Tạo nét đặc trưng cho chợ đêm

Một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến TP Hồ Chí Minh là chợ đêm Bến Thành. Song hiện nay, điểm du lịch này dần kém thú vị trong khi số lượng chợ đêm của thành phố cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và ít tạo được nét đặc trưng...

Chợ đêm Bến Thành cần có thêm nhiều sản phẩm đặc trưng khu vực Nam Bộ để thu hút du khách.
Chợ đêm Bến Thành cần có thêm nhiều sản phẩm đặc trưng khu vực Nam Bộ để thu hút du khách.

Hoạt động từ năm 2002, chợ đêm Bến Thành đã tạo điểm nhấn cho du lịch TP Hồ Chí Minh, là địa điểm mua sắm, ẩm thực được du khách thích thú lựa chọn. Thế nhưng, sau hơn 15 năm hoạt động, các mặt hàng bày bán ở đây không còn mang nét đặc trưng của khu vực Nam Bộ như lúc đầu.

Nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch tại TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Phi cho rằng, chợ đêm không có gì xa lạ với nhiều nước châu Á như Xin-ga-po, Thái-lan…, cho nên khi đến TP Hồ Chí Minh, du khách rất muốn tới một ngôi chợ đêm mang nét riêng vùng Nam Bộ của Việt Nam. Song hiện nay, hàng hóa ở chợ đêm Bến Thành chỉ là những mặt hàng tiêu dùng giản đơn, phục vụ ăn uống là chính mà chưa có nét lạ để thu hút du khách. Chưa kể, do không có điểm tập kết, trữ hàng, tiểu thương chợ đêm Bến Thành phải tự tìm chỗ gửi hàng trong các con hẻm gần đó dẫn đến tình trạng đến giờ họp chợ, người đẩy xe, người đẩy lều bạt trên đường gây mất mỹ quan.

Đã có nhiều ý kiến góp ý, chợ đêm Bến Thành nên đầu tư không gian rộng rãi, tuyển chọn thêm nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền và thêm nhiều loại hình nghệ thuật.

Một số chợ đêm khác đang hoạt động trên địa bàn như Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), Minh Phụng (quận 6), Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)… cũng chủ yếu bán hàng tiêu dùng, hàng giảm giá và kéo dài thời gian hoạt động trong ngày đến khuya chứ chưa nằm trong danh sách “điểm đến” thú vị của du khách.

Tại chợ Hạnh Thông Tây, dù mỗi đêm thu hút hàng nghìn lượt khách đến mua sắm nhưng các mặt hàng như quần áo, túi xách, giày dép, đồ trang sức…, hầu hết đều không rõ nguồn gốc. Nhiều chợ đêm của thành phố, khi mới mở, thu hút khá đông du khách nhưng do khâu tổ chức chưa bài bản, mang tính tự phát, gây mất an toàn giao thông và an toàn vệ sinh thực phẩm khiến chợ đêm mất dần thương hiệu. Chẳng hạn như chợ đêm Kỳ Hòa (quận 10) nằm ngay lòng đường Cao Thắng nối dài, có nhiều phương tiện lưu thông, khi đưa vào hoạt động đã gây ách tắc giao thông đoạn đường 3-2 và Cao Thắng. Sau vài năm hoạt động, đến cuối năm 2008, UBND quận 10 đã ra quyết định đóng cửa chợ.

Thay đổi diện mạo chợ đêm, tạo ra những điểm đến có nét riêng để thu hút du khách là cách làm đang được một số đơn vị, địa phương ở thành phố tìm tòi thực hiện. Mới đây, UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Du lịch Ngôi Sao Biển, đơn vị quản lý chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang), lập đề án phố đi bộ và chợ phiên cuối tuần dọc kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (quận 4). Chủ đầu tư kỳ vọng, khi hình thành sẽ tạo thêm cảnh quan ven bờ kênh, làm phong phú điểm đến du lịch đường sông Sài Gòn nhằm giúp quảng bá đặc sản Việt Nam… Diện tích toàn khu phố đi bộ và chợ đêm này dự kiến khoảng 3.000 m2 với chiều dài toàn tuyến dọc bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé khoảng 300 m. Chợ đêm được bố trí thành những khu riêng biệt tùy theo loại hình như khu cà-phê - nhà hàng với các thương hiệu nổi tiếng; khu hàng lưu niệm - hàng khô - đặc sản và khu dịch vụ. Ngoài ra còn có khu nghệ thuật đường phố - dịch vụ du lịch - quảng bá sản phẩm; không gian cộng đồng - biểu diễn văn hóa văn nghệ, trung tâm thông tin du lịch... Thời gian hoạt động dự kiến từ 16 giờ đến hai giờ sáng hôm sau.

Cùng ý tưởng xây dựng lại thương hiệu chợ đêm, đại diện UBND quận 6 cho biết, quận đang kiến nghị Sở Du lịch thành phố hỗ trợ địa phương nâng tầm hình ảnh của chợ đêm Khu cư xá Phú Lâm B hoạt động hơn một năm nay. Theo phòng Kinh tế quận 6, ngoài việc chấn chỉnh trật tự giao thông, sắp xếp chỗ đậu xe cho khách tham quan, quận 6 sẽ vận động các hộ kinh doanh nâng cấp bàn ghế đồng bộ, tạo mỹ quan chung cho khu chợ. “Thành phố đang mở hướng phát triển du lịch, nhất là du lịch đường sông. Chúng tôi ý thức rằng cần xây dựng lại hình ảnh chợ đêm của quận. Sắp tới, khi cải tạo xong vườn hoa của kênh Hàng Bàng, nếu vỉa hè đủ rộng, chúng tôi sẽ xem xét mở chợ đêm tại khu vực này”, một cán bộ phòng Kinh tế quận 6 cho biết thêm.

Để chợ đêm thu hút khách, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang cho rằng, các địa phương cần phối hợp Sở Du lịch thành phố xây dựng riêng kế hoạch quảng bá hình ảnh các phiên chợ, thậm chí mời các công ty du lịch trong nước đưa khách đến tham quan thưởng ngoạn. Bên cạnh nét truyền thống, chợ đêm phải kết hợp yếu tố đa dạng và hiện đại…