Tết của những ngày xưa thương mến !

NDO - Người xưa có câu: "Trẻ nhớ nhà, già nhớ làng". Cứ đến dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, tôi thường hay nhớ về làng mình của những ngày xưa thương mến.
Gói bánh tét chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.    
Gói bánh tét chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.    

Làng tôi nằm bên bờ sông Diêm (Thái Bình), con sông ngắn nhưng rất rộng, mặt nước êm đềm, mang mang một miền châu thổ. Cư dân sống bên dòng sông hầu như chỉ có một nghề duy nhất là làm ruộng nên nói như các nhà khoa học xã hội là mang đậm nền văn minh lúa nước.

Ngày mổ lợn vui như hội

Từ thuở xa xưa, người làng tôi thường chuẩn bị Tết từ rất sớm. Ngay từ khi bắt đầu gặt những mảnh ruộng đầu tiên, cái không khí Tết đã thấp thoáng trong những câu chuyện của các bà, các mẹ. Ðấy cũng là lúc người làng tôi chọn những đám lúa chín sớm nhất, trĩu hạt nhất gặt về phơi thật se dưới cái nắng hanh đầu mùa rồi cho vào chum sành, ủ bên trên bằng một lớp dày lá chuối hột khô chờ Tết đến để đem ra xay giã.

Ðến độ nửa cuối tháng Chạp, làng đã thật sự bước vào không khí Tết. Ðã thấy đó đây tiếng pháo nổ, tiếng lợn kêu eng éc và bầy gà vịt chí chóe. Mùi hương trầm theo gió thoảng khắp làng. Trước đây, người làng tôi không có thói quen mua thịt như bây giờ. Cứ ba, bốn gia đình chung nhau một con lợn khoảng 40 - 50 kg. Bữa mổ lợn như là ngày hội. Từ sáng sớm, đã thấy tiếng mài dao, tiếng gọi nhau đun nước, chẻ lạt. Lũ trẻ chúng tôi tranh nhau lau lá chuối để gói giò và canh chừng ngọn lửa trong cái bếp có ba ông đồ rau nặn bằng đất sét đặt ở ngoài trời. Củi đun bếp thường là gốc tre đã ngâm từ vài ba năm trước, vớt lên phơi khô từ dạo mùa hè, tiếp đến những ngày hanh khô nên cháy rất đượm và thơm mùi lửa.

Bữa cơm tất niên

Người làng tôi rất coi trọng bữa cơm tất niên. Ðó là bữa cơm chia tay năm cũ, chào đón năm mới và chờ đợi những đứa con đi làm ăn xa, lưu lạc các phương trời trở về căn nhà của mẹ, nơi có hương hồn ông bà, tiên tổ. Vì rất được coi trọng nên mọi sự sơ suất đều là thất thố lớn. Những cô gái làng khác về làng tôi làm dâu, một trong những điều đầu tiên được các bà mẹ chồng truyền bảo là cách sắp bữa cơm tất niên ngày Tết.

Nhà tôi cũng vậy. Từ nhỏ, tôi rất thích được ngắm mẹ khi ngồi thổi cơm Tết. Trong cái rét căm căm của châu thổ sông Hồng, khuôn mặt mẹ thường ngày tím tái vì thiếu đói và bươn chải nuôi con giờ hồng rực lên như thời con gái. Về thức ăn, mẹ tôi càng chuẩn bị kỹ hơn. Nhất là với con gà để cúng đêm trừ tịch. Ðó phải là chú gà trống chớm tuổi trưởng thành. Nó không còn là gà nhiếp nhưng cũng chưa đến tuổi te tái đuổi theo ả gà mái tơ nhà hàng xóm. Ðối với đám bắp cải, su hào thì bao giờ cũng là những cây tốt nhất, củ to nhất trong vườn được mẹ để dành lại.

Bữa cơm tất niên được đưa lên khấn vái xong, chờ cho những nén hương tắt hẳn để thay một chầu hương mới, mẹ tôi trịnh trọng bê mâm xuống, mời bố tôi khi đó đang mài mực để lát nữa khai bút đầu xuân rồi đánh thức những đứa con còn ngủ rốn dậy và cả nhà quây quần bên mâm cơm. Trong đêm giao hòa của trời đất, cái khí trời se se lạnh xứ bắc níu giữ mùi hương trầm bảng lảng như không muốn bay đi... Những món ăn nóng hổi được chắt từ giọt mồ hôi tần tảo của mẹ tôi từ nhiều tháng trước càng khiến bữa cơm thiêng liêng một cách kỳ diệu...

Cái giá của "nền văn minh no đủ"

Từ khi đổi mới, làng tôi gần như thay đổi hẳn. Nhất là ngày Tết, người ta không còn phải chú tâm nhiều lắm vào việc mổ lợn, mổ gà hay mua sắm dành dụm cho ngày này nữa. Bây giờ ở làng tôi cứ có tiền, nhấc máy điện thoại là có người mang hàng đến tận nhà. Cái chợ đầu làng ngày xưa chủ yếu bán rau dưa, gà, cá hay cái rổ, cái rá, nơm dậm... thì giờ đây bày bán đủ cả. Người đi chợ có thể mua cả nho Mỹ, thịt bò Ô-xtrây-li-a cho đến nước hoa Trung Quốc. Một cái làng nằm cuối huyện, heo hút mà cũng có tới bốn cái nhà nghỉ.

Riêng thực phẩm thì cứ gọi là ê hề, gà vịt, ngan ngỗng, trâu bò... đủ cả. Bây giờ, người làng cũng không còn phải chắt chiu, dành dụm để chuẩn bị cho ngày Tết nữa. Chiều tối ba mươi, chạy ù qua chợ xách về vài con gà làm sẵn, mấy ký thịt bò thái sẵn, vài ba ký giò luộc sẵn, dăm ba cái bánh chưng nấu sẵn...

Ðồ ăn sẵn, có tiền là có ngay nên vì vậy, Tết cũng trở nên nhạt nhẽo. Nỗi lo bây giờ lại nằm ở khâu thực phẩm không an toàn. Ăn ngọn rau cũng nơm nớp lo phun thuốc trừ sâu, bón phân hóa học. Gia súc, gia cầm thì chủ yếu là nuôi bằng phương pháp công nghiệp. Gà ta nhưng nuôi nhốt, ăn thức ăn công nghiệp. Lợn cũng nuôi bằng cám công nghiệp. Cá cũng nuôi lồng, ăn đồ chế biến sẵn... nên cái hương vị cũng nhạt nhẽo đi nhiều. 

Mà bây giờ, việc ăn uống ngày Tết chẳng còn là vấn đề quan trọng nữa. Người ta có thể nhậu bất cứ lúc nào và ăn bất cứ thứ gì muốn nên cái nhu cầu ăn uống trở nên nhàm chán. Cũng bởi vậy, Tết bây giờ vui vì không còn phải lo tất bật và nơm nớp cái đói tháng ba nhưng lại phảng phất nỗi buồn vì mất đi cảm giác háo hức đợi chờ trong niềm vui phấp phỏng.

Phải chăng đó là cái giá của "nền văn minh no đủ"?