Thái Nguyên đầu tư phát triển giáo dục

Xác định giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích học sinh vươn lên trong học tập, thu hút trẻ mầm non ở vùng khó khăn đến trường; chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trường học, lớp học đạt chuẩn để nâng cao chất lượng giáo dục.
0:00 / 0:00
0:00
Trường phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên đầu tư trang thiết bị cho học sinh học ngoại ngữ, tin học.
Trường phổ thông dân tộc nội trú Thái Nguyên đầu tư trang thiết bị cho học sinh học ngoại ngữ, tin học.

Gần đây, nắm bắt xu thế phát triển, tỉnh chủ động ban hành kế hoạch, huy động các nguồn lực để đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn, AI phục vụ giai đoạn phát triển mới.

Nhiều chính sách đặc thù

Thái Nguyên có khoảng 40 vạn người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 30% số dân toàn tỉnh, chủ yếu cư trú ở các huyện miền núi phía bắc, nơi điều kiện kinh tế-xã hội chậm phát triển so với các huyện, thành phố phía nam có công nghiệp, dịch vụ, đô thị, hạ tầng phát triển. Cùng với chính sách đầu tư phát triển các huyện miền núi, từ nhiều năm qua, tỉnh quan tâm phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở các huyện và tỉnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn, duy trì quy mô hằng năm có 8% tổng số học sinh dân tộc thiểu số được học trong các trường nội trú.

Đáng chú ý, bên cạnh chính sách chung của Nhà nước, mỗi học sinh các trường dân tộc nội trú được tỉnh hỗ trợ tiền ăn bằng 20% hệ số lương cơ sở/tháng. Em Đặng Thị Phương Thảo, dân tộc Dao, nhà ở xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, học sinh lớp 10A1, Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Gia đình em rất khó khăn, học trường nội trú được Nhà nước và tỉnh quan tâm nuôi dạy, hằng tháng ăn uống, sinh hoạt không hết số tiền được hỗ trợ cho nên gia đình không phải chu cấp gì”. Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn quốc gia từ năm 2013, nhiều năm liền có 100% số học sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông, 90% số học sinh thi đỗ các trường đại học, trong đó chủ yếu là các trường tốp đầu, thật sự là nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh.

Cùng với việc hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông trong nhiều năm qua, từ năm học 2024-2025, tỉnh Thái Nguyên miễn toàn bộ học phí cho học sinh mầm non trong hệ thống giáo dục công lập; hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; học sinh vùng CT229; học sinh Trường trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên có hộ khẩu ngoài thành phố được hỗ trợ bằng 0,3 mức lương cơ sở, ở ký túc xá miễn phí để khuyến khích các em phát huy năng lực.

Khuyến khích học tiếng Anh, tỉnh hỗ trợ từ 50% đến 100% lệ phí thi theo từng trình độ đối với học sinh thi đỗ chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế. Những năm vừa qua, tỉnh ban hành chính sách thuê, khoán hàng nghìn giáo viên nhằm khắc phục tình trạng thiếu biên chế theo định mức giáo dục. Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết: “Xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đào tạo nguồn nhân lực là đột phá chiến lược, chúng tôi đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, mỗi năm ngân sách tỉnh Thái Nguyên đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phát triển kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài”.

Đầu tư cơ sở vật chất

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư nâng cấp, xây mới trường, lớp học vừa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và quy mô học sinh tăng lên.

Cách đây không lâu, con em đồng bào dân tộc Tày, H’Mông, Dao ở các bản Mông, Khắc Kiệm và Bản Lá, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai học tại Phân trường Khắc Kiệm là căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, thiếu lớp học cho nên chính quyền địa phương ngăn đôi nhà văn hóa của bản để làm hai lớp học, mùa hè nóng bức, mưa dột đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Chung tay, góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo sự nghiệp giáo dục, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long tài trợ gần 20 tỷ đồng xây dựng Trường mầm non và tiểu học Xuyên Sơn, mua sắm trang thiết bị đạt chuẩn, đưa vào sử dụng từ năm học 2023-2024. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa Lê Văn Thanh, là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn chật vật, được doanh nghiệp tài trợ xây dựng trường đạt chuẩn giúp con em địa phương có nơi học tập tốt, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục ở địa phương.

Giảm tải cho trường trung học phổ thông, giúp học sinh không phải đi lại xa, tăng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10, tỉnh đầu tư gần 200 tỷ đồng xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ và thành lập thêm hai trường trung học phổ thông ở hai huyện Phú Lương và Đại Từ đưa vào sử dụng từ năm học 2023-2024. Việc thành lập Trường trung học phổ thông Tức Tranh không chỉ giúp khắc phục tình trạng quá tải cho Trường trung học phổ thông Phú Lương mà còn giúp học sinh các xã phía đông như Yên Lạc, Phú Đô, Tức Tranh, Vô Tranh… không phải đến trung tâm huyện hoặc xuống thành phố học, mỗi ngày đi-về hơn 20 km vất vả, đi sớm mới kịp giờ và phải đối mặt nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Đức Thịnh cho biết: “Việc đầu tư xây dựng và thành lập mới hai trường trung học phổ thông là nỗ lực của tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo Thái Nguyên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, học sinh đi lại thuận lợi, tăng tỷ lệ vào lớp 10, giảm tải cho các trường trung học phổ thông ở những nơi đông dân cư. Đến nay, hệ thống trường, lớp trên địa bàn tỉnh được xây dựng kiên cố, 89% số trường học đạt chuẩn quốc gia”.

Ngày 15/11/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND về đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, AI trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Huy Dũng, Thái Nguyên chủ động phối hợp Đại học Thái Nguyên và các cơ sở đào tạo trên địa bàn đến năm 2030 đào tạo khoảng 4.500 người có trình độ sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp về công nghiệp bán dẫn, AI.