Trong đó, ưu tiên bố trí vốn dành cho giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương ở khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trung bình khoảng 2.500 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 35% tổng kinh phí). Hàng loạt các chương trình ưu tiên cho giao thông ngoại thành đã và đang được triển khai như hỗ trợ kinh phí từ ngân sách ưu tiên đầu tư một số tuyến giao thông trên địa bàn các huyện, thị xã, tạo tiền đề nâng cao tiềm lực của địa phương.
Bên cạnh đó, năm đô thị vệ tinh được xác định là hạt nhân thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành sẽ được thành phố tập trung đầu tư trong giai đoạn tới. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm, trong đó đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo; đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái. Thời gian qua, Hà Nội đã chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường do trung ương xây dựng với đường địa phương. Trong đó có các công trình giao thông khung kết nối đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh, những tỉnh thuộc Vùng Thủ đô như quốc lộ (QL) 1A, QL 3, QL 6, QL 21; QL 21B; trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; Vành đai 3,5, 4, 5; hệ thống cầu vượt sông: Tứ Liên; Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi…
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết: “Năm đô thị vệ tinh đã được xác định là năm trung tâm phát triển của Thủ đô trong tương lai, cần nhanh chóng hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Vì vậy, cơ chế thực hiện và cách huy động nguồn vốn đầu tư phải hết sức linh hoạt”. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của thành phố về phân công, phân cấp quản lý, cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý để chủ động đầu tư nhằm giảm tải áp lực cho ngân sách thành phố.
Thạc sĩ giao thông Phan Trường Thành cũng cho rằng, ngân sách thành phố nên tập trung đầu tư cho các tuyến đường trục chính, kết nối nhiều địa phương và Vùng Thủ đô, đường sắt đô thị...; Ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho các địa phương còn khó khăn. Bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, thành phố cần chú trọng từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách, xe tải liên tỉnh khu vực Vành đai 4. Bởi đây là những đầu mối giao thông quan trọng kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh, cũng như nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với đầu tư cho đường bộ, Hà Nội cần có cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư thực hiện các tuyến đường sắt đô thị, nhất là các tuyến kết trung tâm thành phố với các đô thị vệ tinh, như tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc; tuyến số 3, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; thúc đẩy, phối hợp với Bộ GTVT triển khai tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi)… Cả ba tuyến này đều sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 -2025 và việc huy động nguồn vô cùng nặng nề, khó khăn. Do đó, thành phố cần sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định của thành phố về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư trên địa bàn, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó: tăng cường phân cấp cho các quận, huyện có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách thành phố; bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư. Đồng thời rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT (theo luật PPP đã được thông qua không còn hình thức BT đối với các dự án mới) để chủ động triển khai lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu theo đúng quy định. Phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương (quận, huyện, thị xã) chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tái đầu tư cho địa phương.