Mưa lũ liên tục trong những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề về hệ thống giao thông, đặc biệt là tình trạng sạt lở khiến nhiều tuyến đường tắc nghẽn...
Tập trung khắc phục hậu quả
Đến chiều 16/10, ngành giao thông, vận tải thành phố Đà Nẵng phối hợp các đơn vị chức năng tập trung khắc phục các điểm sạt lở nặng trên địa bàn thành phố. Các đơn vị huy động 100% số người tham gia rào chắn, cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí ngập sâu, sạt lở và sụt lún vỉa hè, hoàn thành xúc dọn đất chài, đá lăn đường Hoàng Sa, đường lên đỉnh Sơn Trà, Lê Văn Lương, đường ĐT.602, đường Trần Đình Nam, đường Yết Kiêu và hoàn thành đắp bao tải cát dẫn dòng vào hố ga bên hông trạm biếp án Lê Văn Lương.
Tại địa điểm sụt lún tại Cầu Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), ngay trong sáng 16/10, lực lượng chức năng đã thị sát kiểm tra, ghi nhận thực tế sạt lún và đo cụ thể kích thước toàn bộ khu vực sạt lún hàm ếch này. Theo cơ quan chức năng, đây là vị trí sạt lún đang trong quá trình thi công khắc phục do trận mưa lũ lớn vào tháng 10/2022. Mưa lớn trong bốn ngày qua tại Đà Nẵng đã khiến diện tích sạt lún tại đây rộng thêm và nguy cơ sụt lún vẫn tiếp diễn khi trời tiếp tục mưa xối xả. Để bảo đảm an toàn cho người dân, cơ quan chức năng giăng dây cảnh báo và cấm người, phương tiện lưu thông khu vực này.
Tại vị trí các cầu kênh, đơn vị quản lý đường triển khai rào chắn, đắp đất và bao tải cát tại các vị trí bị sụt lún và tiếp tục theo dõi tình hình để có phương án xử lý kịp thời. Riêng đối với vị trí cầu kênh đường Nguyễn Xí (quận Liên Chiểu), do mưa lớn kết hợp với nước kênh dâng cao, tại mố phía nam bị sạt lở đất sau lưng mố KT khoảng 3x3x3m trong phạm vi mặt đường, sạt lở vỉa hè khoảng 2x1,5x3m và sạt lở đất mái kênh khoảng 3x1,5x1,5m. Hiện đơn vị quản lý đã rào chắn bảo đảm giao thông tại khu vực và gia cố, khắc phục. Tại bán đảo Sơn Trà, đơn vị chức năng đã tổ chức phong tỏa toàn bộ tuyến đường lên bán đảo.
Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã huy động tất cả cán bộ, nhân viên đi rà soát, kiểm tra, đặc biệt là triển khai khắc phục, sửa chữa hư hại đối với các công trình hạ tầng giao thông với tinh thần gấp rút, khẩn trương nhằm sớm thông xe.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, vùng áp thấp hiện nay có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến ngày 18/10, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 150-300 mm, có nơi hơn 450 mm.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các ban, ngành, địa phương liên quan tiếp tục triển khai Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó mưa lũ khu vực miền trung, theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền trên biển biết chủ động phòng tránh và điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, bảo đảm an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý tình huống xấu.
Trong những ngày qua, mưa to kéo dài cũng khiến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam bị sạt lở, ngập nước, gây ách tắc giao thông. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, tỉnh đã di dời, sơ tán xen ghép 102 hộ dân nằm trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Mưa lũ đã làm ngập, hư hại hơn 118 ha lúa nước, hoa màu và làm hơn 500m bờ biển phường Cẩm An (thành phố Hội An) và 1 km bờ biển tại xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) sạt lở. Tại vị trí sạt lở đoạn Km 24+560 đường ĐT611 khu vực Đèo Le nối hai huyện Quế Sơn và Nông Sơn, khoảng 5.000m3 đất đá sạt lở, gây tắc đường. Lực lượng chức năng đã huy động nhân lực, máy móc tổ chức thông điểm sạt lở tại Km 24+650 tỉnh lộ 611 đoạn qua khu vực đèo Le và đã thông xe bước 1.
Chủ động ứng phó vùng áp thấp nhiệt đới
Tại Quảng Ngãi, mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm diễn ra trên diện rộng. Đặc biệt, có nơi mưa rất to, nhất là khu vực phía bắc tỉnh. Tỉnh phát đi cảnh báo nguy cơ lũ trên các sông và sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối tại các huyện miền núi.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn, mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở các xã Bình Nguyên, Bình Hòa, Bình Chương bị ngập. Chính quyền các địa phương đã lập chốt chặn, rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Ngoài ra, mưa lũ gây chia cắt, ngập cục bộ ba khu dân cư ở xã Bình Hiệp và Bình Đông. Đáng lo ngại, nước lũ chảy xiết gây sạt lở bờ sông Trà Bồng đoạn qua xã Bình Dương, địa điểm có nhiều tàu thuyền đang neo đậu.
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở các xã Bình Nguyên, Bình Hòa, Bình Chương bị ngập. Chính quyền các địa phương đã lập chốt chặn, rào chắn, cắm biển báo nguy hiểm không cho người và phương tiện qua lại. Ngoài ra, mưa lũ gây chia cắt, ngập cục bộ ba khu dân cư ở xã Bình Hiệp và Bình Đông. Đáng lo ngại, nước lũ chảy xiết gây sạt lở bờ sông Trà Bồng đoạn qua xã Bình Dương, địa điểm có nhiều tàu thuyền đang neo đậu.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn
Dự báo mưa lớn tiếp tục hoành hành các tỉnh, thành phố khu vực miền trung vào những ngày tới. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa khắc phục thiệt hại do mưa lũ đang gây ra, vừa khẩn trương triển khai công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ về chủ động ứng phó mưa lũ.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các sở, ngành, lực lượng vũ trang tổ chức triển khai nội dung các văn bản chỉ đạo; tiếp tục rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; sẵn sàng sơ tán nhân dân tại các khu vực trọng điểm, xung yếu, thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt lở đất,…
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và kiên quyết ngăn cấm người dân qua lại các khu vực nguy hiểm.