Tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong Ðảng, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng

* Xin ông cho biết những yêu cầu đặt ra trong công tác chuẩn bị và thảo luận các dự thảo văn kiện tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2005-2010?

- Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/T.Ư ngày 06-12-2004 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Ðảng. Theo Chỉ thị 46-CT/T.Ư, việc chuẩn bị các văn kiện đại hội cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Trước hết, cần mở rộng dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, tổng kết sâu sắc, trung thực việc thực hiện nghị quyết của đại hội đảng bộ nhiệm kỳ qua; đánh giá đúng kết quả, ưu điểm, khuyết điểm và yếu kém; làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan của việc chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Ðảng, phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của ngành, địa phương, đơn vị.

- Thứ hai, cần bám sát thực tế địa phương, đơn vị, phát huy trí tuệ của tập thể lãnh đạo, cơ quan tham mưu của đảng bộ và của nhân dân trong việc tham gia xây dựng dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy mình, giải quyết những vấn đề sát sườn của địa phương, đơn vị.

- Thứ ba, cần tập trung vào những vấn đề lớn, cơ bản, bức xúc của địa phương, đơn vị như: phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng quan hệ sản xuất mới; công tác quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Ðảng; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Riêng về phương hướng, nhiệm vụ của đảng bộ nhiệm kỳ tới, báo cáo cần nêu rõ phương hướng chung, mục tiêu tổng quát, các mục tiêu chủ yếu, các nhiệm vụ và hệ thống các giải pháp thật cụ thể, trong đó có giải pháp đột phá, tiếp tục công cuộc đổi mới một cách toàn diện, đi vào chiều sâu, đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Việc thảo luận các văn kiện cần đáp ứng yêu cầu sau:

Thứ nhất, phải tiếp thu các quan điểm lớn nêu trong các dự thảo văn kiện Ðại hội X, dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên, kiểm điểm đánh giá đúng những thành tựu, kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện nghị quyết của đại hội cấp mình nhiệm kỳ qua, rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời đề ra các chủ trương, mục tiêu, giải pháp cụ thể thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đảng bộ trong nhiệm kỳ tới.

Thứ hai, trong thảo luận các văn kiện trên cần phát huy dân chủ, coi trọng quyền phát biểu ý kiến của đại biểu, khuyến khích tranh luận thẳng thắn, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đi thẳng vào những vấn đề trọng tâm, ngắn gọn, có chất lượng, khắc phục việc đọc tham luận dài, chung chung, kể lể dài dòng, liệt kê thành tích. 

Thứ ba, cần đặc biệt chú trọng lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ hưu trí, các nhà khoa học.

 Lần này Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện đổi mới cách thức thảo luận văn kiện đại hội cấp trên. Khi chỉ đạo cấp dưới thảo luận văn kiện đại hội, cấp trên cần có văn bản tóm tắt nội dung, nêu các vấn đề chính, trọng tâm, các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để cấp dưới dễ thảo luận và tập trung thảo luận làm rõ, không tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả.

Vừa qua BCH đã gửi cho cấp ủy các cấp bản dự thảo Ðề cương các văn kiện Ðại hội X (Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế-xã hội, Báo cáo xây dựng Ðảng, Báo cáo bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng) để đại hội cấp cơ sở tập trung thảo luận, làm rõ. Nếu gửi toàn văn dự thảo các báo cáo thì thảo luận sẽ thiếu tập trung và thời gian đại hội cũng không cho phép. Ðồng thời, ban thường vụ cấp ủy có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ý kiến thảo luận của đại hội đảng bộ cấp dưới, cấp mình, thông qua những vấn đề đã được nhất trí và nêu lên những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, báo cáo trung thành với cấp trên kết quả thảo luận.

* Thưa ông, những kết quả đạt được trong công tác cán bộ tạo tiền đề gì cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp?

- Công tác cán bộ bao gồm nhiều nội dung khác nhau. Trong nhiệm kỳ Ðại hội IX, chúng ta tập trung vào một số khâu rất cơ bản trong công tác cán bộ, đó là đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, luân chuyển cán bộ, sắp xếp, bố trí cán bộ.

Sau ba năm tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành đã đạt được một số kết quả bước đầu; góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Ðảng và Nhà nước.

Việc thực hiện Nghị quyết đã tạo ra không khí mới, động lực mới trong công tác cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ trong quy hoạch có năng lực và triển vọng. Hầu hết cán bộ luân chuyển trong thời gian qua đều là cán bộ trẻ, tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường mới, thể hiện được tinh thần trách nhiệm; có quan điểm, cách nhìn nhận và phương pháp chỉ đạo toàn diện, sâu sát; quan tâm hơn tới công tác xây dựng đảng, công tác chính quyền; gần dân và sát dân hơn, nắm bắt thực tế cuộc sống; bước đầu phát huy tác dụng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Ðây là nguồn bổ sung cán bộ quan trọng cho cấp ủy khóa mới.

Chúng ta cũng đạt được những kết quả thiết thực trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba BCH T.Ư Ðảng (khóa VIII), Nghị quyết số 42-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác quy hoạch cán bộ.  Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận; từng bước thực hiện việc bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự để bầu cử theo quy hoạch. 

Nhìn chung, công tác quy hoạch cán bộ đã có kết quả bước đầu, có sự kế thừa, đồng thời có bước phát triển, tạo nguồn cán bộ, góp phần khắc phục dần tình trạng bị động, lúng túng trong công tác cán bộ. Ðợt bầu cử hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 cho thấy, các đồng chí cán bộ chủ chốt HÐND, UBND đã trúng cử đều có trong quy hoạch. Có thể tin tưởng rằng, quy hoạch cán bộ các cấp ủy đã xây dựng trong thời gian qua sẽ là căn cứ cho việc giới thiệu nhân sự bầu vào BCH, ban thường vụ, các chức vụ chủ chốt của Ðảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp khóa tới. Công tác đánh giá cán bộ là một khâu còn yếu, chậm được khắc phục.

Trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo khắc phục mặt yếu kém này bằng các giải pháp cụ thể.  Trong quá trình tiến tới Ðại hội X, Bộ Chính trị chủ trương đánh giá tất cả các đồng chí Ủy viên BCH T.Ư khóa  IX (kể cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư) để có căn cứ chuẩn bị nhân sự BCH T.Ư khóa X, đồng chí nào tái cử, không tái cử. Bộ Chính trị cũng sẽ có đánh giá đối với các đồng chí được giới thiệu lần đầu vào BCH T.Ư.

Trên cơ sở chủ trương này, Ban Bí thư cũng đã có chỉ đạo ban thường vụ cấp ủy các cấp tiến hành đánh giá các đồng chí ủy viên ban chấp hành đương nhiệm để làm căn cứ giới thiệu tái cử hoặc không tái cử vào ban chấp hành khóa mới, cũng như sẽ đánh giá các đồng chí mới được giới thiệu vào ban chấp hành lần đầu. Ðây là một điểm mới trong công tác đánh giá cán bộ, một việc làm khó, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm làm. 

Việc sắp xếp, bố trí điều chuyển cán bộ chủ chốt ở một số địa phương, bộ, ngành thời gian qua cũng là một bước để chủ động trong công tác nhân sự Ðại hội X. Ở các địa phương cũng đã và đang thực hiện chủ trương này và có kết quả thiết thực phục vụ chuẩn bị nhân sự cấp uỷ khóa tới. Như vậy, rõ ràng là kết quả đã đạt được trong công tác cán bộ tạo tiền đề rất tốt cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp.

* Dự thảo báo cáo bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng trình Ðại hội X của Ðảng có điểm gì mới về lý luận và thực tiễn?

- Ðiều lệ Ðảng Cộng sản Việt Nam do Ðại hội IX thông qua đã tiếp tục khẳng định những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Ðảng, phù hợp Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH đáp ứng cơ bản yêu cầu, nhiệm vụ công tác xây dựng Ðảng hiện nay. Việc thực hiện Ðiều lệ Ðảng và Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng đã góp phần tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong Ðảng, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên, nhất là việc tổng kết 20 năm đổi mới đã đặt ra một số vấn đề cần được nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Ðảng trong tình hình mới. Bộ Chính trị đã đề ra quan điểm chỉ đạo trong việc bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng là:

Trước hết, phải kiên định các nguyên tắc cơ bản về Ðảng và xây dựng Ðảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời có tiếp thu kết quả tổng kết 20 năm đổi mới, các công trình nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về xây dựng Ðảng để xem xét, bổ sung, sửa đổi một số điểm cần thiết, bức xúc, chín muồi.

Thứ hai, phải phát huy dân chủ, tập hợp đầy đủ, trung thực ý kiến tham gia của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên; tạo sự thống nhất cao trong toàn Ðảng để bổ sung, sửa đổi Ðiều lệ Ðảng.  Về nội dung, BCH T.Ư dự kiến thảo luận lấy ý kiến trong toàn Ðảng để trình Ðại hội X bổ sung, sửa đổi những vấn đề sau trong Ðiều lệ Ðảng: Về cách diễn đạt bản chất của Ðảng; về chủ trương có cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân hay không; về nguyên tắc hoạt động của Ðảng; về thẩm quyền giới thiệu người vào Ðảng; về vấn đề cấp ủy viên dự khuyết; về nhiệm kỳ đại hội tổ chức cơ sở đảng, chi bộ đảng; vấn đề kiểm tra, giám sát trong Ðảng; về hình thức kỷ luật trong Ðảng và một số vấn đề khác...

Ðây là các vấn đề quan trọng, xét trên khía cạnh lý luận; đồng thời, đây cũng là các vấn đề mà cuộc sống thực tiễn đặt ra cần giải quyết. Có vấn đề mới, song cũng có vấn đề đã qua nhiều kỳ đại hội nhưng chưa có lời giải đáp. Những năm qua chúng ta đã tích lũy thêm cơ sở lý luận và thực tiễn. Lần này Ðại hội X của Ðảng sẽ xem xét và quyết định.

* Xin cảm ơn ông.