"Thần y", "lương y", thuốc giả gây bức xúc xã hội

NDO -

Ai sở hữu điện thoại thông minh chắc hẳn đã nghe hay thấy những câu: “Ba đời nhà tôi chữa bệnh…, ai bị đau xương khớp gọi ngay cho tôi số điện thoại…, tôi cam kết chữa khỏi 100%...”… Những cụm từ này, những âm thanh này đang là một thực trạng lừa đảo thương mại trên các trang mạng xã hội, các kênh thông tin truyền thông, các ứng dụng xem video, giải trí.

Quảng cáo xuất hiện đánh trúng tâm lý bệnh nhân.
Quảng cáo xuất hiện đánh trúng tâm lý bệnh nhân.

Được gắn mác là những quảng cáo về dược phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc… Với những “thần y” tự phong, những loại thuốc tự chế mà không có bằng cấp hay đơn vị y tế, dược phẩm nào chứng nhận.

Mang những nội dung quảng cáo gây sốc, như "Tin bão khẩn cấp", sau đó giới thiệu nội dung chữa bệnh. Đa phần trên các quảng cáo xuất hiện thì người trong video, clip mang danh "thần y" có thể chữa bách bệnh như yếu sinh lý, hiếm muộn, vô sinh, xương khớp, suy thận, tiểu đường, dạ dày, hô hấp... Nội dung quảng cáo cam kết chữa khỏi, không khỏi sẽ trả lại tiền…

Thế nhưng trên thực tế, không ít người sau khi sử dụng các sản phẩm thuốc của các “thần y” online như vậy đã phải nhập viện trong tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn vì tin vào lời quảng cáo. Bởi những quảng cáo này đánh trúng tâm lý sốt ruột của người bệnh, một phần không muốn chấp nhận việc chữa chạy lâu dài, hoặc đi tới bệnh viện khám chữa. Còn những loại thuốc quảng cáo như thế này giá thành rẻ hơn chi phí khám chữa, lại kèm theo lời lẽ thuyết phục khiến không ít người “mua thử”.

“Có bệnh thì vái tứ phương” là câu nói của người Việt Nam mỗi khi gặp bệnh hiểm nghèo, khó chữa khỏi. Chính vì vậy, không ít người đã bị lợi dụng, bị hấp dẫn bởi các quảng cáo chữa bệnh như thế này. Đại đa số những người này cũng có một phần đáng trách khi chủ quan với mạng sống của chính mình hoặc người thân bị bệnh, thay vì việc đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế có đầy đủ chứng nhận thì họ lại đánh cược mạng sống với những bài thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ bằng niềm tin vào các “thần y”.

Tình trạng quảng cáo này gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, có vẻ như hình thức lừa đảo thương mại dưới cái mác “chữa bệnh” vẫn được nhiều người tin tưởng bởi những dòng cam kết “không khỏi bệnh hoàn lại tiền”. Số điện thoại của các “thần y” tràn lan trên mạng xã hội, nhưng có những phản ánh, sau khi mua thuốc về sử dụng, bệnh không khỏi, còn nặng thêm thì không tài nào liên lạc được với các “thần y” nữa.

Khi tìm tới địa chỉ được cung cấp ở làng này, xã nọ thì đều là các địa chỉ giả, không có “thần y” nào ở đó. Khi quảng cáo, tư vấn mua thuốc thì rất nhiệt tình, niềm nở với khách hàng, nhưng khi sản phẩm đã được bán ra thì các “thần y” cũng hết trách nhiệm với khách, dù người bệnh sử dụng xong có ra sao, có biến chứng hay không khỏi bệnh thì cũng không ai “bắt đền” được.

Chưa kể, những loại thuốc này nguồn gốc ở đâu, điều chế ra sao, sử dụng nguyên liệu gì, có sạch hay không,… Đây là điều chưa có quảng cáo nào nhắc tới. Cái họ đưa ra chỉ là những cam kết chữa bệnh bằng miệng, những khuyến mãi, ưu đãi kèm theo khi mua thuốc của họ, mà không hề quan tâm tới sức khỏe người dùng.

Em Nguyễn Như Mai, sinh viên năm cuối của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội, khi đi tìm việc làm thêm (parttime) đã vô tình tìm được việc bán những loại thuốc, thực phẩm chức năng này ở một trang web cho những người cần tìm việc làm.

Khi được hỏi, Mai cho biết: “Em tìm được việc trên mạng, sau khi tới phỏng vấn công việc cũng đơn giản là telesale (bán hàng qua điện thoại), nhà tuyển dụng nhận em đi làm luôn. Có thể tới văn phòng công ty ngồi, nhưng em thấy đó là một căn nhà riêng, phòng làm việc chỉ gọi là một phòng có trang bị bàn ghế đơn giản, bọn em phải tự mang laptop tới để làm, hoặc chỉ cần ngồi máy tính ở nhà hoặc dùng điện thoại có kết nối mạng để trả lời khách hàng hỏi mua và chốt đơn gửi về công ty. Thu nhập được hứa hẹn dao động từ 8-10 triệu đồng, nếu làm tốt, bán được nhiều hàng thì cao hơn.

Em có tới làm thử vài ngày, thấy bên họ bỏ mặc sự sống chết của khách hàng khi khách yêu cầu bồi thường vì sử dụng thuốc xong bệnh còn nặng hơn. Họ thậm chí không nghe điện thoại của khách đã mua hàng dù cho khách gọi đi gọi lại nhiều lần. Họ chỉ quan tâm tới “lừa” được bao nhiêu khách, thu được bao nhiêu tiền… Chính vì thế, em không tiếp tục làm nữa bởi như vậy là tiếp tay cho họ lừa người bệnh”.

Nạn “thần y” giả, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang làm xã hội, dư luận vô cùng phẫn nộ. Dẫu biết những người tỉnh táo, được tiếp xúc những nguồn tin chính thống sẽ không bao giờ tin vào những quảng cáo bán thuốc online từ những trang mạng xã hội, những kênh “truyền thông bẩn” không thể kiểm chứng như thế này. Nhưng số người tin tưởng mua và sử dụng thuốc từ “thần y” giả cũng không phải ít.

Thiết nghĩ, các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quyết liệt, rà soát các trang mạng xã hội, các ứng dụng giải trí, kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ các quảng cáo lừa đảo như trên để người dân được tiếp cận những thông tin sạch.