Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng chống ma túy

Thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, Bộ Công an đã đấu tranh, bắt giữ hơn 76,6 nghìn vụ, với hơn 115,8 nghìn đối tượng, cùng hơn 12,7 nghìn kg ma túy các loại. Tình hình ma túy ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng tăng mạnh cả về nguồn cung và nguồn cầu, là thách thức không nhỏ đối với công tác phòng chống ma túy ở nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh trình bày ý nghĩa tác phẩm tại lễ trao giải Hội thi vẽ tranh cổ động về phòng, chống ma túy tại quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng). (Ảnh ĐINH NGA)
Học sinh trình bày ý nghĩa tác phẩm tại lễ trao giải Hội thi vẽ tranh cổ động về phòng, chống ma túy tại quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng). (Ảnh ĐINH NGA)

Những hệ lụy xã hội do tệ nạn ma túy đã và đang gây ra luôn là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển, an ninh, an toàn của đất nước. Thậm chí, có nguy cơ các đối tượng buôn bán ma túy sử dụng phương thức, thủ đoạn mua chuộc, kích động những người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy tham gia thực hiện các hoạt động như khủng bố, phá hoại, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự…

Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đến nay, có gần 22,1 nghìn người nghiện ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý hành chính, gần 10,2 nghìn người phạm tội. Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bị phát hiện dương tính với chất ma túy tiếp tục gia tăng. Giai đoạn 2021 -2023, lực lượng công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý hơn 6,5 nghìn trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.

Tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về phòng chống ma túy ảnh 1

Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra ma túy đối với các tài xế trên tuyến đường cao tốc. (Ảnh SƠN TÙNG)

Trong khi đó, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Chúng còn lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để sản xuất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, với hình thức bắt mắt thu hút sự tò mò, khám phá của giới trẻ, đồng thời ngụy trang núp bóng dưới dạng: “nước vui”, trà sữa hoặc tẩm ướp trong thực phẩm đồ uống, thuốc lá điện tử... Bên cạnh đó, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng không gian mạng trong hoạt động phạm tội, các địa phương phải chuyển trạng thái đấu tranh từ truyền thống sang hiện đại để ngăn chặn tội phạm lộng hành.

Trung tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Người sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần “ngáo đá”, mất khả năng kiểm soát hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và những người chung quanh. Theo thống kê đến tháng 10/2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”, gây ra 33 vụ phạm pháp hình sự, trong đó có 4 vụ giết người. Đối tượng nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy không chỉ tự tìm đến nguy cơ tử vong, ảnh hưởng gia đình, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước ước tính hơn 150,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết: Số vụ, đối tượng và tang vật ma túy do các lực lượng chức năng bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm, chiếm tỷ lệ 83,7%.

Trước thực trạng trên, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được Chính phủ giao Bộ Công an là cơ quan chủ trì, quản lý; phối hợp Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung giải quyết, khắc phục những bất cập, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng chống ma túy.

Chương trình nhằm triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống ma túy, trong đó bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy theo đúng quan điểm chỉ đạo đề ra tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát ma túy.

Theo số liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, đến tháng 10/2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần mất kiểm soát hành vi gây ra 33 vụ phạm pháp hình sự. Đáng báo động, trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có khoảng 70-75% người trong độ tuổi 17-35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.