Để đến Bát Tràng, khách có thể lựa chọn phương tiện vận tải đường bộ hoặc đường thủy. Đường sá thuận tiện, phần lớn khách sử dụng xe ô-tô cá nhân, xe máy hoặc gọi ta-xi, hay lên xe buýt rồi đi bộ vào làng. Theo truyền khẩu từ nhiều thế hệ, sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, thợ thủ công của các làng gốm Vĩnh Linh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát từ Thanh Hóa, Ninh Bình đã đến Bạch Thổ Phường mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho triều đình phong kiến. Quá trình di cư từ quê cũ đến quê mới diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhiều nhất vào đời nhà Trần, đời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, hình thành nên làng gốm sứ Bát Tràng. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, dân làng vẫn giữ được lửa nghề truyền thống bền bỉ cho tới nay.
Đồ gốm Bát Tràng hầu hết được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện tài năng của người thợ miệt mài sáng tạo. Để làm ra được sản phẩm gốm sứ tinh xảo phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, điêu luyện, từ khâu lựa chọn, lắng, lọc nguyên liệu tốt cho đến việc chế tác, phơi sấy, vẽ hoa văn, nung đốt. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước, cho nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc, lớp men ngả mầu ngà, đục. Bên cạnh đó, còn có các dòng men ngọc lấp lánh, men nâu trầm mặc và men rạn độc đáo. Sản phẩm gốm Bát Tràng phong phú, đa dạng, gồm đồ gia dụng, đồ trang trí, đồ thờ cúng... Riêng sản phẩm gốm sứ cổ Bát Tràng được các nhà sưu tầm hiện đại săn lùng, nhất là các món đồ còn lưu dấu tích họ, tên của những gia chủ khá giả thời xưa. Theo biến đổi của thời gian, người dân làng nghề giờ đã biết ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ một số công đoạn trong quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, để mặt hàng gốm sứ Bát Tràng ngày càng hoàn mỹ, có cơ hội vươn xa.
Dòng sông Bắc Hưng Hải làm thủy lợi tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng rộng lớn chảy qua đây cũng tạo thêm khung cảnh nên thơ cho làng gốm. Du khách đến đây thỏa sức dạo chơi, mua sắm, dâng hương lễ đình, chụp ảnh lưu niệm. Cửa hàng, cửa hiệu san sát dọc đường, bày biện đồ gốm sứ đủ chủng loại, kích cỡ. Khung cảnh nhộn nhịp nhất diễn ra ở khu chợ trung tâm sầm uất với các quầy hàng ken kín. Khách mua sắm xong thường thong dong đi tới thắp hương, chiêm ngưỡng ngôi đình thâm nghiêm nằm sát mép sông. Một trải nghiệm khó quên đối với người lớn, trẻ em là tự tay tham gia làm gốm sứ trên bàn xoay, mải miết nặn đất, tô vẽ cả buổi không chán. Sau khi rong chơi mệt nhoài, khách tìm tới quán ăn thưởng thức món phở, bún, miến, bánh tẻ, bánh sắn, nước mía, trái cây. Đáng nhớ nhất là món canh măng mực hiếm thấy với sợi măng, mực khô ngâm mềm, xé nhỏ ninh nhừ trong nước thịt, xương đậm vị. Món xôi đỗ mỡ gà bùi ngậy cũng rất thơm ngon. Để tránh mất thời gian, du khách đi theo nhóm có thể đặt tua để các cơ sở dịch vụ làng gốm hướng dẫn, chăm sóc tận tình trong suốt hành trình khám phá thú vị…