Tạo nguồn lực từ công tác cán bộ

Chọn địa phương, lĩnh vực mà cán bộ còn yếu và thiếu để sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Cách làm này của huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tạo thêm nguồn lực để địa phương phát triển hiệu quả hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng (ngoài cùng bên trái) trao đổi với công nhân xây dựng về dự án trường mầm non mới của xã.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng (ngoài cùng bên trái) trao đổi với công nhân xây dựng về dự án trường mầm non mới của xã.

Là xã có lợi thế về làng nghề, kinh tế phát triển, tuy nhiên do công tác quản lý chưa tốt, cho nên thời gian qua, xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) vẫn chưa bứt phá được.

Chuyển biến rõ nét

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do năng lực đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt của địa phương, còn nhiều hạn chế, ngại va chạm khiến việc thực hiện nhiều nhiệm vụ về quản lý đất đai, môi trường, giải phóng mặt bằng khá trì trệ, trong khi trên địa bàn có hàng chục dự án quan trọng cần triển khai. Cuối năm 2020, Huyện ủy Thạch Thất điều động Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Liên Quan Nguyễn Mạnh Quân làm Bí thư Ðảng ủy xã Chàng Sơn. Tiếp đó, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Trần Vượng, người cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm làm Chủ tịch xã Hương Ngải, cũng được luân chuyển làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chàng Sơn.

Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Mạnh Quân cho biết, ngay sau khi về xã, đồng chí đã bàn bạc sửa đổi quy chế làm việc trong cấp ủy, giữa cấp ủy với chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội theo hướng phân công rõ người, rõ trách nhiệm phù hợp thẩm quyền, chức năng và tình hình thực tế. Sau đó, Ủy ban nhân dân xã cũng sửa đổi quy chế để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành. Công tác nắm địa bàn cũng được đẩy mạnh, nhất là trong quản lý đất đai. Người dân khi phát hiện vi phạm có thể gọi điện thẳng cho Bí thư, Chủ tịch xã xử lý ngay. Nhờ đó năm 2022, trên địa bàn có 13 công trình vi phạm, lấn chiếm, sau khi lực lượng chức năng vào cuộc, đã có tám trường hợp tháo dỡ ngay, còn lại năm trường hợp thực hiện cưỡng chế. Sự quyết liệt này giúp công tác quản lý dần đi vào nền nếp. Một số dự án bị chậm tiến độ như dự án xây dựng trường mầm non, cải tạo ao… đã được thực hiện cơ bản xong. "Việc luân chuyển cán bộ, nhất là không phải người địa phương ở cấp xã là rất cần thiết, vừa tạo điều kiện cho cán bộ phát huy năng lực, vừa tránh sự cục bộ, kìm hãm sự phát triển của địa phương", Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chàng Sơn Nguyễn Trần Vượng cho biết.

Câu chuyện tại Chàng Sơn là một trong nhiều thí dụ rõ nét về hiệu quả công tác luân chuyển, điều động cán bộ của huyện Thạch Thất trong năm 2022. Lãnh đạo huyện cho biết, sáu tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu ngân sách của huyện mới đạt 26%; đến tháng 9/2022, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 21%. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện nhận thấy, nguyên nhân của thực trạng này do đội ngũ cán bộ còn trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm; một số phòng, ban phối hợp thiếu chặt chẽ. Ðiều này đòi hỏi phải thực hiện cải tổ đội ngũ cán bộ cho phù hợp, hiệu quả hơn. Huyện thực hiện rà soát tổng thể cán bộ từ huyện đến xã để sắp xếp, bố trí, luân chuyển, trong đó chú trọng những lĩnh vực, địa phương còn yếu. "Có đơn vị, chúng tôi thay thế cả tập thể lãnh đạo là trưởng phòng và phó trưởng phòng", Bí thư Huyện ủy Trần Ðình Cảnh cho biết. Cùng với đó, huyện lựa chọn cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất đạo đức ở các cơ quan, đơn vị để bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý; đồng thời, đưa cán bộ từ cơ sở này sang cơ sở khác để học hỏi, cũng như để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Nâng cao chất lượng cán bộ

Riêng năm 2022, huyện Thạch Thất điều động, luân chuyển hơn 100 đồng chí, trong đó, bảy Bí thư Ðảng ủy xã, năm Phó Bí thư Ðảng ủy xã, bảy Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, ba Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã không phải người địa phương. Sau khi sắp xếp cán bộ, nhiều việc khó, phức tạp được giải quyết hiệu quả. Thí dụ như công tác giải phóng mặt bằng Trường THCS Cẩm Yên kéo dài hơn 10 năm đã được tháo gỡ, hay việc quyết liệt thực hiện cưỡng chế hàng chục trường hợp để thi công dự án Trường THCS Hữu Bằng. "Chúng tôi giao "đầu bài" cụ thể, nếu không làm được thì sẽ sắp xếp lại cán bộ ngay. Nơi nào có biểu hiện không chấp hành sẽ dứt khoát xử lý, thậm chí Thường trực Huyện ủy giao Ủy ban kiểm tra vào cuộc kiểm tra, giám sát về quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; nếu không chấp hành sẽ kiên quyết xử lý, thậm chí kỷ luật", Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ðặng Xuân Ban khẳng định. Ở xã Cần Kiệm, khi thay hai cán bộ chủ chốt, không ít ý kiến cho rằng, địa phương thiếu cán bộ hay sao mà phải đưa người khác về? Lãnh đạo huyện trực tiếp về cơ sở trao đổi, làm công tác tư tưởng để mọi người thấy rằng, việc thay đổi là cần thiết, sẽ tốt hơn. Thực tế sau khi có Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân mới, xã Cần Kiệm đã chuyển biến rõ nét từ công tác xây dựng Ðảng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nội bộ đoàn kết hơn, được nhân dân đánh giá cao.

Với cách làm bài bản, quyết liệt như vậy, năm 2022, huyện Thạch Thất đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội; tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 13,6%; thu ngân sách ước đạt gần 1.200 tỷ đồng, bằng 122% dự toán thành phố giao. Ðây là cơ sở quan trọng để huyện thực hiện thắng lợi 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023. Thời gian tới, Thạch Thất tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó thực hiện đồng bộ từ công tác quy hoạch, đào tạo đến bố trí, sắp xếp cán bộ. "Chúng tôi xác định đây vừa là nhiệm vụ, nhưng cũng chính là nguồn lực quan trọng để huyện tạo đột phá mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới", Bí thư Huyện ủy Trần Ðình Cảnh nhấn mạnh.