Tập trung phát triển hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long

NDO -

Sáng 3/11, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến tại trụ sở Chính phủ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến tại trụ sở Chính phủ.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, quy hoạch lần này có ý nghĩa rất quan trọng để sớm triển khai các cơ chế, nguồn lực đầu tư được phân bổ cho phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cả nước có 6 vùng kinh tế thì đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch đầu tiên. Đây là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, là động lực tăng trưởng lớn cho đất nước.

Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho vùng để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cho phát triển của vùng. Thời gian qua, 13 tỉnh, thành phố của đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có nhiều đóng góp lớn, nhưng tiềm năng cần khai thác vẫn còn nhiều. Nhất là trong giai đoạn tới có những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần chỉ đạo cần tập trung cao vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng. Quy hoạch vùng đề cập đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm vẫn là các vùng sản xuất và hạ tầng giao thông cũng như hệ thống tưới tiêu và phòng, chống xâm nhập mặn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tham gia đóng góp cho Quy hoạch. Đây là vùng động lực quan trọng về phát triển kinh tế thời gian tới, nhất là các lĩnh vực về nông nghiệp, thủy sản, xuất nhập khẩu và trong tương lai là công nghiệp, dịch vụ. Thời gian qua, các địa phương trong vùng đã có bước chuyển tốt, nhưng tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

Trong giai đoạn tới, khi kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự đột phá vì tiềm năng còn nhiều, từ đất đai, tài nguyên đến nguồn nhân lực. Do đó, các địa phương cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vì đây là yếu tố quan trọng để phát huy hiệu quả liên kết vùng; trong đó, huy động tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, muốn phát triển được kinh tế thì một phần vẫn phải giữ nông nghiệp, nhưng cũng cần ưu tiên cho phát triển đô thị và công nghiệp.

Vì vậy, song song với việc giữ đất lúa theo chỉ tiêu, các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp ven biển. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần đưa vào Quy hoạch định hướng đầu tư xây dựng các hồ trữ nước ngọt lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu không xây dựng các hồ trữ nước lớn, trong tương lai sẽ rất khó tự chủ bảo đảm được vấn đề an ninh nguồn nước cũng như cung cấp đủ nước cho sản xuất. Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu kỹ, tìm ra hướng giải quyết vấn đề này. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tất cả kiến nghị của các địa phương, hoàn thiện hồ sơ để Hội đồng thẩm định họp ngay trong tháng 11 này, tiến tới có thể sớm ban hành Quy hoạch trong tháng 12 tới.

Tóm tắt những nét chính của Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Quy hoạch kế thừa hiện trạng phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tiếp cận hệ thống tư tưởng phát triển mới trên cơ sở đánh giá các tiềm năng lợi thế, nhận diện thách thức của vùng cũng như từng địa phương trong vùng.

Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó môi trường và xã hội là nền tảng. Phát triển theo nguyên lý thuận thiên có kiểm soát, coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và lấy con người làm trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển đa dạng nhưng hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên. Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của Quy hoạch để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên, nhất là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Các địa phương trong vùng đều cơ bản thống nhất nội dung của Quy hoạch, đồng thời đánh giá đây là quy hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, vừa kế thừa được quá trình phát triển của vùng vừa cập nhật cả những yêu cầu trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được chia sẻ, “điểm nghẽn” lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng, “điểm nghẽn” thứ hai là đất đai. Theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vẫn duy trì diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với cây lương thực khác hơn 3,5 triệu ha, trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn một nửa diện tích. Tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành dành thêm tỷ trọng nhất định đất lúa được chuyển đổi, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để bảo đảm an ninh lương thực, khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải giữ lại 1,6 triệu ha trồng lúa, chỉ chuyển đổi 300 nghìn ha đến năm 2030, nhưng cũng không phải chuyển sang đất phi nông nghiệp mà chuyển từ trồng lúa năng suất thấp sang các loại cây nông nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Dù phát triển như thế nào, nông nghiệp vẫn phải là trụ đỡ quan trọng nhất của vùng,...

Về phát triển hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự kiến, đến năm 2025, khu vực này sẽ có thêm 300km đường cao tốc, hỗ trợ tích cực cho việc chuyển đổi mô hình kinh tế của các địa phương. Ngoài ra, ngành giao thông cũng triển khai bảy dự án giao thông lớn và cộng thêm các tuyến thuộc dự án xây dựng đường ven biển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có thể nói trong 5 năm tới, địa phương nào cũng sẽ có dự án hạ tầng giao thông được triển khai.