Thái Nguyên xử lý nghiêm sai phạm tại cảng Đa Phúc

Đa Phúc là cảng bến thủy nội địa, trong đó có 12 bến trên sông Công thuộc phường Thuận Thành, thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên), trung chuyển, lưu thông hàng hóa bằng đường thủy duy nhất của tỉnh Thái Nguyên kết nối với các cảng ở Hải Phòng và Quảng Ninh. Thời gian qua các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra, nghiêm khắc xử lý sai phạm ở cảng Đa Phúc. Qua đó, chấn chỉnh hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng này.
0:00 / 0:00
0:00
Bến thủy nội địa Thắng Lá ở cảng Đa Phúc bị tạm dừng hoạt động vì bốc dỡ hàng hóa không được phép.
Bến thủy nội địa Thắng Lá ở cảng Đa Phúc bị tạm dừng hoạt động vì bốc dỡ hàng hóa không được phép.

Mặc dù chỉ được bốc xếp hàng hóa thông thường, nhưng ngày 14/5 vừa qua, bến thủy nội địa Thắng Lá (thuộc Công ty TNHH Thắng Lá) nằm trong cảng Đa Phúc lại tổ chức bốc xếp khoảng 4.000 tấn lưu huỳnh, là loại hàng hóa độc hại, có ảnh hưởng đến môi trường từ tàu thủy lên ô-tô để chở đi. Mặt khác, quá trình bốc xếp, vận chuyển lưu huỳnh làm rơi vãi ra khu vực lòng sông và bến bãi.

Tuy nhiên, khi hoạt động bốc xếp lưu huỳnh của Công ty TNHH Thắng Lá diễn ra, cơ quan chức năng lại chưa kịp thời phát hiện, cho thấy công tác quản lý nhà nước tại đây vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Khi cơ quan chức năng làm việc, kiểm tra, chỉ ra sai phạm, ngày 18/5, Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên ban hành Thông báo số 1351/SGTVT tạm dừng hoạt động đối với bến thủy nội địa Thắng Lá. Ngày 20/5, Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên phạt chủ bến Thắng Lá 8 triệu đồng, vì đã tổ chức đưa phương tiện thủy nội địa vào bến, thực hiện bốc xếp lưu huỳnh khi không được cấp phép.

Trước đó, Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên đình chỉ hoạt động 3 bến thủy nội địa, gồm: Bến Chiến Công (do bà Phạm Thị Lá làm chủ); bến Ông Tâm (do ông Trần Công Tâm làm chủ) và bến Dung Quang 2 (do bà Nguyễn Thị Dung làm chủ), vì 2 bến chưa được cấp phép hoạt động và 1 bến hết hạn hoạt động.

Thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm sai phạm (nếu có); đồng thời hướng dẫn, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa tại cảng đường thủy duy nhất của tỉnh để thúc đẩy lưu thông hàng hóa.