Thái Nguyên, điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn

Nằm trong Vùng Thủ đô Hà Nội, với sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, là trung tâm về y tế và đào tạo nguồn nhân lực, Thái Nguyên đã, đang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Đến nay, tổng vốn đầu tư của Tổ hợp Samsung vào Thái Nguyên là 7,27 tỷ USD.
Đến nay, tổng vốn đầu tư của Tổ hợp Samsung vào Thái Nguyên là 7,27 tỷ USD.

Trong những năm tới, để tạo xung lực mới phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh chủ trương tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư mạnh hơn nữa.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, song thời gian qua Thái Nguyên vẫn thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn. 

Kết quả là kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh đạt gần 30 tỷ USD, nằm trong tốp các địa phương xuất khẩu mạnh nhất cả nước, thu ngân sách đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; cơ cấu kinh tế, lao động chuyển dịch tích cực, đô thị hóa phát triển nhanh, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm còn 2,16%.

Tiếp tục kêu gọi nguồn vốn đầu tư lớn

Ngày 16/2, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Công ty SEMV) tăng vốn thêm 920 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình (tỉnh Thái Nguyên) để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất, nâng công suất sản xuất bảng mạch điện tử kết nối mật độ cao lên 73 nghìn m2/tháng; 10 nghìn sản phẩm module camera/tháng; 16 nghìn sản phẩm thấu kính/tháng và gần 15 nghìn sản phẩm cụm thấu kính và OIS/tháng... 

Với số vốn tăng thêm,  tổng số vốn đầu tư của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam  được nâng lên 2,27 tỷ USD, tổng cộng Tổ hợp Samsung đầu tư tại Thái Nguyên là 7,27 tỷ USD. 

Lý giải nguyên nhân tăng vốn đầu tư rất lớn vào Thái Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam Kim Sang Nam phấn khởi chia sẻ: “Thái Nguyên có hệ thống giao thông rất thuận lợi, gần sân bay quốc tế, gần cảng biển, có nguồn nhân lực dồi dào, các thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai được thực hiện nhanh.

 Việc tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chúng tôi sớm hơn hai ngày so với kỳ vọng, cùng với sự hỗ trợ kịp thời các thủ tục khác đã giúp công ty rút ngắn kế hoạch đầu tư mở rộng dự án, đưa nhà máy vào vận hành sớm nhất”.

Thái Nguyên, điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn -0
Khu công nghiệp Sông Công II đang được tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hạ tầng để giao đất cho các nhà đầu tư. 

Công ty Dongwha Enterprise Co (Hàn Quốc) đầu tư hơn 160 triệu USD xây dựng Nhà máy MDF Dongwha Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Công II và đưa hoạt động từ cuối tháng 9/2021, mỗi năm sản xuất 300 nghìn m3 gỗ MDF và 37 triệu m2 sàn gỗ công nghiệp. Công ty đang có chủ trương tăng vốn đầu tư thêm 336 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Thái Nguyên. 

Theo đại diện Khu công nghiệp Sông Công II, Nhà máy MDF Dongwha Việt Nam tại Thái Nguyên có ý nghĩa lan tỏa rất lớn, không những nộp ngân sách cho tỉnh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, mà còn thu mua gỗ rừng trồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động làm nghề rừng trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. 

Tương tự, Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam thuộc Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đầu tư hơn 70 triệu USD xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp module camera tại Thái Nguyên, đi vào hoạt động từ tháng 9/2021, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động. Dự kiến, tới đây Tập đoàn Sunny cũng sẽ đầu tư thêm 260 triệu USD để triển khai xây dựng nhà máy thứ hai tại Thái Nguyên.

Không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, mà các doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư, mở rộng sản xuất, tạo hàng nghìn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG (Thái Nguyên) cho biết: “Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng năm 2021, chúng tôi đầu tư gần 500 tỷ đồng (dự kiến năm 2022 đầu tư bảy dự án, tổng số vốn là gần 1.500 tỷ đồng) xây dựng mới, mở rộng quy mô sản xuất bốn nhà máy may với công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động và bán tự động ở mức cao nhất của ngành công nghiệp may mặc. Qua đó, tạo việc làm mới cho hơn ba nghìn lao động, đưa số công nhân của TNG lên 16 nghìn người”. 

Để có được kết quả trên, tỉnh Thái Nguyên đã, đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả, an toàn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm ăn... 

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: Hơn hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh vẫn thu hút gần 50 dự án FDI, đặc biệt đầu năm 2022 thu hút số vốn rất lớn từ Samsung, nâng tổng số vốn FDI đầu tư trên địa bàn lên đến hàng chục tỷ USD. Nguồn vốn này thật sự là động lực để tỉnh phát triển kinh tế-xã hội. 

“Thời gian qua tỉnh đã có nhiều nỗ lực trên các lĩnh vực, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, cụ thể là năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên xếp thứ 11 (tăng 1 bậc); chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 12 tỉnh (tăng 2 bậc), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) đạt 87,6%; đặc biệt là chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 3 (tăng 36 bậc)”, ông Nguyễn Linh nhấn mạnh.

Tạo dư địa phát triển bền vững

Với nỗ lực thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tổng vốn đầu tư xã hội năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, trong đó Phổ Yên là trọng điểm, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh sớm hơn bốn năm so với kế hoạch đề ra. 

Trên quy mô toàn tỉnh, kết quả thu hút đầu tư không chỉ đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt gần 30 tỷ USD, mà còn là động lực để Thái Nguyên chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đến nay khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 58,72%; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 30,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm còn 10,76%. 

Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn FDI, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, Thái Nguyên xác định phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực tiềm năng; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư. 

Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực, nhà đầu tư đến với tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các nhóm ngành tỉnh có tiềm năng, lợi thế...

Theo đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, trong thời gian tới, tỉnh chủ trương tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp tại các thành phố và huyện phía nam tỉnh nhằm tiếp tục tạo dư địa thu hút đầu tư, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đến năm 2030 Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại Vùng Thủ đô Hà Nội và miền núi phía bắc. 

Để hiện thực chủ trương trên, nhiều giải pháp được đề ra, từ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đến cơ cấu lại các ngành kinh tế trong tỉnh, lựa chọn chuyển đổi số, thu hút đầu tư... 

Với sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, đến nay Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội kết nối cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên qua các địa phương phía nam tỉnh với vốn đầu tư gần một nghìn tỷ đồng; chuẩn bị xây dựng đoạn tuyến nối vành đai 5 với quốc lộ 37; cơ bản hoàn thành đầu tư mở rộng, nâng cấp đường ĐT266 nối huyện Phú Bình với thành phố Phổ Yên và Sông Công đi qua các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo thuận lợi cho đi lại, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. 

Đường ĐT261 cũng vừa được đầu tư nâng cấp, tạo thế phát triển vùng sườn đông Tam Đảo. Tỉnh chuẩn bị đưa vào sử dụng đường Bắc Sơn kéo dài, nối thành phố Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên với khu du lịch hồ Núi Cốc... Ngoài ra, hàng loạt tuyến đường có chiều rộng 20, 30 m ở thành phố Thái Nguyên, Sông Công và Phổ Yên đã được đưa vào sử dụng. 

Tới đây, tỉnh sẽ khởi công tuyến đường kết nối các tỉnh Bắc Giang-Thái Nguyên - Vĩnh Phúc, đoạn trên địa bàn Thái Nguyên dài 42,5 km, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, mới đây tỉnh cũng vừa phê duyệt hơn 10 dự án hạ tầng giao thông với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Với các tuyến đường mới được mở ra, các khu, cụm công nghiệp được xây dựng đã và sẽ tạo ra quỹ đất hai bên đường rất lớn, để tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư... 

Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, Thái Nguyên đang, sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút, kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đầu tư vào tỉnh, tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế-xã hội  địa phương và khu vực.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến nay, toàn tỉnh có 170 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đã đăng ký hơn 9,67 tỷ USD và hơn 800 dự án đầu tư ngoài ngân sách sử dụng vốn đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 143 nghìn tỷ đồng. Riêng hai tháng đầu năm, Thái Nguyên đứng thứ hai cả nước trong thu hút FDI, với 924 triệu USD, chiếm gần 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước.

Năm 2021, tỉnh Thái Nguyên thành lập bảy cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với số vốn đầu tư gần 3.200 tỷ đồng; chuẩn bị xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phú Bình rộng gần một nghìn ha; Khu Công nghệ thông tin Yên Bình, Khu nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng Khu công nghiệp Sông Công II...