Thái Lan muốn tham gia Hiệp định CPTPP

NDO -

Ngày 20-5, tại Diễn đàn quốc tế “Tương lai châu Á” do Nikkei tổ chức, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố, Thái Lan sẵn sàng tham gia các nỗ lực đẩy mạnh sự hợp tác trong khu vực và trên toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19; đồng thời mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Theo tờ Bưu điện Bangkok, tham gia diễn đàn qua truyền hình trực tiếp từ Tòa nhà chính phủ, ông Prayut đã có bài phát biểu với tiêu đề “Định hình Kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á trong sự phục hồi toàn cầu”. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Thái Lan cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến một số quốc gia khắc phục những điểm yếu của mình để khôi phục vị thế, tái xuất từ đại dịch với sức mạnh càng nhanh càng tốt. Các quốc gia đang hợp tác với nhau nhằm tìm kiếm những khả năng mới và sự hợp tác đa phương là chìa khóa cho việc biến khủng hoảng thành cơ hội và đẩy mạnh năng lực tự phục hồi của khu vực.

Ông Prayut khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng châu Á sẽ có thể đóng vai trò lãnh đạo trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu với sự phát triển mạnh mẽ, linh hoạt và ổn định hơn”. Ông cũng đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Thái Lan và Nhật Bản và khẳng định từ lâu Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan. Ông Prayut cam kết sẽ cải thiện môi trường kinh doanh đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Thủ tướng Prayut, Thái Lan sẵn sàng hành động theo khuyến nghị của các công ty Nhật Bản ở Thái Lan. Những khuyến nghị này bao gồm việc tiếp tục các chính sách kinh tế và đầu tư (Hành lang kinh tế phía đông); phát triển các dự án cơ sở hạ tầng như các hệ thống đường sắt. Ngoài ra, còn một số dự án khác như dự án đường sắt cao tốc nối các sân bay Don Mueang, Suvarnabhumi và U-Tapao, nâng cấp kỹ năng của các kỹ sư và chuyên gia trong ngành công nghiệp quan trọng, cải thiện các quy định, đặc biệt là các thủ tục hải quan và thuế thu nhập doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại mở, tự do và công bằng.

Ông Prayut tiết lộ, Thái Lan đang mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiện chính phủ nước này đang cân nhắc các bước đi cần thiết. Theo ông, sự hợp tác đa phương thông qua các khuôn khổ khu vực và quốc tế như ASEAN, CPTPP và các hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi toàn diện.

Ông nói thêm rằng, Thái Lan sẽ làm chủ nhà Hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình dương diễn ra vào năm tới và sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán về kế hoạch Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương. Thái Lan hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ nhằm đạt được sự tăng tưởng mạnh mẽ, cân bằng, ổn định và toàn diện về dài hạn. Đồng thời, Thái Lan cũng sẽ mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư với Nhật Bản, ngoài các quan hệ trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - Thái Lan và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản.

Thủ tướng Thái Lan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở cửa biên giới an toàn bằng cách bảo đảm việc tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 một cách bình đẳng.