Đứng trên cầu Đa Phúc - cây cầu bắc qua sông Công nối Hà Nội với Thái Nguyên, chúng tôi thấy tình trạng xếp, bốc dỡ hàng hóa diễn ra khá tấp nập, hằng ngày có nhiều tàu, thuyền trọng tải 50-70 tấn vào, ra vận chuyển hàng hóa.
Dọc hai bên bờ, bến bốc xếp, dỡ hàng hóa được mở dày đặc. Tuy nhiên, bến được cơ quan chức năng cấp phép mở thì ít, mà bến được mở tự phát, không có cơ quan nào cấp phép, tức là “bến lậu” thì nhiều. Trưởng đại diện Cảng vụ Thái Nguyên Nguyễn Huỳnh Lý, người được giao đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý cảng Đa Phúc ở phía Hà Nội và Thái Nguyên, cho biết: Khu vực cảng Đa Phúc có đến vài chục bến, nhưng chỉ có 12 bến được cấp phép hoạt động, còn lại là bến mở trái phép, số này chủ yếu bên địa phận xã Trung Dã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hầu hết các bến mở trái phép đều nằm trên địa phận xã Trung Dã. Người dân có đất sát dòng sông, một số gia đình, anh em trong gia đình liên kết lại xây kè bê-tông ra phía lòng sông để mở bến làm thu hẹp dòng chảy, lắp đặt thiết bị, đón tàu vào “ăn hàng”, bốc dỡ hàng hóa và thu phí.
Ngay tại chân cầu Đa Phúc phía địa phận tỉnh Thái Nguyên, có một gia đình mở bến trái phép với quy mô lớn vi phạm hành lang an toàn cầu. Do mở bến trái phép, việc đầu tư hạ tầng không được phép nên lượng cát rất lớn tràn xuống lòng sông, gây bồi lấp lòng sông.
Mở bến trái phép bên địa phận tỉnh Thái Nguyên xâm phạm hành lang an toàn cầu Đa Phúc.
Những năm gần đây, tình trạng bồi lấp dòng sông, thu hẹp dòng chảy làm cho tàu, thuyền có trọng tải 80-90 tấn trở lên không thể vào được cảng Đa Phúc. Những tàu, thuyền đã vào được cảng thì có nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy nên Đội cảnh sát giao thông đường thủy (Công an tỉnh Thái Nguyên) thường xuyên phải cử cán bộ tuần tra, hướng dẫn giao thông trên đoạn sông này.
Hiện có nhiều cơ quan cùng quản lý 19 km đoạn từ ngã ba sông Cầu - sông Công đến cảng Đa Phúc, như Cảng vụ Thái Nguyên, Chi cục đường thủy nội địa, cảnh sát giao thông, Sở Giao thông vận tải, thanh tra giao thông, chính quyền hai địa phương... nhưng nhiều năm qua không thể giải tỏa được tình trạng mở bến trái phép tại khu vực cảng Đa Phúc. Mỗi năm, liên ngành các cơ quan trên kiểm tra được hai, ba lần, mỗi lần kiểm tra là lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, tình trạng phạt và tồn tại lặp đi, lặp lại đã nhiều năm nay.
Bến bãi trái phép bên địa phận TP Hà Nội (bên phải) thu hẹp lòng sông.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều gia đình mở bến trái phép tại khu vực cảng Đa Phúc đều có “sổ đỏ” quyền sử dụng đất. Trưởng đại diện Cảng vụ Thái Nguyên Nguyễn Huỳnh Lý chia sẻ: Việc giải tỏa bến trái phép cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên liên ngành, chính quyền hai địa phương, một trong những giải pháp quan trọng là Nhà nước cần bồi thường, thu hồi đất của các hộ này. Sau đó, quản lý cho được diện tích này.
Được biết, người đứng sau nhiều chủ bến trái phép là nhân vật “có thế lực”, nếu không xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật thì rất khó giải tỏa bến trái phép để lập lại trật tự tại khu vực cảng Đa Phúc.