng cho tinh thần quyết chiến thắng và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do, tuyên thệ: "Chúng ta thề sống chết với Thủ đô Hà Nội... Giặc Pháp muốn chiếm Thủ đô, nhưng chúng ta còn thì Thủ đô không bao giờ mất". Các lực lượng vũ trang Hà Nội đã viết nên bản anh hùng ca xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ đối với các chiến sĩ Thủ đô: "Các em là đội cảm tử, các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại". Ðảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo quân và dân Thủ đô chiến đấu cực kỳ dũng cảm, giam chân địch 60 ngày đêm trong thành phố, tiêu hao một bộ phận lớn sinh lực địch, đánh bại âm mưu "đánh nhanh, thắng nhanh" của thực dân Pháp, cổ vũ nhân dân cả nước vững tin vào đường lối kháng chiến đúng đắn của Ðảng và khơi dậy sức mạnh của cả dân tộc đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do.

Trước tình hình giặc Pháp siết chặt vòng vây vô cùng nguy hiểm, được Bác Hồ và Bộ Tổng chỉ huy đồng ý, lực lượng chiến đấu rút khỏi Hà Nội "về hậu phương xây dựng lực lượng lớn mạnh hơn nữa để kháng chiến lâu dài". Hà Nội bước vào thời kỳ mới của cuộc kháng chiến với tinh thần "toàn dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài". Từ năm 1946 trở đi, Hà Nội không chỉ là nơi tập trung lính Pháp bảo vệ thành phố, mà còn là nơi tập trung các đơn vị quân đội Pháp cho cả chiến trường Ðông Dương. Nhận thức rõ vị trí của Hà Nội đối với cuộc kháng chiến cả nước, Hà Nội quyết tâm đẩy mạnh phong trào cách mạng theo hướng tăng cường chiến tranh du kích, phá phòng tuyến địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, làm chủ ngoại thành ban đêm, tiến lên làm chủ ban ngày, tăng cường hoạt động quân sự ở nội thành làm áp lực xây dựng cơ sở.

Từ năm 1949, tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, ta càng đánh càng mạnh. Hà Nội tích cực củng cố cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị, sẵn sàng phối hợp với cả nước chuyển sang phản công chiến lược. Do cả ta và Pháp đều nhận thức rõ tầm quan trọng của Hà Nội, nên cũng từ đây, cuộc đấu tranh ở Hà Nội ngày càng trở nên quyết liệt và vô cùng khó khăn, phức tạp. Nhân dân Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ Hà Nội đã làm thất bại cuộc "chiến tranh tổng lực" và chính sách "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt" của thực dân Pháp.

Khi Trung ương quyết định phải đập tan kế hoạch Na-va, tập trung lực lượng bao vây Ðiện Biên Phủ, Hà Nội kịp thời đẩy mạnh đấu tranh kết hợp các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự đưa phong trào tiến lên kịp phối hợp với chiến trường chính nhằm đánh địch ngay ở nơi hậu cứ an toàn nhất của chúng. Những kế hoạch đánh phá lớn bằng hành động quân sự, đấu tranh chống bắt lính, đốt phá kho dù, đánh sân bay của quân dân Hà Nội đã gây khó khăn lớn cho Pháp trong việc tiếp tế cho Ðiện Biên Phủ. Ðó là những thành tích góp phần làm nên một Ðiện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Ngày 20-7-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Ðông Dương kết thúc thắng lợi. Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội bước vào cuộc đấu tranh mới, đòi nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ và khẩn trương chuẩn bị mọi mặt tiếp quản thành phố. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn do Hà Nội nằm trong khu vực tập kết của quân đội Pháp 80 ngày và Pháp lợi dụng thời gian đó để phá hoại ta về mọi mặt, nhưng Ðảng bộ Hà Nội đã dựa vào dân, gắn bó với dân, giữ vững được cơ sở quần chúng trong vùng bị địch tạm chiếm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.

15 giờ ngày 10-10-1954, hàng vạn nhân dân Hà Nội dự lễ chào cờ chiến thắng. Cờ đỏ Sao vàng, hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, tượng trưng cho độc lập, chủ quyền của dân tộc, tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Trong ngày hội lớn Giải phóng Thủ đô, nhân dân Hà Nội vui mừng đón nhận lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh "làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

3. Hà Nội - một trang sử mới bắt đầu với cuộc mít-tinh của hàng vạn nhân dân Thủ đô tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Ðảng và Chính phủ về lại Thủ đô. Hà Nội bắt tay vào ổn định tình hình, khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa. Hơn ba năm sau giải phóng, Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, tạo ra những chuyển biến căn bản. Các ngành kinh tế được phục hồi bước đầu, có phát triển. Hà Nội từ thành phố tiêu dùng dần trở thành thành phố sản xuất. Hệ thống chính trị phát triển, phát huy vai trò to lớn, tạo điều kiện thuận lợi đưa Hà Nội bước vào thời kỳ mới, thời kỳ cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ðến năm 1960, Hà Nội căn bản hoàn thành công cuộc cải tạo XHCN, bước đầu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội làm cơ sở để bước vào thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều phát triển, đạt được những thành tựu đáng kể. Hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được củng cố. Hướng về miền nam ruột thịt, thể hiện tình cảm sâu nặng, Hà Nội đã dấy lên nhiều phong trào cách mạng tích cực như "mỗi người làm việc bằng hai vì miền nam ruột thịt", "ngày thứ bảy đẩy mạnh đấu tranh thống nhất Tổ quốc". Ngày 9-8-1964, thanh niên Thủ đô phát động phong trào "Ba sẵn sàng", với sự tham gia của 260 nghìn đoàn viên thanh niên, mở đầu phong trào thanh niên miền bắc lên đường vào nam chiến đấu, giết giặc lập công.

Ðầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, Hà Nội cùng cả nước chuyển sang thời kỳ mới, vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hà Nội chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, vừa sơ tán nhà máy, kho tàng, thực hiện công tác phòng không nhân dân, vừa thay đổi phương thức phục vụ của ngành thương nghiệp, bệnh viện, trường học. Công tác xây dựng lực lượng chiến đấu, tổ chức đánh địch cũng được tiến hành khẩn trương. Ngày 19-5-1965, Sư đoàn phòng không 361 làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội được thành lập. Hưởng ứng lời kêu gọi của  Chủ tịch Hồ Chí Minh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!" ngày 17-7-1966, quân dân Hà Nội nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ðến tháng 12-1967, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền bắc. Năm 1967 đã có 191 máy bay Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn rơi. Ðến khi Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt hoàn toàn không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, quân dân Hà Nội đã bắn rơi 258 chiếc máy bay, trong tổng số 3.243 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền bắc. Hà Nội không những chiến đấu giỏi, mà còn sản xuất khá, bảo đảm cầu đường thông suốt. Hòa chung khí thế của miền bắc, Hà Nội tiếp tục dấy lên những phong trào thi đua lớn như: "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Ba quyết tâm". Công nhân "chắc tay búa, vững tay súng", xã viên hợp tác xã "chắc tay cày, vững tay súng"... Khi đế quốc Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai đối với Hà Nội, quân dân Hà Nội đề cao cảnh giác, nhanh chóng chuyển sang thời chiến, tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay của đế quốc Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 8-1972, Hà Nội đã bắn rơi 63 máy bay Mỹ. Là trung tâm của hậu phương lớn, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, nhân dân Hà Nội làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền nam.

Từ ngày 18-12-1972, đế quốc Mỹ lại huy động một lực lượng lớn máy bay B.52 mở chiến dịch tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá liên tục 12 ngày đêm vào nhiều nơi ở nội thành và ngoại thành Hà Nội. Ðế quốc Mỹ hy vọng bằng sức mạnh "không lực Hoa Kỳ" sẽ đánh đòn quyết định vào ý chí chiến đấu của quân và dân Thủ đô, buộc nhân dân ta phải khuất phục và nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pa-ri. Nhưng đế quốc Mỹ đã tính toán nhầm. Quân và dân Thủ đô đã chủ động, bình tĩnh, vững vàng bước vào cuộc quyết chiến chiến lược. Sau 12 ngày đêm, quân và dân Thủ đô đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, cùng với quân dân miền bắc làm nên trận "Ðiện Biên Phủ trên không" vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ. Trong 12 ngày đêm, quân, dân Hà Nội đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 máy bay B.52 và hai chiếc F.111. Ðây là chiến công xuất sắc nhất trong lịch sử chiến tranh nhân dân của ta chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền bắc. Chiến thắng đó là một trong những đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần đánh sập uy thế không lực Hoa Kỳ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri rút quân đội viễn chinh về nước, chấm dứt 115 năm chiếm đóng của quân đội thực dân đế quốc trên đất nước ta.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, sản xuất và chi viện tiền tuyến, quân, dân Thủ đô đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bốn lần gửi thư khen và tặng cờ thưởng; được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên dương công trạng "Hà Nội lập công to xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của cả nước"; được Nhà nước tặng thưởng một Huân chương Sao Vàng, một Huân chương Ðộc lập hạng nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; bạn bè quốc tế khâm phục. Hà Nội tự hào là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người".

Từ năm 1973, cùng với việc khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất, phát triển văn hóa, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất của CNXH, ổn định kinh tế và đời sống nhân dân, Hà Nội đáp ứng ngày càng cao cho sự nghiệp giải phóng miền nam. Lớp lớp thanh niên Thủ đô tiếp tục lên đường giải phóng miền nam. Từ năm 1965 đến 1975, Hà Nội đã động viên tuyển quân 29 đợt, với gần 100 nghìn người bổ sung cho các đơn vị bộ đội thường trực chiến đấu bảo vệ Thủ đô và chi viện cho các chiến trường.

Ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 15-5-1975, lễ mừng chiến thắng được tổ chức trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 700 nghìn nhân dân Thủ đô. Trong ngập tràn niềm vui với bài ca Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, nhân dân Hà Nội tự hào đã cùng nhân dân cả nước thực hiện trọn vẹn điều mong muốn của Bác Hồ, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, non sông quy về một mối. Nhân dân Hà Nội bước vào thời kỳ cùng nhân dân cả nước xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

4. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi hội tụ nhân tài, đỉnh cao trí tuệ của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến - anh hùng. Kể từ khi bắt đầu thời đại Hồ Chí Minh đến nay, một quãng thời gian không dài so với lịch sử 1000 năm, Hà Nội đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, với những dấu ấn lịch sử ghi lại những bước tiến mạnh mẽ nhất, đạt tới những tầm cao mới. Chiến thắng của Hà Nội, những bước tiến nhanh của Thủ đô đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại mở đường cho những bước tiến kỳ diệu của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Thăng Long - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

PGS, TS BÙI ÐÌNH PHONG
 
(Học viện Chính trị - Hành chính  Quốc gia Hồ Chí Minh)