Tập trung xây dựng “Tây Ninh xanh”

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này hướng đến phát triển nhanh, bền vững, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, xây dựng “Tây Ninh xanh”...
0:00 / 0:00
0:00
Vùng chuyên canh nhãn hữu cơ tại Tây Ninh.
Vùng chuyên canh nhãn hữu cơ tại Tây Ninh.

Theo quy hoạch, tỉnh Tây Ninh sẽ chú trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm xây dựng “Tây Ninh xanh”, trong đó yếu tố xanh vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện phát triển của tỉnh; để đến năm 2030, Tây Ninh trở thành địa phương phát triển năng động, văn minh, có môi trường sống tốt, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trở thành địa phương đáng đến và đáng sống.

Quy hoạch xác định công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; đồng thời xác định nông nghiệp phát triển theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, số hóa và kinh tế tuần hoàn...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 210 triệu đồng (tương đương khoảng 7.700 USD); ngành du lịch đóng góp hơn 10% GRDP; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5%; tuổi thọ trung bình người dân đạt 75 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm; đạt 11 bác sĩ/vạn dân và 32 giường bệnh/vạn dân...

Để làm được điều này, Tây Ninh phải đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là hiện thực hóa dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; đẩy mạnh phát triển đô thị theo quy hoạch; tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tây Ninh cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm rau củ, trái cây, sản phẩm chăn nuôi và lâm sản, đồng thời ưu tiên các dự án sản xuất sản phẩm chế biến từ rau củ, trái cây, thực phẩm theo hướng đặc sản, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện sinh khối...), gắn phát triển năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng với các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.

Cùng với phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch, Tây Ninh sẽ coi trọng tính chất sinh thái và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ các dự án theo các phân khu chức năng thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đặc sắc, đẳng cấp quốc tế.

Đó là việc khai thác các dự án thương mại-dịch vụ-du lịch sinh thái trong khu vực hồ Dầu Tiếng, khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam; khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát; nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven sông, các điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên toàn tỉnh; đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch (văn hóa, lịch sử, truyền thống, sinh thái...) gắn với thương mại và dịch vụ đô thị, vui chơi giải trí thu hút khách, kích cầu du lịch.

Tây Ninh xác định phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu, công đoạn từ giống, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến... gắn với hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Tây Ninh sẽ hình thành 20 vùng sản xuất tập trung nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Tân Châu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Gò Dầu, Châu Thành và thị xã Trảng Bàng; phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao, chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành và ở những nơi có địa hình, thổ nhưỡng và điều kiện tưới, tiêu chủ động, bảo đảm phương án phát triển ngành hàng lúa gạo theo định hướng sản phẩm chất lượng cao và sản phẩm hữu cơ.

Ngoài ra, tỉnh có vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, hữu cơ theo hướng tập trung, quy mô lớn, chủ yếu tại các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Bến Cầu và thị xã Hòa Thành, thành phố Tây Ninh; vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao, hữu cơ ở các địa phương như Gò Dầu, Dương Minh Châu; vùng chăn nuôi heo tập trung tại các huyện Bến Cầu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành; vùng chăn nuôi gà tập trung tại các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên...